Toàn cảnh Lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4 |
Tham dự buổi lễ, về phía đại biểu khách mời có: Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương; ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ…
Về phía Ban Tổ chức có: Ông Lê Thế Bảo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội; ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội, Trưởng ban Tổ chức chương trình; các ông, bà Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Chánh văn phòng và đại diện các đơn vị trực thuộc: Viện Phát triển Thương hiệu; Trung tâm Phát triển truyền thông, truyền hình; Trung tâm công nghệ chống hàng giả; Trung tâm tư vấn pháp luật; Viện Công nghệ chống giả.
Chương trình cũng được bảo trợ truyền thông bởi Tạp chí Thương hiệu và Công luận; và Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm.
Buổi lễ cũng có sự hiện diện của các đơn vị, doanh nghiệp; các hội viên của Hiệp hội VATAP và các cơ quan thông tấn báo chí đến dự và đưa tin về chương trình.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) nhấn mạnh: Chương trình Lễ kỷ niệm ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4/2022 được tổ chức nhằm thúc đẩy công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đồng thời nhằm mục đích tôn vinh những thương hiệu đã khẳng định được uy tín, chất lượng, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao; đã góp phần không nhỏ đưa thương hiệu của đơn vị mình ngày càng phát triển, có đóng góp tích cực cho nền kinh tế và cộng đồng.
Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) phát biểu khai mạc buổi lễ |
Thông qua Chương trình, Ban tổ chức cũng lựa chọn và khen thưởng, khích lệ những doanh nghiệp đã tích cực trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu; đồng thời ghi nhận, biểu dương những thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ xuất sắc của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong cả nước nhằm khuyến khích và cung cấp thông tin đến người tiêu dùng biết và lựa chọn.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia khẳng định: Ngày “Thương hiệu Việt Nam” ra đời chính là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ đối với vấn đề xây dựng thương hiệu của các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Là cơ hội để tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Việt Nam đã có những biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp trong và ngoài nước bằng nhiều cách thức khác nhau và đã đạt những kết quả đáng khích lệ.
Ông Dũng cũng đánh giá cao những đóng góp của Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì những kết quả đạt được vẫn chưa thực sự đáp ứng được mong muốn của Chính phủ và kỳ vọng của người dân. Do đó, các lực lượng chức năng, Hiệp hội VATAP và các doanh nghiệp cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh công tác này.
Các doanh nghiệp cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi của khách hàng; cần quyết liệt và quyết tâm hơn nữa trong thực hiện công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu bởi đây là giá trị, uy tín, quyền lợi sát sườn của doanh nghiệp trong việc khẳng định vị trí của thương hiệu mình trên thị trường trong nước cũng như quốc tế, đặc biệt trong sự tin cậy của người tiêu dùng đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình.
Ông Đặng Văn Dũng - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm |
Nhân sự kiên này, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan thực thi, nhất là trong công tác giám sát thị trường, quản lý tốt hệ thống phân phối, thu thập, cung cấp thông tin và hỗ trợ các cơ quan thực thi trong công tác phát hiện và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, để bảo vệ và phát triển thương hiệu của đơn vị mình, doanh nghiệp cũng cần tích cực thực hiện tốt các quy định của pháp luật, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ bảo vệ tài sản của doanh nghiệp mình. Không sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp và toàn xã hội về công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; gương mẫu chấp hành tốt quy định của pháp luật.
Về phía VATAP, được đánh giá là cánh tay nối dài của các lực lượng thực thi trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chống hàng giả, hàng nhái, xây dựng và bảo vệ thương hiệu, cần phát huy tốt hơn nữa vai trò, chức năng của mình trong công tác tuyên truyền, thông quan các sự kiện, hoạt động có ý nghĩa để góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong công tác này.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phát biểu |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã đưa ra một số khuyến nghị với cộng đồng doanh nghiệp nhân Ngày Thương hiệu Việt Nam.
Theo đó, để xây dựng thành công một thương hiệu, doanh nghiệp cần lưu ý một số vấn đề sau: Trước tiên và quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là cấp lãnh đạo doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng, quản trị và phát triển thương hiệu, để từ đó dành nguồn lực (thời gian, nhân lực, vật lực) phù hợp, coi chi phí cho hoạt động này là một khoản đầu tư trung và dài hạn giúp nâng cao giá trị doanh nghiệp.
Thứ hai là thường xuyên thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đổi mới, sáng tạo và có tính tiên phong trên thị trường.
Nếu không thực hiện thường xuyên, sản phẩm doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng không phù hợp với nhu cầu thay đổi thường xuyên của thị trường như thiết kế kích thước, màu sắc, kiểu dáng...
