Có thương hiệu nông sản nụ cười của nhà nông sẽ trọn vẹn. |
Xuất thô, khô mồ hôi là hết tiền
Thống kê cho thấy, Việt Nam mỗi năm xuất khẩu hàng chục tỷ USD nông sản đi khắp thế giới và con số này tăng lên đáng kể theo thời gian, nhưng câu chuyện đáng buồn là sau nhiều năm, đa số doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu nông sản thô, nông sản dưới dạng nguyên liệu mà chưa xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản đủ mạnh, đủ bền vững để bán được giá cao.
Tại tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích gần 70 ngàn ha cây ăn trái, nhiều mặt hàng trái cây thuộc tốp đầu cả nước về diện tích như: chôm chôm, xoài, chuối, sầu riêng, thanh long, cây có múi...
Đây đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, song vẫn chưa có được những thương hiệu lớn vì đa số nông dân, thương lái vẫn xuất khẩu các mặt hàng trên dưới dạng nguyên liệu, các nhà buôn nước ngoài mua về dán thương hiệu của họ lên và bán ra thị trường, thu lời cao hơn nhiều lần so với đồng lời của nông dân, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất.
Những chuyến xe nông sản dồn ứ tại cửa khẩu ở Lạng Sơn hồi đầu năm nay. |
Thực tế, có nhiều thương hiệu nông sản gắn với địa phương, vùng, miền, quốc gia… bán rất tốt ở thị trường trong nước và xuất khẩu đi khắp thế giới. Đặc thù của nhiều loại nông sản là thương hiệu sẽ gắn với địa phương, vùng, quốc gia và nếu được xây dựng một cách bài bản, thương hiệu đó sẽ bền vững.
Nhìn rộng ra cả nước, Việt Nam nổi lên với các loại nông sản chủ lực như lúa gạo, cà phê, hạt điều, trái cây, tôm, cá… Tuy nhiên, thương hiệu lại chưa đủ mạnh, chưa đa dạng nên lợi nhuận thu về không cao. Năm nào cũng lặp lại cảnh “được mùa rớt giá”. Những chuyến xe nông sản dồn ứ tại các cửa khẩu vẫn là nỗi ám ảnh người nông dân
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cần đúng và trúng
Có thương hiệu, nông sản sẽ vượt mọi rào cản để đến những thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Mỹ,.. Tuy nhiên, sau nhiều năm, cơ chế hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản Việt vẫn loay hoay đụng đâu cũng vướng.
Bởi nhìn thực tế, khó có ai “một mình” xây nên các thương hiệu nông sản bền vững được. Toàn cầu hóa đòi hỏi sự chung tay góp sức để có vùng sản xuất đủ lớn, cơ chế chính sách đủ mạnh để bảo đảm được các khâu từ đầu đến cuối và dần làm nên thương hiệu mạnh.
Có năng lực sản xuất, có vùng sản xuất, có các kênh phân phối và bán hàng bền vững dường như là những yếu tố nền tảng đầu tiên để có thể xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản một cách căn cơ, bền vững. Và điều này, khó doanh nghiệp hay nông dân nào có thể làm được “một mình”, họ cần đến những chính sách cởi mở, hỗ trợ ở tầm địa phương lẫn quốc gia.
Tại hội thảo Kết nối kinh doanh: Xây dựng và Bảo hộ nhãn hiệu nhằm phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam” diễn ra vào tháng 8/2022, các chuyên gia của Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã chỉ ra một số vấn đề tồn tại đối với hoạt động bảo hộ và sử dụng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Đó là, chưa có các quy định chi tiết về quản lý đối với đối tượng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể; sự phối hợp chưa chặt chẽ và liên tục giữa Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương.
Ở các địa phương, vẫn thiếu khảo sát xác định nhu cầu của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Do đó, lựa chọn sản phẩm đăng ký chưa phù hợp, chưa gắn với thực tiễn và nhu cầu thị trường. Nhiều nơi chỉ đăng ký bảo hộ sản phẩm tươi, nguyên liệu thô, những sản phẩm này ít được chế biến, thời gian bảo quản ngắn nên chỉ dẫn địa lý không phát huy được tác dụng.
Nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đã không chủ động về nguồn lực để thực hiện việc quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, kỹ năng về xúc tiến thương mại rất kém.
Một số chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể là hợp tác xã, được thành lập khi có sự hỗ trợ từ các dự án, nên các hợp tác xã này không tổ chức hoạt động gì khi kết thúc dự án, hoặc hoạt động rất cầm chừng. Dẫn đến nhãn hiệu tập thể bị “chết yểu”.
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản cần có sự vào cuộc đồng bộ. |
Từ thực tế trên, các doanh nghiệp, chuyên gia kiến nghị các cơ quan chức năng nhà nước cần hoàn thiện các quy định pháp luật cho việc bảo hộ, quản lý và phát triển thương hiệu dựa trên các quyền sở hữu trí tuệ đối với địa danh dùng cho các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Các cơ quan nhà nước cũng cần nâng cao vai trò của quản lý nhà nước về kiểm soát sử dụng nhãn hiệu trên thị trường.
Về phía các đơn vị sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, nên xây dựng và phát triển thương hiệu phải dựa trên các giá trị cốt lõi của sản phẩm, dịch vụ. Đó là chất lượng đặc thù, giá trị khác biệt, uy tín, độ an toàn của sản phẩm. Cần thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để đưa sản phẩm cuối cùng ra đến thị trường.
Khi bán sản phẩm cần gắn nhãn mác hay thương hiệu sản phẩm địa phương, vùng miền và quốc gia (không bán hàng thô, hàng nguyên liệu); đồng thời tăng cường đa dạng hóa sản phẩm để tăng của cạnh tranh trên thị trường và cũng giúp giải quyết các sản phẩm tồn đọng tránh “được mùa thì rớt giá”.
Thương hiệu nông sản không phải là chuyện riêng của nhà nông. Cần có sự phối hợp đồng bộ trong khối liên kết 6 nhà để doanh nghiệp phát huy được tiềm lực còn nông dân được trả xứng đáng công sức lao động trên đồng ruộng./.