Hoàng bá - Một trong 50 dược liệu quý trong Đông y chữa nhiều bệnh Công dụng của cây ngân hạnh Muồng trâu - dược liệu “thần kì” trong điều trị táo bón, hắc lào |
Cây cánh kiến trắng |
Cánh kiến trắng có tên khoa học là Styrax Tonkinensis (Pier.) Craib còn được gọi là cây an tức hương, bồ đề, mệnh môn lục sự, thoán hương, tịch tà, tiện khiên ngưu, thiên kim mộc chi, chiết bối la hương thuộc họ bồ đề - Styracaceae.
Cánh kiến trắng là một loại cây nhỏ, cao khoảng 15 – 20 cm, có thể cao hơn nếu để chúng được mọc tự nhiên mà không cắt tỉa cành. Cây có cành tròn, có nhiều lông trắng, màu nâu nhạt, mặt trước có nhiều lông mịn màu trắng, mặt sau nhẵn. Lá cây mọc so le, có cuống ngắn, dài khoảng 6 – 15 cm, rộng khoảng 5 – 11 cm, không có lá kèm theo. Phiến lá có hình trứng, tròn ở gốc lá, nhọn ở đầu, gốc phiến lá có màu trắng như tuyết. Mặt trên lá có màu xanh nhạt, mặt dưới màu trắng nhạt có nhiều lông mịn.
Hoa của cây nhỏ, màu trắng, có mùi thơm đặc trưng, mọc thành từng sim bao gồm nhiều tán hoa đơn hoặc kép. Hoa có 5 đài, tràng hoa hình bánh xe, có 5 nhị liền nhau thành ống, bao phấn liền với đầu nhụy. Quả cây cánh kiến trắng có hình cầu, đường kính khoảng 10 – 16 mm. Phía dưới quả là đài, mắt ngoài quả có nhiều lông hình sao. Mùa hoa thường rơi vào tháng 5 – 6, mùa quả khoảng tháng 9 – 10 hàng năm.
Thu nhựa cây bằng cách tạo những vết cắt sâu trên các cành lớn và thân cây, để nhựa chảy ra và đông đặc lại |
Nhựa cánh kiến trắng là phần chủ yếu được sử dụng để làm dược liệu. Khối nhựa thường có màu vàng nhạt, nâu hoặc đỏ nhạt. Mặt bẻ ngang có màu trắng sữa, xen kẽ các dải dọc màu nâu bóng mượt, cứng. Khi gặp nóng thì nhựa hóa mềm, có mùi thơm đặc trưng.
Nhựa cây rất ít tan trong nước, tan một phần trong các dung môi hữu cơ như Ether và tan hoàn toàn trong cồn.
Cây cánh kiến trắng mọc ở những nơi hoang dại và được trồng ở nhiều nơi trên nước ta. Tuy nhiên, cây thường được tìm thấy ở Hoàng Liên Sơn, Sơn La, Lai Châu, Hà Sơn Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Tuyến Quang, Vĩnh Phúc và Nghệ An.
Thu hoạch nhựa cây thường diễn ra vào thời điểm giữa tháng 6 – 7 hoặc khi cây ra hoa, chọn những cây đã được 5 – 10 tuổi. Các mạch nhựa thường được hình thành trong vùng gỗ mới ngay phía sau thượng tầng. Các ống nhựa xếp song song, kéo nhựa kéo dài dọc theo toàn thân. Khi lấy nhựa thì rạch vào thân cây hoặc cành. Nhựa cây là những phần rời nhau, đục màu trắng hoặc vàng nhạt, rất dễ bẻ gãy. Nhựa cây được chia thành hai loại chính:
Dược liệu chất lượng tốt: Có màu vàng nhạt, thơm mùi Vani.
Dược liệu kém chất lượng: Có màu đỏ, lẫn nhiều tạp chất (vỏ cây, đất cát), có mùi thơm nhẹ hoặc không thơm.
