Đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam có độ dài khoảng 1541 km với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD. |
Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 20/9/2024, trong đó đã xác định thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến Dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc - Nam.
Ngay sau chủ trương về xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao được thông qua, dư luận xã hội dành sự quan tâm đặc biệt đến dự án này và cũng đặt ra nhiều câu hỏi về: nguồn vốn, tốc độ, hiệu quả của dự án đối với nền kinh tế, xã hội khi được đầu tư, đưa vào vận hành và sử dụng…
Chiều 29/10, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức toạ đàm "Đường sắt tốc độ cao-Thời cơ và thách thức" nhằm làm rõ các vấn đề về các cơ chế đặc thù, nhất là về huy động nguồn lực và quy trình thủ tục, chính sách...thực hiện dự án.
Bây giờ là thời điểm tốt nhất
Trả lời tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết tuyến đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) Bắc - Nam đã được nghiên cứu 18 năm. Năm 2011, dự án đã được trình cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại thời điểm đó còn một số băn khoăn về nhu cầu vốn đầu tư lớn trong khi quy mô nền kinh tế còn rất khiêm tốn; nợ công cao cũng như những băn khoăn về tốc độ, công năng.
Trong quá trình nghiên cứu, lập 5 quy hoạch chuyên ngành, Bộ GTVT dự báo trên hành lang Bắc - Nam, nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách lớn. Đây là thời điểm thích hợp để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhằm tái cơ cấu lại thị phần vận tải.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy tại Tọa đàm - Ảnh: VGP |
Hơn nữa, thời điểm này quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đạt 430 tỷ USD, nợ công cũng đang ở mức rất hợp lý khoảng 37%. Các điều kiện về nguồn lực cơ bản không phải là thách thức lớn.
Cùng đó, những trăn trở về mặt kỹ thuật trước đây như tại sao lại lựa chọn tốc độ 350km/h, hay công năng tại sao chủ yếu vận tải hành khách đã được làm rõ. Qua 10 năm nghiên cứu với sự tham gia của nhiều chuyên gia nước ngoài và tổ chức các đoàn công tác liên ngành học tập kinh nghiệm tại 6 nước có đường sắt tốc độ cao phát triển, những vấn đề này đến nay đã được kiến giải rõ ràng.
"Như vậy đây là thời điểm thích hợp để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị quyết định trình Quốc hội xem xét, quyết định đầu tư. Đây cũng thực sự là tiền đề, động lực để chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình, như Tổng Bí thư Tô Lâm nói", Thứ trưởng Huy khẳng định.
Công tác chuẩn bị tài chính đã sẵn sàng
Về phần vốn đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng khẳng định, đây là một dự án trọng điểm quốc gia và nước ta đã có nhiều năm chuẩn bị cho công tác đầu tư.
Về việc chuẩn bị nguồn tài chính, thời gian qua, các bộ, ngành đã phối hợp rất chặt chẽ và thống nhất đưa ra ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể và bốn phương pháp huy động nguồn lực.
Đối với ba nhóm giải pháp điều hành tổng thể, thứ nhất, đổi mới mô hình tăng trưởng, điều hành kinh tế xã hội linh hoạt, hiệu quả để góp phần tăng thu ngân sách hằng năm với tinh thần năm sau phải cao hơn năm trước.
Thứ hai, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả theo hướng triệt để tiết kiệm và chống lãng phí để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thứ ba, sửa đổi thể chế, tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn trong thu hút nguồn lực trong lĩnh vực tài chính, đầu tư. Giải pháp này Chính phủ đã có tờ trình trình Quốc hội thảo luận, thông qua trong kỳ họp này.
Đối với bốn phương án huy động nguồn lực, thứ nhất là xây dựng kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm cho ba giai đoạn đến năm 2035 trên tinh thần chủ động, cân đối nguồn lực để đảm bảo đầy đủ các nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng bày tỏ tin tưởng công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất. Nguồn: VGP. |
Trong đó, tập trung ưu tiên chi cho đầu tư phát triển, nhất là các dự án quốc gia và trọng điểm ngành giao thông vận tải, bao gồm dự án đường sắt tốc độ cao, với tinh thần kết hợp cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, lấy ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo.
Thứ hai là thu hút nguồn lực, huy động trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn lãi suất phù hợp, với điều kiện thị trường và tiến độ thực hiện của các dự án.
Thứ ba là thu hút nguồn lực đầu tư trong nước bao gồm cả hình thức hợp tác công tư.
Thứ tư là huy động nguồn lực ngoài nước có ưu đãi cao, điều kiện đàm phán hợp lý và ít ràng buộc.
“Với ba giải pháp và bốn phương án huy động nguồn lực như thế, chúng ta tin tưởng rằng công tác chuẩn bị tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao đã sẵn sàng để đảm bảo được nguồn lực về tài chính ở mức cao nhất theo lộ trình phê duyệt và tiến độ thực hiện dự án đảm bảo theo đúng chủ trương Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10”, Thứ trưởng Bùi Văn Khắng khẳng định.