Cây sương sâm rất tốt cho sức khỏe lại rất dễ trồng. |
Ra lá là có tiền, nhà vườn bội thu quanh năm
Đã gần chục năm nay, gia đình chị Lê Kim Cúc (ấp Đông Bình Trạch, xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) gắn bó với nghề trồng cây sương sâm. Ngoài diện tích chuyên canh sương sâm sau vườn, hầu như các khoảng đất trống xung quanh nhà đều được tận dụng để trồng dây sương sâm từ hàng rào, cho đến dựng trụ tre, bạch đàn bên hông nhà để phát triển sương sâm.
Chị Cúc cho biết: “Sương sâm rất dễ trồng, đặt dây xuống, “quay qua quay lại” là mình thu hoạch được. Mới đầu còn ít, càng lớn dây bò nhiều, năng suất cao hơn, miễn sao trong thời gian phát triển đó cung cấp đủ nước tưới, với lại làm giàn chắc chắn cho dây sương sâm leo là được. Lâu lâu bón phân, còn lúc nào thấy bọ nhảy, hay sâu ăn đọt mới sử dụng thuốc BVTV, nhưng nếu dọn sạch cỏ nền, dây trồng thông thoáng thì sâu rầy cũng ít xuất hiện, bởi vậy chi phí cũng nhẹ” - chị Cúc giải thích.
Vườn chuyên canh cây sương sâm cho hiệu quả kinh tế cao. |
Vườn sương sâm của gia đình chị Cúc từ lúc trồng đến nay gần 10 năm, hầu như ngày nào cũng thu hoạch từ 20-30kg lá. Số lượng ít hay nhiều tùy thuộc vào nhu cầu của bạn hàng ở các chợ. Giá lá sương sâm ổn định, dao động từ 20.000-25.000 đồng/kg, người mua có thể bỏ mối cho khách hàng, hoặc mua để vò lá sương sâm rồi bán kèm với hạt é, sương sáo...
Ngoài cung cấp cho bạn hàng ở các chợ trong tỉnh, chị Cúc còn kết nối với một số đầu mối ở tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ nên đảm bảo cung cấp mỗi ngày. Hôm nào ít thì chị Cúc thuê 1 người hái lá sương sâm tiếp, hôm nào số lượng nhiều phải thuê thêm 2-3 người cùng hái lá, với giá thỏa thuận 7.000 đồng/kg.
“Khi ăn sương sâm mọi người đừng sợ lá bị xịt phân, thuốc không an toàn. Nếu trong lúc thu hoạch mà xịt thuốc, tưới phân lá sương sâm thì vò ra bở, không dai, khách hàng sẽ biết ngay, không ai đặt hàng mình nữa. Bởi vậy, trong suốt quá trình thu hoạch, ngoài tưới nước sẽ ngưng tất cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dù là thuốc dưỡng lá cũng không dùng” - chị Cúc thiệt tình chia sẻ.
Nếu muốn xịt thuốc trừ sâu hay tưới phân dưỡng lá thì bắt buộc phải ngưng thu hoạch, cách ly một thời gian dài cho an toàn, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng lá sương sâm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Lá sương sâm được chế biến thành nhiều món ăn tốt cho sức khỏe. |
Loại cây dược liệu quý mà đặt dây xuống là lên
Cây sương sâm có tên khoa học là Tiliacora triandra, họ Menispermaceae. Cây còn được gọi các tên gọi khác như sâm sâm, xanh tam hay dây xanh leo. Cây sương sâm là loại cây lâu năm, thân leo, có nhiều nhánh. Cây thường mọc bò dưới đất, leo vào cây khác hoặc leo vào bờ rào, bờ tường (khi được trồng). Sương sâm có thân dài trung bình từ 3 – 5m, với cây có nhiều năm tuổi, chiều dài của thân có thể lên đến 10m. Rễ sương sâm là loại rễ cọc, ăn sâu vào trong lòng đất và có sức sống rất mạnh.