Lợi ích của cánh kiến trắng đối với sức khỏe
Vị thuốc An tức hương thường được sử dụng để điều trị các bệnh lý do trúng gió độc, ác khí |
Theo Y Học Cổ Truyền, chủ trị của vị thuốc cánh kiến trắng bao gồm:
Điều trị được chướng bụng, ngực đau do ác khí (theo Đường Bản Thảo).
Chữa di tinh (theo Hải Dược Bản Thảo).
Chữa chứng tim đau bất ngờ và nôn nghịch (theo Bản Thảo Phùng Nguyên).
Chữa chứng trúng phong, phong giản, phong thấp, lưng đau nhức mỏi, tai ù, hạc tất phong (theo Bản Thảo Thuật).
Chữa chứng hoắc loạn, đau nhức do phong, sinh con xong bị huyết vận, huyết tà (theo Nhật Hoa Tử Bản Thảo).
Trị trúng phong, hôn quyết, ngực bụng đau, sản hậu bị huyết vận, trẻ nhỏ động kinh, đờm quyết, khí uất, trúng ác khí gây bất tỉnh (theo Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Dược Điển).
Trị trẻ nhỏ động kinh, giật kinh phong (theo Trung Dược Tài Thủ Sách).
Chữa chứng trúng ác khí bất ngờ khiến ngực bụng đau, trẻ nhỏ kinh phong, động kinh, phong thấp, lưng đau, tê mỏi tay chân, sinh xong bị huyết vận (theo Trung Dược Đại Từ Điển).
Các bài thuốc sử dụng cánh kiến trắng
Người dân Lào Cai thu hoạch cánh kiến trắng. Ảnh: Báo Tin Tức |
Chữa trúng ác khí, trúng phong
Sử dụng An tức hương 4g, Ngưu hoàng 2g, Đơn sa 4.8g, Quỷ cửu 8g, Tê giác 3.2g, Nhũ hương 4.8g, Hùng hoàng 4.8g, tán thành bột mịn. Lại dùng Thạch xương bồ và Sinh khương, đều 4g, sắc lấy nước, dùng uống với bột thuốc.
Trị phong thấp, nhức mỏi xương khớp
Sử dụng 80g Cánh kiến trắng, tán bột, 160g thịt nạc heo, thái nhỏ, trộn đều, cho vào ống trẻ hoặc bình. Để lên bếp lò, đun lửa lớn nhưng phải để một miếng đồng lên trên, đục một lỗ nhỏ, hướng về phía sưng đau mà dùng xông chữa bệnh.
Chữa phụ nữ sinh xong bị huyết trướng, huyết vận, cấm khẩu
Sử dụng An tức hương 4g, Ngũ linh chi (thủy phi) 20g, tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng uống 4g với nước Gừng sao.
Chữa cơn đau tim đột ngột, nhịp tim đập nhanh mãn tính
Sử dụng An tức hương tán thành bột mịn. Mỗi lần sử dụng 2g với nước sôi, mỗi ngày dùng thuốc một lần.
Chữa chứng hàn khí, lãnh thấp, hoặc loạn thể âm
Sử dụng An tức hương 4g, Phụ tử, Nhân sâm, mỗi vị đều 8g, sắc uống, mỗi ngày một thang.
Chữa đầu vú bị nứt nẻ, sưng đau, giúp vết thương nhanh lành
Sử dụng cây Cánh kiến trắng 20g ngâm với 100g cồn 80 độ trong 10 ngày, thỉnh thoảng cần lắc đều bình thuốc. Sử dụng thuốc này hòa thêm nước sôi để bôi lên vết nứt nẻ.
Chữa trẻ nhỏ nhiễm tà khí gây động kinh
Sử dụng An tức hương to bằng hạt đậu, đốt lên cho trẻ xông trực tiếp.
Chữa trẻ em bị chân co rút, hay la khóc, bụng đau
Sử dụng An tức hương chưng với rượu thành cao. Lại dùng Đinh hương, Mộc hương, Hoặc hương, Trầm hương, Bát giác, Hồi hương đều 12g, Súc sa nhân, Cam thảo, Hương phụ tử, Cam thảo (chích), mỗi vị đều 20g. Tán nhuyễn các vị thuốc thành bột mịn, sao đó trộn với cao An tức hương làm thành viên hoàn, kích thước to bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần dùng uống 8g với nước sắc lá Tía tô.
