Kiểng bonsai sam núi được nhiều người yêu thích. |
Bonsai sam núi thú chơi nhiều rủi ro
Là người chơi và kinh doanh hoa kiểng có tiếng ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), anh Nguyễn Văn Thọ (32 tuổi) hiện đang sở hữu các dòng bonsai như mai chiếu thủy, khế, hải châu.... Đặc biệt, từ 10 năm nay anh dành thời gian cho dòng kiểng sam núi. Hiện tại, anh đang sở hữu hàng chục bonsai này với nhiều hình dáng bắt mắt, cho giá trị cao. Đầu năm 2022, anh bán hơn 10 kiểng sam núi, bỏ túi hàng chục triệu đồng.
Theo anh Thọ, nhiều người yêu thích sam núi kiểng vì chúng sống khỏe, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chịu được khí hậu cả 3 miền ở Việt Nam. Khi cây cho trái nhìn rất bắt mắt.
Anh Thọ cho hay mất gần 5-7 năm thì bonsai sam núi mới đạt được giá trị cao. |
Chàng trai 32 tuổi này chia sẻ anh chơi sam núi kiểng gần 10 năm nay. Thời gian đầu phôi của cây này chủ yếu khai thác từ rừng núi ở miền Trung, để thuần phục được cần nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm.
“Quá trình nuôi cũng gặp không ít khó khăn, lúc đầu do sử dụng chất trồng là cát 100% nên dinh dưỡng không đảm bảo, cây sống nhưng phát triển khá chậm. Mất vài năm tôi mới thuần thục được cây. Hiện nay, hầu như những phôi mới trên thị trường đều do nuôi trồng ở các tỉnh miền Tây, nên việc thuần hóa không còn khó khăn như trước. Sử dụng chất trồng căn bản như trấu sống, trấu hun, xơ dừa và cát hạt lớn để nuôi trồng và chơi cây thành phẩm đều hiệu quả. Ngoài ra, tôi còn sử dụng hỗn hợp là đất Akadama, đá bọt Pumice kết hợp thêm xơ dừa hoặc đất sạch trồng rau đã qua xử lý để tăng độ ẩm và dinh dưỡng cho cây”, anh Thọ nói.
Bonsai sam núi được nhiều người yêu thích. |
Anh Thọ còn khuyến cáo: “Nếu sử dụng phân vô cơ thì lâu dài, cây chưa kịp hấp thụ sẽ chuyển hóa thành những hợp chất có tính axit, làm cho đất chua giảm pH, từ đó cây chậm hấp thu dinh dưỡng. Nên chọn phân bón có nguồn gốc hoàn toàn hữu cơ, nếu cây không hấp thụ hết phần dinh dưỡng dư thừa sẽ càng làm cho đất thêm tơi xốp và giàu dinh dưỡng”.
Những tuyệt chiêu tạo dáng bonsai sam núi
Để kiểng sam núi bán được giá cao, anh Thọ chia sẻ, quan trọng là cây phải có… duyên, mà cái duyên của cây chủ yếu dựa vào những nét cong, điểm nhấn.
Anh Thọ cho hay: “Những cây bonsai sam núi của tôi được nhiều người thích hầu như đế cây phải vững chãi, nở lớn ở sát chậu và bé dần khi lên thân. Thân có độ lắc lượn duyên dáng và cũng thay đổi kích thước dần từ gốc đến ngọn. Cành có chiều sâu, phải hài hòa với thân, đây cũng là phần khó của việc tạo dáng kiểng. Để đạt được điều này phải điều phối dinh dưỡng và giữ cho cây phát triển liên tục đúng giai đoạn. Với tôi, dáng cân đối hoặc bất cân đối đều có vẻ đẹp riêng nhưng nhất định phải hài hòa mắt nhìn”.
Dáng độc, lạ của kiểng sam núi |
Cũng theo anh Thọ, chăm sóc sam núi không khó. Cần tưới nước đều đặn và luôn chú ý độ ẩm của chậu để điều chỉnh lịch tưới và kích thước chậu.
"Độ ẩm tốt là cây ướt đẫm vào buổi sáng và khô ráo vừa phải vào buổi chiều. Tốt nhất tưới nước vào buổi sáng. Vị trí đặt cây phải thoáng để thuận tiện quan sát và chăm sóc", anh nói.
