Mô hình nuôi gà của ông Hoàng Văn Hương |
Từ Thái Nguyên
Nhận thấy việc nuôi gà trống thiến để bán vào dịp Tết Nguyên đán đem lại lợi nhuận khá cao, ông Hoàng Văn Hương, 61 tuổi, người dân tộc Sán Dìu, ở xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã có cách làm riêng cho bài toán phát triển kinh tế của gia đình.
Ông Hương là một trong nhiều hộ dân ở sẽ Nam Hòa nuôi gà thịt từ nhiều năm nay, ông thường nuôi từ 3-4 nghìn con/lứa. Nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, ông đã tìm hiểu, nuôi thử nghiệm rồi nhân rộng giống gà đặc sản này. Ông cho biết: Lúc đầu, tôi chỉ nuôi thử vài con để gia đình ăn sau thấy nhiều người hỏi mua, giá bán lại cao hơn gà thường rất nhiều nên tôi tăng dần số lượng theo từng năm, nuôi thả trong vườn đồi rộng 1ha của gia đình. Mỗi năm, ông thuê thợ thiến 560 con để nuôi, phục vụ nhu cầu khách hàng trong dịp Tết Nguyên đán.
Cũng theo ông Hương, so với nuôi gà thịt thường, việc nuôi gà trống thiến không mất quá nhiều công chăm sóc, chúng cũng ít bị mắc bệnh hơn. Tuy nhiên, để nuôi thành công, việc lựa chọn con giống rất quan trọng nên cần mua con giống ở những nơi có uy tín, chất lượng. Gia đình ông hiện lấy giống gà ta lò của một trang trại ở huyện Phú Bình, đây là giống gà lai giữa gà ta Sơn Tây với gà ta Hải Phòng. Trong số hàng nghìn con nhập về, sau khoảng 60 ngày nuôi, khi đã phân biệt được trống - mái thì chọn ra những con trống đẹp để tiến hành thiến. Cần cho chúng nhịn ăn 1 ngày trước khi thiến. Thiến xong cần phải bổ sung vitamin và thuốc kháng sinh để gà khỏe mạnh và tránh bị nhiễm trùng. Nên thiến vào buổi sáng hoặc những ngày thời tiết mát mẻ, tỷ lệ gà sống khỏe và đẹp sẽ cao hơn. Số còn lại được gia đình nuôi thành gà thịt theo hướng đại trà.
Vì đây là giống gà “đặc sản”, chủ yếu phục vụ người dùng trong dịp Tết và mất nhiều thời gian nên mỗi năm chỉ nuôi 1 lứa. Bởi vậy, thời điểm phù hợp để thiến gà là từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, kịp bán gà thịt đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Thịt gà trống thiến có đặc điểm ngon, ngọt và săn chắc hơn so với thịt gà thường, mỡ của chúng rất thơm nên được nhiều người ưa thích. Gà trống thiến của ông Hương hằng năm đều được các thương lái trong tỉnh đến đặt mua từ trước Tết hàng tháng nên nhiều năm nay ông không lo về đầu ra, mà nguồn cung không đủ cầu.
Bà Hằng chuyển từ nuôi lợn sang nuôi gà được khoảng 5 năm nay |
Trước đây, gia đình bà Nông Thị Hằng (tổ dân phố Tiền Phong, thị trấn Đình Cả, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên) chủ yếu chăn nuôi lợn với số lượng lớn. Tuy nhiên sau thời gian dịch bệnh khiến đàn lợn của gia đình bà chết hàng loạt, gây thua lỗ đáng kể. Do đó, bà đã quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi gà được khoảng 5 năm nay.
Ban đầu bà chủ yếu chăn nuôi gà Hồ, sau 3 tháng là xuất bán. Sau đó nhận thấy nuôi gà Hồ mất nhiều thời gian chăm sóc, chi phí lại cao nên từ năm 2020, gia đình bà đã chuyển sang nuôi gà trống thiến.
Theo bà Hằng, việc nuôi gà trống thiến nhàn hơn rất nhiều so với nuôi gà thịt thông thường vì chế độ chăm sóc không quá khắt khe.
Gia đình bà chủ yếu bán gà trống thiến vào dịp Tết Nguyên đán nên bà lựa chọn thời điểm khoảng tháng 5, tháng 6 âm lịch để vào gà. Khi gà khoảng 2,5 – 3 tháng tuổi, lúc này gà đạt trọng lượng khoảng 1 – 1,2kg/con là bắt đầu việc thiến gà. Đến khi xuất bán, gà đạt trong lượng trung bình từ 4,5 – 5kg/con.
Khi mới vào gà bà Hằng cho gà ăn cám để có sức đề kháng tốt. Còn sau khi thiến, gia đình bà chỉ cho gà ăn ngô đến khi xuất bán. So với gà truyền thống, tuy gà trống thiến có thời gian nuôi dài nhưng có sức đề kháng cao nên rủi ro về dịch bệnh cũng ít hơn.
