Dự báo lượng hành khách tương lai của Nhổn - Ga Hà Nội sẽ còn tăng cao. Ảnh: Thái Hà |
Theo thống kê, trong ngày thứ 3 chạy tàu thương mại (10/8), tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn Nhổn - Cầu Giấy đã đón số lượng khách tăng kỷ lục, lên tới 66.078 lượt đi trải nghiệm.
Đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, trong số các ga trên tuyến từ Nhổn - Cầu Giấy, số lượng hành khách vào 2 ga đầu - cuối là ga Nhổn (18.253 lượt) và ga Cầu Giấy (16.668 lượt) cao hơn nhiều lần so với các ga còn lại.
Ngay sau khi chạy tàu chính thức, số hành khách đi trải nghiệm tăng đáng kể. Cụ thể, ngày 8/8 khoảng 35.000 lượt, ngày 9/8 tăng lên hơn 42.000 lượt hành khách. Trong ngày 9/8, do quá đông, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội phải dùng tới vé giấy cho hành khách lên tàu trải nghiệm.
“Tuy nhiên, lượng khách liên tiếp tăng phá vỡ những "kỷ lục" trước đó. Dù trong tiết trời nắng nóng, ngày 10/8, người dân vẫn rất hào hứng với phương tiện giao thông công cộng mới của Thủ đô khi có tới 66.078 lượt đi trải nghiệm”, đại diện MRB thông tin.
Sau hơn 14 năm thi công, tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội đã hoàn thành đoạn trên cao và chính thức khai thác thương mại từ ngày 8/8. Trong 15 ngày đầu tiên, hành khách được miễn phí khi đi tàu.
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là tuyến đường hướng tâm, chạy từ khu vực ven Thủ đô vào sâu trong nội thành, khi khai thác sẽ giúp giao thông Hà Nội giảm được áp lực phương tiện, ùn tắc, giảm áp lực cho các tuyến buýt cùng lộ trình.
Đối với hệ thống giao thông kết nối, dọc trục tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội có 36 tuyến buýt đang hoạt động. Trong đó, có 33 tuyến trợ giá và 3 tuyến không trợ giá.
Ngoài ra, trên tuyến cũng có 2 điểm trung chuyển khách tại Cầu Giấy và Nhổn, 32 điểm dừng xe buýt ở cả 2 chiều.
Hiện tuyến cũng đã hoàn tất kết nối với hệ thống xe buýt. Đáng chú ý, dọc tuyến metro Nhổn- ga Hà Nội cũng bố trí 10 điểm đỗ xe trong phạm vi bán kính 500m thuộc 8 nhà ga để phục vụ người dân đi tàu.
Những nơi có điểm đỗ xe gồm: Cầu Giấy, La Thành, cầu Mai Dịch, nút giao Mai Dịch, phố Khúc Thừa Dụ, đường Nguyễn Phong Sắc, phố Trần Quý Kiên và hè phố Cầu Giấy.
Bên trong khoang tàu mát mẻ, sạch sẽ. Ảnh: Lữ Phụng Tiên |
Theo đại diện Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội, ý tưởng của thiết kế tàu được lấy cảm hứng từ các gam màu thân thiện với thiên nhiên, màu xanh mang ý nghĩa hình ảnh của thủ đô Hà Nội và thể hiện vẻ đẹp hiện đại, năng động; kết hợp gam màu đỏ hồng của quả thanh long đại diện cho nông sản Việt Nam.
Các gam màu này tạo cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu cho thị giác. Bên trong tàu sử dụng màu trắng và xanh lá mạ, màu đỏ hồng làm điểm nhấn mang lại cảm giác rộng rãi cho hành khách.
Tàu được thiết kế theo công nghệ mới, tiêu chuẩn châu Âu, trang bị đầy đủ các tiện nghi hiện đại như hệ thống điều hòa không khí, thông gió, hệ thống loa, camera trong tàu và phía trước tàu. Tàu được chiếu sáng bằng đèn LED, tự động điều chỉnh độ sáng đối với đoạn trên cao và đoạn đi ngầm.
Trên các toa tàu có không gian dành cho xe lăn của người khuyết tật, ghế ngồi dành riêng cho người cao tuổi, phụ nữ có thai, trẻ em.
Đặc biệt, nhà ga thiết kế theo không gian mở, hai bên nhà ga có cửa đón gió tự nhiên. Do đó, trên các nhà ga không sử dụng điều hòa.
Đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy, bao gồm 8 ga: Nhổn (S1); Minh Khai (S2); Phú Diễn (S3); Cầu Diễn (S4); Lê Đức Thọ (S5); Đại Học Quốc Gia (S6); Chùa Hà (S7); Cầu Giấy (S8).
Ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, Hà Nội đang xây dựng đề án dùng một vé điện tử để có thể sử dụng các loại hình giao thông công cộng khác nhau. Hiện đang áp dụng thí điểm với tuyến BRT.
Bên phía công ty sẽ kết hợp với Sở GTVT Hà Nội và các đối tác để đẩy nhanh việc triển khai tích hợp vé điện tử dùng chung, với mục tiêu tiện lợi nhất, an toàn nhất, văn minh hiện đại nhất.