Yên Bái: Phát triển cây măng tre Bát Độ ở huyện Trấn Yên Trồng măng tây trên vùng đất 'khát' Ninh Thuận Mở rộng diện tích trồng măng đặc sản tại Lào Cai |
Trồng măng Đài Loan trên đất cằn ở Tây Nguyên cho thu nhập từ 250 triệu đến 350 triệu đồng/ha. |
Tỷ phú măng tre Đài Loan
Năm 2007, bà Hồ Thị Vân trồng thử nghiệm giống măng tre Đài Loan trên đất Kon Gang. Chỉ sau 1 năm, măng đã cho thu hoạch với sản lượng cao hơn nhiều so với các giống măng tre đã trồng tại địa phương. Đặc biệt, giống măng tre này cho thu hoạch quanh năm. “Năm 2017, tôi chuyển toàn bộ 1,5 ha cà phê già cỗi sang trồng măng tre Đài Loan. Năng suất bình quân đạt trên 30 tấn măng tươi/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình thu mỗi năm hơn 250 triệu đồng/ha”, bà Vân chia sẻ.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, bà Vân nghiên cứu chế biến thành sản phẩm măng giòn, măng chua, măng khô để cung cấp ra thị trường. Hiện tại, bà Vân đã đăng ký sản phẩm măng giòn tham gia Chương trình OCOP của huyện Đak Đoa (Gia Lai). Bà Vân cho biết: 10kg măng tươi sẽ chế biến được 1 kg măng giòn. Kỹ thuật chế biến khá đơn giản. Măng sau khi thu hoạch đem rửa sạch, ngâm khoảng 1 ngày trong nước để giải độc tố, sau đó đưa vào luộc và tiến hành ép hết nước.
“Sản phẩm này khi ngâm nước hoặc luộc lên trước khi đem chế biến món ăn có vị gần giống như măng khô. Tuy nhiên, sản phẩm vẫn giữ được độ tươi, giòn và hương vị của măng. Sản phẩm có thể bảo quản trong tủ lạnh khoảng 6 tháng để ăn dần mà vẫn tươi ngon”, bà Vân cho hay.
Bà Hồ Thị Vân bên vườn măng tre nguyên liệu giống Đài Loan của gia đình. |
Còn tại xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), hiện nay là bạt ngàn những cánh rừng tre trải dài ngút tầm mắt. Những cánh rừng tre này là giống tre bốn mùa, có giá trị thương phẩm rất cao, mỗi năm mang lại cho Lê Minh Hoàng (72 tuổi) hàng tỷ đồng.
Ông Hoàng quê Bình Định, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sang lên vùng đất đỏ cao nguyên lập nghiệp từ năm 1994. Khi bắt tay vào gầy dựng cơ nghiệp nơi vùng đất mới, vợ chồng ông phát hiện đất đai ở đây nhiễm phèn, tầng dưới nhiễm bô-xít nên không phù hợp cho nhiều loại cây.
Theo ông Hoàng, sau nhiều năm thất bại với đủ mọi cây trồng, năm 2015, thấy người dân bản địa cứ mùa mưa thường vào rừng hái măng về sơ chế, bán cho thương lái. Mặt hàng này hiện đang được thị trường ưa chuộng và giá luôn ổn định. Thế nhưng, măng rừng chỉ thu hoạch được 3 tháng mùa mưa, còn mùa nắng lại khan hàng. Ông Hoàng nghĩ ngay đến việc trồng tre để lấy măng. Sau khi khảo nghiệm nhiều loại cây giống, ông Hoàng trực tiếp sang Đài Loan để tìm hiểu các mô hình về giống măng 4 mùa. Sau nhiều ngày lặn lội nơi đất khách, ông Hoàng đã đưa 100 bầu cây giống về ươm thử trên vùng đất của mình.
Tuy nhiên, do ban đầu chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây giống trồng xuống chết nhiều, chỉ còn sống được 30%. Không nản chí, ông Hoàng lại mày mò tìm hiểu cách chăm sóc, chữa bệnh cho cây, cũng như cách ươm giống để nhân rộng mô hình. Mồ hôi của vợ chồng ông Hoàng không ngừng rơi trên những ngọn đồi trọc và thành quả đã được đền đáp, số lượng tre trồng tỷ lệ chết gần như bằng không. Những cánh rừng tre xanh tốt dần phủ xanh trên những ngọn đồi trọc. Chỉ sau 3 năm, ông Hoàng đã nhân giống hơn 17ha tre.
Hiện nay, với 17ha tre, trung bình mỗi ngày gia đình ông Hoàng thu hoạch khoảng 3 tấn măng tươi. Với giá nhập cho các cơ sở thu mua trong và ngoài tỉnh 10.000 đồng/kg măng, mỗi ngày vợ chồng ông Hoàng thu về hơn 30 triệu đồng.
Trồng măng tre Đài Loan đa lợi nhuận
Hiện nay, nhiều công ty, trang trại ở Gia Lai, Quảng Ngãi, Đắk Lắk đều đặt hàng cây giống của ông Hoàng để phát triển mô hình trồng tre lấy măng. Nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh đặt hàng bao tiêu sản phẩm măng tre của gia đình ông. Đối với những cây tre già cỗi, ông Hoàng cũng xuất cho nhiều đơn vị để sản xuất đồ mỹ nghệ, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Còn đối với cơ sở sản xuất măng Vân Long của bà Hồ Thị Vân, hiện cung cấp ra thị trường khoảng 3 tấn sản phẩm mỗi năm. Để có đủ sản phẩm cung cấp cho thị trường, bà Vân đã liên kết với nhiều hộ nông dân để hướng dẫn kỹ thuật trồng và bao tiêu măng nguyên liệu.
Ông Lê Minh Hoàng tại cánh rừng tre Đài Loan cho thu nhập hàng tỷ đồng của gia đình. |
Từ năm 2020, khi cơ quan chức năng thông báo về kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, cơ sở măng Vân Long đã đăng ký tham gia với sản phẩm măng giòn. Hiện cơ sở đang hoàn tất hồ sơ và đưa sản phẩm đi kiểm tra chất lượng. “Khi tham gia Chương trình OCOP, tôi đã được Phòng Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục. Chúng tôi cũng mong muốn cơ quan chức năng tạo mọi điều kiện để sản phẩm sớm hoàn thiện, được hỗ trợ thêm về tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và tạo điều kiện tham gia hội chợ để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng”, bà Vân cho biết.
Đánh giá về hiệu quả của cây măng Đài Loan, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Kon Gang cho biết, mô hình trồng măng tre đang thực sự mang lại hiệu quả, giúp nhiều người dân trong vùng thoát nghèo. Không những vậy, trồng măng tre có thể cải tạo vườn tạp, tận dụng được đất trống, đất bạc màu, bỏ hoang, nhiều nhất là các khu vực đất ruộng thiếu nước sản xuất, khu vực ven suối, vừa có thể bảo vệ nguồn nước, chống sạt lở...
Cũng theo ông Thành, địa phương sẽ khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng măng tre, đồng thời vận động bà con chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương nhằm tiến tới đa dạng hóa cây trồng, giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo.
Cây măng tre Đài Loan đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở Tây Nguyên. Những vùng đất khô cằn, canh tác khó, những khu vườn tạp giờ được phủ xanh bởi tre đem lại hiệu quả kinh tế cao. Những sản phẩm măng tre ngày càng đa dạng và trở thành sản phẩm OCOP ở địa phương góp phần tạo dựng thương hiệu và tạo vị thế vững chắc trên thị trường./.