Hiện Nếp hương Bảo Lạc hiện có diện tích khoảng 80 ha, chủ yếu tập trung trồng ở các xã Xuân Trường, Khánh Xuân, Phan Thanh vì điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp.
Với năng suất bình quân từ 4,5 - 5 tấn thóc, mỗi ha nếp hương hiện cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Đặc biệt, người dân nơi đây chỉ trồng lúa nếp theo tập quán truyền thống, chăm bón bằng phân chuồng, không dùng phân vô cơ nên gạo nếp giữ được hương thơm đặc trưng và an toàn khi sử dụng.
Gạo nếp ở Cao Bằng có đến hàng chục loại thơm ngon, nhưng để được xếp vào đặc sản thì không thể không nhắc đến nếp hương Bảo Lạc
Ông Nông Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Xuân Trường thông tin: Nếp hương ở 4 xóm: Thua Tổng, Nà Đoỏng, Thiêng Lầu, Bản Chuồng với diện tích trồng hiện nay khoảng 63 ha, sản lượng trên 200 tấn thóc. Giống nếp hương ở Xuân Trường còn có tên gọi là “Khẩu nua hom” và có ở đây từ rất lâu đời.
Trước đây, người dân chủ yếu trồng ở các đám ruộng cao, nước tưới chủ yếu là nước mưa nên năng suất thường rất thấp. Nguồn giống chủ yếu do người dân dự trữ sau mỗi mùa vụ. Trong xã gần như nhà nào cũng trồng nhưng chỉ với diện tích nhỏ để đủ dùng trong gia đình vào những dịp lễ, tết hoặc làm quà biếu khách quý.
Từ năm 2011 đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ Cao Bằng đã phối với với nhiều đơn vị để triển khai nhiều dự án về nếp hương như: Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống nếp hương Bảo Lạc; Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Nếp hương Bảo Lạc"; Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất gạo đặc sản nếp hương Bảo Lạc.
Trong đó, Dự án Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể "Nếp hương Bảo Lạc" được triển khai từ tháng 12/2017 có mục tiêu là xây dựng và thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức khai thác, quản lý và phát triển nhãn hiệu.
Qua 2 năm triển khai, Dự án đã thành lập được tổ chức tập thể "Hội Nếp hương Bảo Lạc" với 84 hội viên. Trong đó, có 2 hội viên là doanh nghiệp tham gia nhằm liên kết, hỗ trợ phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Thực hiện áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm.
Dự án đã thiết kế biểu trưng logo, bao bì, giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đồng thời, điều tra, khảo sát đánh giá nhu cầu của thị trường và tìm kiếm kênh tiêu thụ cho sản phẩm.
Ngày 24/3/2020, tại trụ sở UBND huyện Bảo Lạc, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Lễ Công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Nếp hương Bảo Lạc”.
Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Lễ Công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Nếp hương Bảo Lạc”
Vui mừng đón nhận văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đầu tiên của địa phương, đồng chí Hoàng Văn Cương - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc khẳng định: Việc xây dựng và xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ cho một sản phẩm là vô cùng quan trọng. Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, chính quyền huyện Bảo Lạc đã tích cực trong việc tạo dựng các điều kiện cần và đủ để xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Nếp hương Bảo Lạc” và được nhận văn bằng bảo hộ.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là trong thời gian tới, chính quyền địa phương và người dân tiếp tục đồng lòng xây dựng, thực hiện các giải pháp hữu hiệu để duy trì, giữ vững và không ngừng phát triển danh tiếng cho sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể “Nếp hương Bảo Lạc”, để giá trị thương hiệu và hiệu quả kinh tế của sản phẩm ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ sản phẩm ngày càng mở rộng và vươn xa đến mọi miền của Tổ quốc.
Bà Lãnh Thị Mai, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lạc cũng cho rằng việc Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể "Nếp hương Bảo Lạc" là sự khẳng định cho thương hiệu sản phẩm nếp hương Bảo Lạc.
Mong rằng, việc xây dựng mô hình “liên kết 4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) trong sản xuất và tiêu thụ nếp hương Bảo Lạc, sản phẩm đặc sản của huyện Bảo Lạc sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và được nhiều khách hàng tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước biết đến.
Hồng Nga