Liên quan đến việc bản quyền gạo ST24 và ST25, trao đổi với báo chí chiều ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Bộ đã bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với gạo ST24 và ST25 từ năm 2018 và 2020, thời gian bảo hộ là 20 năm.
Tuy nhiên, đến nay ông Hồ Quang Cua và nhóm tác giả mong muốn bán bản quyền cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhưng từ xưa đến nay chưa có tiền lệ.
![]() |
Theo Bộ NN&PTNT hiện hưa thể định giá bản quyền gạo ST24 và ST25. |
"Lãnh đạo Bộ đang bàn bạc việc sử dụng kinh phí trong chương trình phát triển giống để mua lại bản quyền gạo ST24 và ST25. Tuy nhiên, đến nay ông Cua chưa gửi văn bản lên Bộ mà mới chỉ dừng lại ở nguyện vọng", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiên, mong muốn của ông Cua là để Bộ sử dụng bản quyền gạo ST24 và ST25 từ đó giúp nhiều tổ chức, cá nhân thúc đẩy sản lượng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nếu Bộ NN&PTNT đứng ra mua bản quyền gạo ST24 và ST25 thì sẽ giao Cục Trồng trọt sở hữu và quản lý nhằm để đảm bảo năng suất, chất lượng.
Nói về giá mua lại bản quyền gạo ST24 và ST25, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết Bộ NN&PTNT sẽ căn cứ vào Luật Khoa học Công nghệ 2013 và Luật Chuyển giao Công nghệ. Theo Luật khoa học công nghệ, người thực hiện dự án được hưởng tối thiểu 30% giá trị của đề tài.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thể định giá được giá trị của gạo ST24 và ST25 nên vẫn chưa có con số chính xác bản quyền của hai loại gạo này là bao nhiêu.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết khi có dấu hiệu đăng ký thương hiệu gạo ST25 ở Mỹ, cơ quan này đã làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học Công nghệ để bàn giải pháp về sở hữu trí tuệ.
Đồng thời, các Bộ đã phối hợp với Tập đoàn PAN, và ông Hồ Quang Trí (em trai ông Hồ Quang Cua) để gửi hồ sơ qua Mỹ.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiền cho rằng Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới với 14 FTA thế hệ mới. Tuy nhiên hiểu biết và vận dụng luật quốc tế đặc biệt nông sản vẫn hạn chế nhất định. Tới đây quyền bảo hộ và sở hữu bảo hộ của lúa, gạo ST24, ST25 cần có sự can thiệp của nhà nước.
Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và Bộ Khoa học Công nghệ vẫn tiếp tục thảo luận, để giải quyết vấn đề bảo hộ thương hiệu nông sản trên thế giới như thế nào.
![]() |
Quyền bảo hộ và sở hữu bảo hộ của lúa, gạo ST24, ST25 cần có sự can thiệp của nhà nước. |
Trước đó, cũng liên quan đến bản quyền gạo ST24 và ST25 , Thương vụ Việt Nam tại Úc đã triển khai một số giải pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ thương hiệu gạo ST24 và ST25 bị đăng ký nhãn hiệu như:Trao đổi thông tin với Ông Hồ Quang Cua và đề nghị phối hợp hành động; Trưởng cơ quan Thương vụ, Ông Nguyễn Phú Hoà đã chủ động trao đổi với Lãnh đạo Công ty T&L Global foods Supply PTY LTD.
Thương vụ đã gửi công văn cùng một số tài liệu, hình ảnh kèm theo đến Văn phòng Sở hữu trí tuệ của Úc (IP Australia) để làm rõ giống lúa tên ST 24, ST 25 là do ông Hồ Quang Cua và nhóm nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, sản xuất thành công, đã được cấp bằng bảo hộ tại Việt Nam; Thương vụ đang trao đổi với các luật sư tại Úc để chuẩn bị các bước tiếp theo như quy định của IP Australia...
Sau khi gạo ST25 bị đăng ký thương hiệu ở Mỹ và mới đây là ở Úc, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới năm 2019 - mong muốn nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước. ''Cả đời tôi đã bỏ ra tâm huyết, sức lực để nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo được nên chỉ muốn nhượng quyền lại để cho Nhà nước quản lý phát triển cho tốt, chứ một mình doanh nghiệp gia đình tôi không làm nổi. Còn nếu nhượng quyền cho doanh nghiệp, dù có đưa ra giá cao thì tôi vẫn từ chối'', Hồ Quang Cua trả lời báo chí. |