![]() |
Ông Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) hiện sở hữu gần 1.000 chậu bonsai ngũ sắc các loại. |
Là giáo viên, anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) có niềm đam mê cây cảnh. Nhận thấy cây hoa ngũ sắc đẹp nên anh Tuấn đã mạnh dạn đưa giống về trồng thử nghiệm.
Vừa dạy học, anh Tuấn vừa học hỏi cách chăm sóc, ghép cành và liên hệ tìm phôi, màu hoa khắp nơi để về thử nghiệm. Để tăng giá trị cho các cây ngũ sắc, anh Tuấn còn tạo thành các dáng phổ biến, cây bonsai mini, ngũ sắc ôm lũa.
![]() |
Từ một loài cây hoang dại, các nhà vườn đã lai tạo thành công những chậu bonsai ngũ sắc phục vụ nhu cầu chơi hoa. |
![]() |
Đây đều là những gốc ngũ sắc tuổi đời vài chục năm nên có dáng vẻ sần sùi, nhiều hình thù. Từ những gốc ngũ sắc này, ông Tuấn khéo léo ghép các màu hoa. |
Chỉ sau 3 năm, anh Tuấn đang sở hữu gần 1.000 chậu ngũ sắc các loại. Anh Tuấn cho biết, cây hoa ngũ sắc có hơn 64 màu sắc và nhiều loại giống khác nhau. Mỗi loại có hương thơm khác biệt.
Cây hoa ngũ sắc cuốn hút người chơi bởi sắc và hương. Điểm nổi trội của hoa ngũ sắc là nở quanh năm nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.
"Mỗi năm, tôi bán khoảng 500 cây và lãi thu về khoảng 200-300 triệu đồng. Thương lái thường đến tận nhà vườn để đặt hàng và chở đi bán Tết khắp các tỉnh, thành trong cả nước", anh Tuấn bộc bạch.
![]() |
Trong đợt Tết vừa qua, ông Tuấn còn mang hoa ra các chợ hoa tại huyện Chư Pưh và TP Pleiku hơn 100 cây, được thị trường đón nhận. |
![]() |
Mỗi năm, ông Tuấn bán khoảng 600 cây và lãi thu về khoảng 200-300 triệu đồng. Năm nay số lượng bán ra nhiều hơn vì thương lái đến tận nhà vườn để đặt hàng và chở đi bán khắp các tỉnh, thành trong cả nước. |
Tại xã Hrú còn có ông Trần Cường cũng nổi tiếng về biệt tài tạo dáng bonsai cây dại. Ông Cường hiện đang sở hữu hơn 1.000 cây hoa ngũ sắc. Ông Cường chia sẻ, trước kia gia đình tập trung vào các cây chủ lực như tiêu, cà phê. Tuy nhiên, cây tiêu "chết trắng" khiến kinh tế gia đình ảnh hưởng nặng nề nên ông quyết chuyển hướng trồng hoa ngũ sắc từ năm 2015.
Ban đầu, ông Cường đi khắp làng, xã tìm những gốc hoa ngũ sắc đẹp để về chăm sóc. Sau đó, ông đặt mua các giống hoa ngũ sắc Thái về ghép với cây hoa dại đã trồng tốt.
![]() |
Đang sở hữu hơn 1.000 cây hoa ngũ sắc, ông Trần Cường (xã Hrú, huyện Chư Pưh) trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022, ông bán được khoảng hơn 200 gốc và thu về hơn 400 triệu đồng. |
![]() |
Những gốc bonsai hoa ngũ sắc rất đa dạng trong đó nhiều cây giá từ 7 - 10 triệu đồng. |
Vì gốc cây ngũ sắc ở khu vực Tây Nguyên còn nhỏ và dáng không đẹp nên ông Cường đã mua gốc (phôi) ở các tỉnh miền Bắc. Trải qua nhiều năm chăm sóc, ông Cường đã sở hữu hàng nghìn chậu hoa.
Mỗi chậu hoa có giá từ 800 nghìn đồng đến 3 triệu đồng. Trước tết vài tháng thương lái đã tới đặt hàng, chỉ tính riêng năm 2022 vừa qua gia đình ông Cường đã thu về hơn 400 triệu đồng, sau khi trừ hết chi phí, lãi khoảng 250 triệu đồng.
![]() |
Ông Cường phải kỳ công mua gốc (phôi) ở các tỉnh miền Bắc về tạo dáng. |
![]() |
Chỉ tính riêng năm 2022 vừa qua gia đình ông Cường đã thu về hơn 400 triệu đồng từ bonsai hoa ngũ sắc. |
Những cỏ thường cây dại tưởng như tầm thường nhưng nhờ sự kiên trì thuần dưỡng, lai tạo, nhiều hộ dân đã tạo nên những chậu hoa ngũ sắc sặc sỡ, đa dạng về kiểu dáng, có giá trị từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Nghề tạo dáng bonsai hoa ngũ sắc đang tạo sinh kế cho nhiều người dân ở xã Hrú. Để hỗ trợ thúc đẩy nghề cây cảnh của địa phương, nơi đây đã thành lập Tổ hội trồng hoa ngũ sắc với khoảng 25 thành viên, mỗi hội viên trồng 200-1.000 chậu hoa. Qua đó, tạo mạng lưới liên kết trồng hoa, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ./.