Cà phê là một trong những đồ uống được yêu thích và tiêu thụ rộng rãi nhất mà mọi người thích uống vào buổi sáng. Nhiều người thường tiêu thụ khoảng ba tách cà phê mỗi ngày. Cà phê là thức uống có khả năng cung cấp năng lượng ngay lập tức mang lại sự tỉnh táo và tăng cường sự tập trung vào buổi sáng. Không chỉ vậy, cà phê còn là một nguồn chất chống oxy hóa đáng kể, là một trong những chất dinh dưỡng cần thiết nhất.
Việc lựa chọn giữa cà phê nóng và cà phê pha lạnh (cà phê cold brew) phần lớn phụ thuộc vào lựa chọn hoặc sở thích cá nhân, thậm chí dựa vào điều kiện thời tiết, thời điểm trong ngày và các mối quan tâm về sức khỏe. Ví dụ, có người thích uống cà phê nóng mỗi buổi sáng, nhưng thích một ly cà phê cold brew vào buổi chiều. Nếu muốn đạt được lợi ích chống oxy hóa, giảm căng thẳng và trải nghiệm ấm áp, cà phê nóng có thể thích hợp hơn. Nếu ưu tiên sự thoải mái cho hệ tiêu hóa, giảm lượng caffeine và dễ pha chế, cà phê lạnh là lựa chọn tốt hơn.
Sự khác biệt giữa cà phê nóng và cà phê lạnh
Cà phê nóng và cà phê lạnh có những khác biệt đáng kể về hương vị, cách pha chế... |
Cả hai loại đều có ưu điểm là tăng cường caffeine nhưng chúng mang lại những trải nghiệm khác biệt do sự khác biệt về nhiệt độ và phương pháp pha cà phê. Vì vậy, vấn đề là tìm ra điều gì phù hợp nhất với lối sống và mối quan tâm về sức khỏe.
Quy trình sản xuất: Theo Tiến sĩ Archana Batra - chuyên gia dinh dưỡng (Ấn Độ), sự khác biệt chính giữa cà phê nóng và cà phê lạnh nằm ở phương pháp pha cà phê. Cà phê nóng được pha bằng cách đổ nước sôi hoặc sữa lên hạt cà phê đã xay. Nhiệt giúp chiết xuất đầy đủ các hương vị tạo ra hương vị thơm đậm đà. Ngược lại, cà phê lạnh được pha bằng cà phê xay, đá viên, sữa và đường tùy mỗi người chọn. Một phương pháp khác để pha cà phê lạnh bao gồm pha cà phê nóng rồi làm lạnh nhanh trên đá hoặc trong tủ lạnh.
Hương vị: Cà phê nóng mang lại vị đậm đà, thơm với hương vị phức tạp, sâu sắc nhờ quá trình chiết xuất nhiệt các hợp chất hòa tan và dầu từ hạt. Tuy nhiên, cà phê lạnh mịn hơn, thường ít acid hơn và nhìn chung có hương vị tương tự như cà phê nóng. Hương vị của nó có thể được tăng cường bằng các chất phụ gia như sữa, kem hoặc xi-rô có hương vị.
Nhiệt độ: Nhiệt độ ảnh hưởng đáng kể đến hương vị cà phê. Cà phê nóng mang lại cảm giác dễ chịu và tiếp thêm sinh lực, đặc biệt được thưởng thức trong thời tiết lạnh. Cà phê lạnh mang lại cảm giác sảng khoái và mát lạnh, lý tưởng cho những ngày nắng nóng. Nó thường được thưởng thức với đá hoặc như một phần của đồ uống pha trộn...
Hàm lượng caffein: Tiến sĩ Batra cho biết, mức độ caffeine trong cả hai loại cà phê đều phụ thuộc vào kỹ thuật pha cà phê và tỷ lệ cà phê với nước hoặc sữa. Cà phê nóng có thể có nồng độ cao hơn do thời gian pha lâu hơn. Hàm lượng caffeine cũng thay đổi tùy theo lượng cà phê được sử dụng, vì vậy điều quan trọng là phải xem xét phương pháp pha chế cụ thể và loại cà phê khi so sánh hàm lượng caffeine.
Nên uống cà phê nóng hay lạnh?
Đồ uống nóng còn làm ấm cổ họng, tăng lưu thông máu. |
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Thành Đô, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, nhiều người thích uống cà phê lạnh, nhất là vào mùa hè vì đã khát. Tuy nhiên, đá lạnh dễ khiến niêm mạc đường hô hấp co lại hoặc phù nề, xung huyết, tạo cơ hội cho virus, vi khuẩn tấn công. Bên cạnh đó, cà phê nóng có hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn, giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương tế bào so với cà phê lạnh. Ngoài ra, đồ uống nóng còn làm ấm cổ họng, tăng lưu thông máu.
Mặt khác, cà phê lạnh lại có những ưu điểm riêng. Đối với những người có dạ dày nhạy cảm hoặc dễ bị trào ngược acid, cà phê lạnh có thể ít gây khó chịu hơn so với uống cà phê nóng. Trong đó, cà phê lạnh thường có hàm lượng caffeine thấp hơn, khiến nó trở thành lựa chọn phù hợp cho những người nhạy cảm với caffeine hoặc muốn hạn chế tiêu thụ. Hơn nữa, cà phê lạnh có thể được pha chế nhanh chóng, thuận tiện. Đồ uống giải khát này thường được thưởng thức vào những ngày nắng nóng.
Bác sĩ Đô dẫn nghiên cứu của Mỹ cho thấy nhiệt độ uống cà phê lý tưởng trung bình là 60 ℃, có thể cao hoặc thấp hơn 8,3 ℃. Mức nhiệt đảm bảo độ ngon của đồ uống. Người trưởng thành khỏe mạnh không nên uống quá 400 mg caffeine mỗi ngày, tương đương 4 tách cà phê phin. Thanh thiếu niên không sử dụng quá 100 mg caffeine mỗi ngày. Tiêu thụ nhiều caffeine có thể cao huyết áp, tăng nhịp tim, tăng cơn đánh trống ngực, từ đó khó thở, thở nông, nhịp thở ngắn.
Chuyên viên dinh dưỡng Trần Phạm Thúy Hòa, Khoa Dinh dưỡng, cho biết để tận dụng tối đa công dụng của cà phê, khi pha nên hạn chế đường, sữa đặc hoặc kem. Pha với quá nhiều đường, sữa đặc hoặc kem sẽ kích thích tế bào insulin trong tụy. Lượng glucose (đường), chất béo cao tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường.
Thời điểm tốt nhất để uống cà phê là từ giữa đến cuối buổi sáng. Lúc này, hormone cortisol trong cơ thể thấp, caffeine sẽ tăng nồng độ cortisol, giúp tỉnh táo, tập trung. Người thức dậy khoảng 6h30, thời gian lý tưởng để uống là từ 9h30 đến 11h30.