Rau nhút còn có tên gọi khác là rau rút. Loài rau này thuộc thân thảo có hoa màu vàng. Lá rau nhút thuộc loại lá kép hình lông chim, mọc nổi trên mặt nước ao, hồ, sông, rạch, ruộng lúa nhờ quanh thân có phao trắng.
Hiện nay, rau nhút được trồng phổ biến ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Khoảng vài năm trở lại đây, đời sống người dân nhiều nơi khấm khá nhanh chóng khi mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau nhút, loại rau “đặc sản” nổi trên mặt nước.
Trồng rau nhút chi phí đầu tư thấp, chủ yếu tốn công chăm sóc mà thu nhập lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Nhờ mang lại hiểu quả kinh tế cao, loại cây này đã giúp nhiều hộ nông dân đổi đời, giàu lên trông thấy.
Mô hình trồng rau nhút ít tốn chi phí, góp phần cải thiện đời sống người dân
Cũng giống như nhiều địa phương khác, mô hình trồng rau nhút tại xã Ngọc Chúc (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) đang phát huy hiệu quả và được nhân rộng để phát triển kinh tế gia đình.
Một người dân ở Ngọc Chúc cho biết thấy một số hộ trong vùng trồng rau nhút cho thu nhập cao nên cũng bắt tay làm thử. Do phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên rau nhút phát triển tốt, cho năng suất cao. Trong khi đó, chi phí trồng rau nhút khá thấp, đầu ra ổn định, giá thành cao nên người trồng cũng có thu nhập khá.
Rau nhút là loại cây dễ trồng,tuy nhiên rất dễ bị ốc bám và các loại sâu đục thân, sâu cuốn lá phá hại. Rau nhút cũng nhạy với các loại thuốc nên phải tìm hiểu mới sử dụng cho hợp lý. Nếu có xịt thuốc thì phải xịt xoay vòng theo từng luống, rồi để sau 15 ngày mới cắt, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Tuyệt đối không được dùng các loại thuốc giúp cho rau giòn hoặc thân rau to.
Đặc biệt, để cây rau nhút phát triển tốt, xanh tươi, cần phải thả nhiều bèo tấm nhằm tạo độ mát cho mặt ao; đồng thời, người trồng phải thường xuyên theo dõi độ tăng trưởng của rau nhút để kịp thời phát hiện dịch bệnh.
Rau nhút thu hoạch hàng ngày và hiệu quả hơn hẳn câylúa, từ lúc trồng tới lúc thu hoạch được là khoảng 20 ngày. Trên diện tích 4 công trồng rau nhút, anh Minh chia làm nhiều khu vực để cắt xoay vòng theo từng ngày, bình quân cắt được 50 kg/ngày. Giá rau nhút dao động 8.000 - 10.000 đồng/kg, một ngày gia đình anh Lâm Quốc Minh thu nhập 400.000 - 500.000 đồng.
Rau nhút được nhiều người ưa thích
Được biết, rau nhút hiện có 2 loại trắng và đỏ. Trong đó rau nhút trắng có chất lượng và năng suất cao hơn khoảng 10 đến 15%.
Tuy nhiên, trồng rau nhút trắng đòi hỏi sự chăm sóc cao hơn. Điều quan trọng nhất khi trồng loại rau này là giữ nguồn nước sạch, không ô nhiễm môi trường. Mực nước ruộng trồng tốt nhất khoảng 50 - 60 cm.
Trước đây, gốc rau nhút được cắm thẳng xuống nền ruộng nhưng sau đó đã được cải tiến bằng cách cho bộ rễ nổi trên mặt nước và có hệ thống cọc hoặc ống cao su cố định.
Cách làm mới này giúp đảm bảo môi trường nước vì bộ rễ cây sẽ không làm vẩn đục nguồn nước trong ruộng. Việc chăm sóc, thu hoạch cũng thuận lợi hơn, giúp người tồng tiết kiệm chi phí thuê nhân công.
Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Giồng Riềng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Giồng Riềng xác định nông nghiệp là thế mạnh, trong đó tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển các loại rau màu và nuôi trồng thủy sản.
Với hiệu quả bước đầu đạt được, mô hình trồng rau nhút có thể nhân rộng cho bà con nông dân cùng áp dụng, giúp cải thiện đời sống gia đình, góp phần vào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Khánh Hòa