Nhiều năm gần đây, Bắc Ninh rất chú trọng đến việc phát triển nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đến nay, địa phương đã có 18 sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, qua đó góp phần ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.
Thực tế nhiều sản phẩm nông nghiệp, làng nghề của tỉnh sau khi được đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ được biết đến rộng rãi, tác động mạnh mẽ đến giá trị và uy tín của sản phẩm, từ đó giá bán có xu hướng tăng. Có thể kể tới sản phẩm gà Hồ, sản phẩm của đồng Ðại Bái, gốm Phù Lãng, gỗ Ðồng Kỵ... giá bán đều tăng trung bình từ 10% đến 15%.
Sản phẩm được bảo hộ thương hiệu còn góp phần thúc đẩy xuất khẩu, như các sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể đồng Ðại Bái, gốm Phù Lãng bên cạnh xuất khẩu sang các thị trường truyền thống, nay đã xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản và các nước châu Âu.
Sản phẩm gốm Phù Lãng - Bắc Ninh
Ngoài những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, tỉnh Bắc Ninh còn có khoảng 70 làng nghề. Mặc dù sản phẩm được đánh giá là phong phú nhưng nhiều mặt hàng nông nghiệp, làng nghề của Bắc Ninh vẫn sản xuất thủ công, ít thay đổi về bao bì, mẫu mã, kiểu dáng, chưa có biện pháp để quản lý và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, chưa đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Thực trạng trên đặt ra cho Bắc Ninh nhiệm vụ phải xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các làng nghề và sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Năm 2018, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho 11 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Ðề án).
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh khẳng định, việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản có vai trò rất quan trọng để phát triển nông nghiệp. Thương hiệu, nhãn hiệu góp phần khẳng định chất lượng, quyền sở hữu, nâng cao giá trị sản phẩm. Ðồng thời, duy trì, mở rộng, phát triển thị trường trong nước và ngoài nước cho các doanh nghiệp. Ðây là công cụ pháp lý chống lại những biểu hiện gian lận thương mại. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. Việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp còn giúp nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ…
Mặc dù đạt được nhiều tín hiệu tích cực, nhưng việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp ở Bắc Ninh hiện nay vẫn gặp khó khăn. Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh, một số người dân chưa hiểu được tầm quan trọng của việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm, cho nên họ chưa mặn mà và hạn chế hợp tác. Việc hoàn thiện hồ sơ của người dân để hoàn thành thủ tục đăng ký mã số, mã vạch còn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định của pháp luật, các cơ sở sản xuất phải được đăng ký sản xuất, kinh doanh thì mới được cấp mã số, mã vạch, nhưng khi đăng ký thì hằng năm các cơ sở này sẽ phải nộp thuế theo quy định. Chính vì điều này, nhiều cơ sở trốn tránh nghĩa vụ bằng cách không đăng ký kinh doanh.
Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp và làng nghề, tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Ðề án xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu các sản phẩm thuộc chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2025. Trong đó, sẽ xây dựng, phát triển và nâng cao vai trò chủ đạo của các tổ chức kinh tế tập thể hoặc doanh nghiệp địa phương để làm cầu nối gắn kết giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ.
Linh Anh