Do nguồn thức ăn cho gà trống thiến của gia đình bà Hằng chủ yếu là ngô nên chi phí chăn nuôi tương đối ít. Bà Hằng cho biết, với 70 con gà trống thiến như năm ngoái, sau 3 tháng chỉ tiêu thụ hết khoảng 1 tấn ngô. Trong khi gà được bán với giá 150.000 đồng/kg, tính ra gia đình bà lãi khoảng 20 triệu đồng từ nuôi gà trống thiến.
"Khách mua gà chủ yếu là người địa phương, họ tự tìm đến tận nhà để mua, như năm ngoái gia đình tôi nuôi 70 con gà trống thiến không đủ để bán, nên những ai muốn mua phải đặt trước mới có" - bà Hằng chia sẻ.
Với 100 con gà trống thiến và giá bán như hiện nay, nếu xuất bán, gia đình bà Hằng sẽ thu về khoảng 45 – 50 triệu đồng. Còn thời điểm gần Tết khi đó gà đạt trọng lượng lớn hơn và giá cả cũng cao hơn thì lúc đó xuất bán, số tiền thu về cũng sẽ nhiều hơn.
Đến Đồng Nai
Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thực hiện mô hình nuôi gà trống thiến để bán Tết. Thời điểm này, các hộ chăn nuôi gà trống thiến tại huyện Cẩm Mỹ đang tất bật chuẩn bị nguồn hàng cung cấp cho thị trường Tết Quý Mão 2023.
Gà được thiến và nuôi đủ tháng đạt đủ số kg quy định cung cấp ra thị trường |
Trại gà của chị Trần Thị Dung, những con gà trống thiến này đã được 3,5 tháng. Gà trống thiến thời gian nuôi từ 7 đến 8 tháng, khi xuất bán gà đạt trọng lượng mỗi con từ 3 đến 5 ký. Dịp tết năm trước, gà trống thiến có giá 110.000/1 ký. Còn tại trang trại hơn 3.000 ngàn con gà trống thiến của anh Lê Bá Huy, năm nào anh Huy cũng chuẩn bị từ 3.000 đến 5000 ngàn con gà trống thiến cung cấp thị trường Tết. Theo anh Huy, thịt gà trống thiến mềm nhưng săn chắc và ngọt, sau khi luộc màu gà ngả vàng óng rất đẹp mắt nên hợp nuôi bán dịp tết.
Nhờ luôn đảm bảo chất lượng nên mặt hàng gà trống thiến của các hộ dân nơi đây khá “hút” khách tại địa phương và một số khu vực ở Bà Rịa – Vũng Tàu, thậm chí những năm gần đây có cả thương lái từ Tp. Hồ Chí Minh về đặt mua để bán ra thị trường những ngày giáp Tết.
Riêng trên địa bàn xã Xuân Tây, tới đây, sẽ cung cấp trên 15.000 con gà trống thiến phục vụ thị trường Tết Quý Mão 2023. Việc phát triển nuôi gà trống thiến đã góp phần làm cho đời sống người chăn nuôi được cải thiện hơn, nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/vụ gà Tết.
Hà Giang
Với kinh nghiệm nuôi gà ta thả vườn khá lâu năm, trong những năm qua, gia đình anh Nguyễn Văn Kết, thôn Chang, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, Hà Giang khá mát tay với đàn gà của mình. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, anh kết còn mở rộng mô hình nuôi gà trống thiến, chủ yếu tập trung bán vào dịp Tết và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Nguyễn Văn Kết cho đàn gà ăn |
Mô hình nuôi gà trống thiến thương phẩm của gia đình anh Nguyễn Văn Kết, thôn Chang, xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên nuôi từ 200 đến 300 con gà trống thiến. Riêng lứa gà dành cho dịp Tết Nguyên đán năm nay, anh đầu tư nuôi khoảng từ 800 - 1.000 con do nhu cầu tăng cao. Hiện nay, đàn gà trống thiến này đều đã đến lứa xuất chuồng với cân nặng trung bình từ 3,5 - 4kg. Theo anh Kết, giá gà trống thiến vào dịp tết thường khá ổn định, cao hơn nhiều so với gà ta thả vườn thông thường, khoảng 130-150 nghìn đồng/kg. Trung bình mỗi lứa gà trống thiến, trừ chi phí anh thu lợi nhuận từ 130 – 150 triệu đồng.Nhờ đảm bảo chất lượng, gà trống thiến của anh Kết khá đắt hàng tại địa phương và người tiêu dùng ngày càng biết đến nhiều hơn. Gần đây đã có thương lái từ các tỉnh lân cận về đặt mua gà trống thiến của anh.
Mô hình gà trống thiến thương phẩm của gia đình anh Kết được đánh giá là rất thành công, phù hợp với điều kiện gia đình; thể hiện sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của người dân trong phát triển kinh tế gia đình. Cách làm này, đang tiếp tục được cấp ủy, chính quyền địa phương nghiên cứu nhân rộng ra những gia đình có điều kiện phù hợp tương đồng. Qua đó, giúp bà con phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.