Thứ ba là quan tâm đến công tác đăng ký bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là ở nước ngoài. Đây có thể xem là việc quan trọng để đảm bảo thành công cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu ở trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp không nhận thức được đúng đắn hoặc ngại đăng ký, đã tạo cơ hội cho tình trạng ăn cắp mẫu mã để làm giả, làm nhái khá phổ biến.
Thứ tư là tìm kiếm liên kết để xây dựng thương hiệu Việt, cụ thể là kết nối cung cầu, kết nối giữa nhà sản xuất trong nước với các doanh nghiệp phân phối nước ngoài, thu hút đầu tư nước ngoài sản xuất để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kết hợp với đó là sự bùng nổ của công nghệ ngày nay, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng lậu đã và đang trở nên ngày càng phức tạp; gây khó khăn cho cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong vấn đề xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Theo đó, doanh nghiệp cần phối hợp kịp thời với cơ quan chức năng liên quan để đẩy lùi vấn nạn này.
Ông Lế Thế Bảo - Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) phát biểu |
Là người thấu hiểu rõ vai trò của công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chống hàng giả, hàng nhái, ông Lế Thế Bảo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội VATAP nhìn nhận: Hiện nay, vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu đã thu hút được sự quan tâm và đầu tư xứng đáng của cộng đồng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp đã xác định đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của vấn đề xây dựng, tạo lập thương hiệu, cũng như hoàn thiện về mặt thủ tục pháp lý để đăng ký và bảo vệ thương hiệu của mình. Các doanh nghiệp Việt hiện nay đã và đang chú trọng xây dựng mô hình quản trị định hướng marketing - thị trường và xoay quanh các chiến lược thương hiệu làm nòng cốt bài bản.
Không chỉ bằng lý luận mà quan trọng hơn là bằng những kết quả thực tế trên tinh thần thấu hiểu bản chất của thị trường, cạnh tranh và nhận thức cơ hội phát triển song song với thách thức từ bên ngoài chứ không phải là những thành tích trong quá khứ.
Đứng trước thách thức lớn của hội nhập và toàn cầu hoá, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã và đang được tiếp tục phát huy thế mạnh thông qua việc xác lập chiến lược mới, hình ảnh mới và tư duy quản trị mới.
“Nếu có thể phát biểu ngắn gọn về Tầm nhìn mới, đối với Thương hiệu Việt thành công, đó sẽ là một mô hình hài hoà giữa 3 nhóm lơi ích: Lợi ích doanh nghiệp, Lợi ích quốc gia và Lợi ích cộng đồng. Như vậy chắc chắn thương hiệu Việt sẽ thành công và phát triển bền vững”, ông Lê Thế Bảo khẳng định.
Tại buổi lễ, đại diện một số doanh nghiệp hội viên Hiệp hội VATAP cũng đã chia sẻ, những kinh nghiệm thực tế cũng như những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp; gửi lời cảm ơn tới Hiệp hội VATAP cũng như cơ quan chức năng liên quan đã luôn đồng hành cùng doanh nghiệp đồng thời đề xuất các cơ quan chức năng hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp trong công tác này.
Tại sự kiện, với mong muốn hỗ trợ một số doanh nghiệp hội viên Hiệp hội VATAP tiếp cận và sử dụng công nghệ mới, hiện đại trong chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu, Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ TECHPRO thông qua Hiệp hội gửi tặng đến các doanh nghiệp Gói Dịch vụ Tư vấn giải pháp tích hợp hiệu ứng bảo mật - chống giả trên mã vạch sản phẩm.
Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội VATAP và ông Vũ Bảo Long, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ in kỹ thuật số, Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ TECHPRO trao nhận Bảng tài trợ tượng trưng cho Gói Dịch vụ Tư vấn giải pháp tích hợp hiệu ứng bảo mật - chống giả trên mã vạch sản phẩm |
Trong dịp Lễ kỷ niệm Ngày Thương hiệu Việt Nam năm 2022, để ghi nhận sự nhiệt tình hưởng ứng, tham gia Chương trình cũng như sự tích cực các đơn vị, doanh nghiệp trong công tác xây dựng và bảo vệ thương hiệu; Hiệp hội VATAP quyết định tặng Bằng khen, Chứng nhận và Biểu trưng của chương trình cho một số đơn vị, doanh nghiệp .
Hiệp hội VATAP tặng Bằng khen, Chứng nhận và Biểu trưng của chương trình cho một số đơn vị, doanh nghiệp |