Chữa ho có đờm, viêm phế quản mạn tính, hen suyễn
Sử dụng Cánh kiến trắng mài thành bột pha với mật ong, luyện thành viên hoàn. Mỗi lần dùng 0.5g, mỗi ngày dùng 2 – 4 lần. Ngoài ra, có thể đốt nhựa cây rồi xông khói vào mũi để long đờm, hỗ trợ hô hấp và giúp giữ tỉnh táo.
Chữa viêm nha chu
Sử dụng An tức hương ngâm với rượu nhạt, sau đó dùng ngậm trong miệng.
Chữa thổ tả, bụng lạnh, trúng phong, gió độc
Sử dụng Cánh kiến trắng 2 – 4g, sắc với nước vài lần. Dùng uống 2 – 3 lần trong ngày. Ngoài ra, có thể tán bột hoặc mài mịn Cánh kiến trắng, mỗi lần sử dụng 1 – 2g với rượu nhạt.
"Vàng trắng" của Việt Nam
"Vàng trắng" của Việt Nam |
Sách Đông y Bản thảo cương mục (Trung Quốc) chép rằng, "các vùng đất như An Nam (Việt Nam ngày nay) hay Srivijaya đều có [cánh kiến trắng]". Theo nghiên cứu của các nhà thực vật học Trung Quốc, cánh kiến trắng chất lượng cao nhất sinh sản ở Việt Nam, Thái Lan, Lào hay Quảng Tây, Trung Quốc.
Hiện nay, cánh kiến trắng mọc ở những nơi hoang dại và được trồng ở nhiều nơi trên nước ta. Tuy nhiên, cây thường được tìm thấy ở các khu vực, tỉnh miền núi phía Bắc như Hoàng Liên Sơn, Lào Cai, Sơn La v.v....
Thực tế, dù cánh kiến trắng rất được coi trọng trong Đông y nhưng trước đây, người dân nước ta lại chưa nắm được giá trị của nó nên chỉ tập trung khai thác gỗ của cây này để làm gỗ ép, đũa ăn.
Chỉ vài năm gần đây, giá trị của cánh kiến trắng mới được đánh giá lại. Nhận thấy nhựa cây cánh kiến trắng có thể mang lại giá trị kinh tế cao nên từ năm 2017, huyện Văn Bàn, Lào Cai đã phát triển dự án trồng cánh kiến trắng trên diện tích rừng 480ha lấy nhựa xuất khẩu.
Ngày nay, ngoài tác dụng điều trị bệnh, nhựa cánh kiến trắng còn có tác dụng khác trong sản xuất nước hoa. Nhựa cánh kiến trắng Việt Nam được xuất khẩu sang Pháp, Myanmar làm nguyên liệu sản xuất nước hoa cao cấp, giúp cho việc lưu giữ mùi hương trong các loại mỹ phẩm dưỡng da.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai, một doanh nghiệp đã tổ chức khai thác, thu mua nhựa cánh kiến trắng cho bà con, giá thu mua nhựa cánh kiến trắng tận gốc là 350.000 đồng/kg (thời điểm năm 2019). Ước tính 1ha cánh kiến trắng có thể cho thu hoạch ổn định khoảng 300kg nhựa, thu khoảng 100 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều so với trồng cánh kiến trắng để lấy gỗ.
Do đó, người dân coi sản phẩm này là "vàng trắng", "lộc Phật" và khu rừng trồng cánh kiến trắng nay đã trở thành “mỏ nguyên liệu” giúp đồng bào dân tộc miền núi thoát nghèo.
Tác dụng, dược lý của cây tần giao |
Hoàng bá - Một trong 50 dược liệu quý trong Đông y chữa nhiều bệnh |
Công dụng của cây ngân hạnh |
Muồng trâu - dược liệu “thần kì” trong điều trị táo bón, hắc lào |