Cây sương sâm có giá trị sử dụng với toàn bộ các bộ phận, tuy nhiên, lá sương sâm được sử dụng là nhiều hơn cả. Sương sâm có thể thu hoạch lá quanh năm, thời điểm từ 3 – 4 tháng sau thời gian trồng là có thể thu hoạch. Lá sương sâm sau khi thu hoạch nếu không dùng luôn sẽ được rửa sạch, phơi khô và dùng dần. Quá trình bảo quản lá cần tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và không đặt tại các vị trí ẩm thấp.
Cây sương sâm không còn là quá xa lạ với nhiều bà nội trợ bởi các tác dụng hữu ích với sức khỏe có thể áp dụng như: Làm thạch sương sâm, xay nhuyễn làm coctai sương sâm hoặc vò làm nước giải khát.
Cây sương sâm có giá trị rất tốt với sức khỏe. Theo các chuyên gia, lá cây sương sâm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả. Nguyên nhân chính là việc sử dụng nước lá sương sâm giúp hạ đường huyết, giảm sự phóng thích của glucose từ gan, kích thích sản xuất insulin trong cơ thể. Trong lá sương sâm có chứa các chiết xuất giúp kiểm soát huyết áp. Do đó, tác dụng này là rất tốt với các đối tượng thường xuyên gặp tình trạng huyết áp không ổn định. Bên cạnh đó, các nghiên cứu chỉ do trong lá sương sâm có chứa hàm lượng cao flavonoid – hoạt chất giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư. Ngoài ra, hoạt chất này còn có tác dụng chống lại các quá trình oxy hóa và tăng hấp thụ vitamin C. Từ đó giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Sương sâm có giá trị dược liệu rất lớn, tuy nhiên sương sâm là loại dễ trồng, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm bón. |
Theo Đông Y, lá sương sâm là rất tốt cho hệ bài tiết của cơ thể, đặc biệt là với các chức năng của thận. Do đó, việc sử dụng thạch hoặc nước lá sương sâm hàng ngày có thể cải thiện các tình trạng tiểu bí, tiểu khó. Lá sương sâm có tác dụng hạ sốt hiệu quả đối với trẻ nhỏ và người già bằng việc sử dụng nước lá uống trong ngày. Hoặc cũng có thể dùng lá sương sâm làm thạch và ăn. Trong trường hợp trẻ không thể hạ sốt, bạn cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp can thiệp y tế khác.
Sương sâm có giá trị dược liệu rất lớn, tuy nhiên sương sâm là loại dễ trồng, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật chăm bón. Dây sương sâm là loại ưa nước nhưng không được tưới quá nhiều, đất trồng phải đảm bảo tơi xốp, kèm theo hệ thống rãnh thoát nước hiệu quả, tránh bị úng... Ngoài ra, dọn gốc sạch để tránh sâu rầy ẩn trú, giúp đọt non ra nhiều và phải nắm bắt được thời điểm để cột dây sương sâm lên giàn.
Thạch sương sâm được nhiều người ưa thích sử dụng để thanh nhiệt cơ thể. |
Hiện nay, vườn sương sâm của chị Cúc được thiết kế hệ thống tưới nước tự động, vừa giúp tiết kiệm nước, vừa giảm chi phí nhân công lao động. Vì đặc tính của sương sâm là dây leo, để tiết kiệm diện tích, chị Cúc cho thiết kế giàn leo bằng dây và đưa lên cao thay vì giàn trồng bằng trụ thấp ở dưới.
Nhờ vậy, trên cùng một diện tích đất của khu vườn, chị Cúc có thể trồng nhiều dây sương sâm hơn, dễ thu hoạch, tránh đổ ngã… Vào những tháng nắng nóng, người dân có nhu cầu giải nhiệt, làm mát cơ thể nên sương sâm đắt hàng hơn.
Nhờ trồng dây sương sâm mà gần 10 năm nay, kinh tế gia đình chị Cúc ổn định, hầu như ngày nào cũng có thu nhập vài trăm ngàn đồng. Cây sương sâm có giá trị dược liệu lớn lại dễ trồng có thể tân dụng mọi không gian để trồng chuyên hoặc trồng xen./.