Anh Thọ thông tin thêm, kiểng sam núi cần nắng cả ngày vì vậy nên đặt cây ở chỗ có ánh sáng mặt trời chiếu liên tục hoặc tối thiểu cũng phải hơn một buổi.
"Với cây sam núi cho trái thì phải cân đối giữa đạm, lân và kali để cây cho trái đều và đẹp. Vào mùa nắng ấm thì mỗi tháng cho phân một lần, mùa lạnh thì hạn chế hơn, bón vào đầu mùa hoặc cuối mùa một lần là được", anh chia sẻ.
Anh Thọ bên "siêu phẩm" kiểng sam núi của mình. |
Bonsai sam núi giá trị cao phải mất 5 đến 10 năm
Trong khi đó, anh Nguyễn Tuấn Tú (31 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) cũng sở hữu hàng chục cây sam núi dáng đẹp, độc lạ với giá trị kinh tế cao. Anh thu về hơn 10 triệu đồng/tháng nhờ bán loại cây này.
Anh Tú khẳng định cây kiểng sam núi được nhiều người yêu thích vì nó hội tụ đủ những yếu tố cần thiết dành cho một người yêu thích bonsai như lá nhỏ, dáng đẹp, sức sống tốt. Thời gian dài vỏ của cây này u lên như những dòng cổ thụ. Cành cây sau khi định hình thì ổn định không bị mất dáng.
Nhiều người trồng cây sam núi vì chúng có giá trị kinh tế cao. |
Anh Tú cho hay anh cũng chơi sam núi kiểng gần 10 năm nay. Lúc đầu trồng gặp nhiều khó khăn và thất bại, sau đó anh học hỏi thêm kinh nghiệm từ anh, em lành nghề đến các bác nhà vườn chuyên trồng kiểng thì mới thành thạo.
Theo anh Tú, sam núi kích thước tầm trung và mini đang là dòng cho giá trị kinh tế rất cao. Hiện nay, thời gian tạo tác sam núi đã cải thiện đáng kể, nhưng cây đẹp và giá trị cao thì phải ít nhất mất 5-10 năm. Còn cây giá vừa phải, ai cũng chơi được thì mất khoảng 2-3 năm.
Để đạt giá trị cao, kiểng bonsai sam núi cần trồng ít nhất 5 năm. |
Anh Tú chia sẻ thêm đối với việc thay đất, thay chậu cho sam núi thì tuyệt đối tránh lúc lá đang còn non và trời đang trở lạnh. Các công đoạn tạo tác từ khi phôi cho đến thành phẩm rất cầu kỳ và cần sự liên tục. Chất trồng cũng phải thay đổi theo từng thời kỳ phát triển của cây.
"Để kích thích rễ, tôi chủ yếu dùng đá Pumice. Thời kỳ cây ổn định phát triển thì chất trồng cần nhiều ẩm và dinh dưỡng hơn, khi đó lượng cát hoặc đá Pumice khoảng 40-50%, còn tăng lên 70 đến 80% thì dành cho cây đã thành phẩm. Đặc điểm khó chịu nhất kiểng sam núi khi tạo dáng là phải vào kẽm lúc cành mới vừa hết màu xanh chuyển qua màu nâu, khi đó cành dẻo vừa phải, sớm hơn thì dễ gãy mà trễ hơn thì quá cứng không làm được", anh Tú thông tin thêm.
Về lâu dài vỏ sam núi giống như những cây cổ thụ, từ đó cho giá trị cao. |
Thú chơi cây kiểng sam núi đang nở rộ bởi loại cây này dáng đẹp, sức sống tốt, bền cây, càng lâu năm sẽ có u như cổ thụ. Tuy vậy để sở hữu những bonsai sam núi độc đáo do tự tay tạo dáng đòi hỏi người chơi phải có kỹ năng và sự kiên trì. Một kiểng bonsai sam núi bán ra vài chục triệu trong khi chủ cây mất 10 năm thuần dưỡng, tạo dáng, thổi hồn vào cây thì cũng không có gì là đắt đỏ./.