Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 2 tháng đầu năm 2023 tăng cả về khối lượng và kim ngạch |
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn 2 tháng đầu năm 2023 đạt trên 703.470 tấn, tương đương 268,09 triệu USD, giá trung bình 381,1 USD/tấn, tăng 35,3 % về khối lượng và tăng 23% về kim ngạch nhưng giảm 9,1% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022.
Riêng tháng 2/2023 ước đạt 467.998 tấn, tương đương 176,12 triệu USD, giá trung bình 376,3 USD/tấn, tăng mạnh 98,2% về lượng, tăng 90% kim ngạch nhưng giảm nhẹ 4,2% về giá so với tháng 1/2023; so với tháng 2/2022 cũng tăng 87,8% về lượng, tăng 72% kim ngạch nhưng giảm 8,4% về giá.
Trong tháng 2/2023, riêng xuất khẩu sắn lát ước đạt 188.313 tấn, tương đương 51,07 triệu USD, giá trung bình 271,2 USD/tấn, tăng 221% về lượng, tăng 239% về kim ngạch và tăng 5,6% về giá so với tháng 1/2023. Tính chung cả 2 tháng, xuất khẩu sắn lát đạt 246.442 tấn, tương đương 65,72 triệu USD, giá trung bình 266,7 USD/tấn, tăng 29,3% về lượng, tăng 22,7% về kim ngạch nhưng giảm 5% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022.
Sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu hầu hết sang thị trường Trung Quốc chiếm 93,8% trong tổng lượng và chiếm 92,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 659.840 tấn, tương đương 248,14 triệu USD, tăng 33,5% về lượng và tăng 20,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022, giá xuất khẩu sang thị trường này giảm 9,7%, đạt trung bình 376 USD/tấn.
Sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu hầu hết sang thị trường Trung Quốc |
Trung Quốc tăng mua sắn và các sản phẩm từ sắn từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2023, sau khi nước này gỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch Covid-19. Các chủng loại sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu vẫn là tinh bột sắn và sắn lát khô.
Các chuyên gia nhận định, năm 2023 trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng, Trung Quốc sẽ là điểm đến tiềm năng nhất cho sắn và các sản phẩm sắn của Việt Nam nhờ nhu cầu cao, vị trí địa lý gần, chi phí logistics thấp hơn so với xuất khẩu tới các thị trường khác. Trong khi đó, nguồn cung và giá của ngô và lúa mì đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình hình chiến sự ở Ukraine. Do đó, nhu cầu về sắn trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Dự báo tháng tới, nhu cầu mua sắn và tinh bột sắn từ Trung Quốc vẫn cao do thị trường này tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng. Ngoài ra, các ngành công nghiệp năng lượng và thức ăn chăn nuôi cũng chuyển sang nhập khẩu các sản phẩm từ sắn để thay thế, dẫn đến tăng nhu cầu đối với sắn. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sắn và tinh bột sắn sang thị trường này.
Theo Hiệp hội sắn Việt Nam, giá sắn tươi tại miền Trung, Tây Nguyên tiếp tục đứng ở mức cao trong bối cảnh nguồn cung sắn vụ cuối kham hiếm, trong khi các nhà máy đều muốn tăng công suất hoạt động trước khi nghỉ kết thúc vụ.
Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn 2 tháng đầu năm 2023
(Tính toán từ số liệu công bố ngày 10/3/2023 của TCHQ)
Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn năm 2022 đạt 1,4 tỷ USD |