Thêm 26 di sản được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Phở Nam Định trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Cụ thể, tại Quyết định số 3981/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội truyền thống điện Huệ Nam (xã Hương Thọ, TP. Huế, Thừa Thiên Huế) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tại Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ban hành cùng ngày, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Nghề thủ công truyền thống làm bún Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể vừa được công bố trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Lễ hội điện Huệ Nam - Sắc màu văn hoá tâm linh
Lễ hội điện Huệ Nam được vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Theo TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế, lễ hội điện Huệ Nam trải qua quá trình hình thành và phát triển lâu dài, với những giá trị mang lại đã khẳng định sức sống mạnh mẽ và trường tồn của lễ hội.
Lễ hội điện Huệ Nam là một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, nhằm thỏa mãn những nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của địa phương. Giai đoạn đầu, lễ hội này chỉ diễn ra trong phạm vi điện Huệ Nam, sau đó do có sự tham gia của dân làng Hải Cát và dần dần phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
Nay trở thành một lễ hội truyền thống và mang bản sắc của các Thánh môn đệ tử thờ Mẫu ở Việt Nam. Đồng thời, trở thành sản phẩm văn hóa tiêu biểu cho vùng đất Huế và sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhiều vùng miền trong cả nước. Lễ hội điện Huệ Nam ngày nay được tổ chức tại địa điểm chính ở điện Huệ Nam (làng Hải Cát, xã Hương Thọ, TP. Huế). Bên cạnh đó, Lễ hội còn diễn ra tại Thánh đường 352 Chi Lăng (phường Phú Hậu, TP. Huế) và đình làng Hải Cát (xã Hương Thọ).
TS. Phan Thanh Hải cho biết thêm, tuy lễ hội điện Huệ Nam đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau nhưng vẫn diễn ra đều đặn mỗi năm hai lần vào tháng 3 và tháng 7 âm lịch. Lần đầu tiên trong khuôn khổ Festival Huế 2022, lễ hội điện Huệ Nam tháng 3 tổ chức nghi lễ cung nghinh Thánh Mẫu, Hội đồng Tứ phủ bằng đường bộ nhằm tái hiện và xây dựng một Carnaval dân gian độc đáo và có quy mô lớn. Đây cũng chính là cơ sở để Ban tổ chức lễ hội cũng như cộng đồng tín ngưỡng thờ Mẫu tiếp tục duy trì nghi lễ này bằng đường bộ (2 năm một lần), đúng như hình thức mà các thế hệ tiền nhân từng thực hiện.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thông tin, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, lễ hội điện Huệ Nam vẫn được tổ chức theo các nghi thức cổ truyền mang đậm bản sắc văn hóa dân gian Việt Nam. Đây cũng là dịp mà nét đẹp thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh) được thể hiện một cách độc đáo.
Những nghi thức như lễ cung nghinh Thánh Mẫu và chư vị, lễ cáo yết, lễ chánh tế, hầu đồng cũng như những lễ vật mà con người dâng lên Mẫu là những sản vật do chính họ làm ra từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi hoặc đánh bắt được là minh chứng sinh động của sự kính trọng thánh môn đệ tử đối với đấng thần linh...
"Có thể nói, lễ hội truyền thống này đưa mọi người xích lại gần nhau hơn, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc", TS. Phan Thanh Hải cho hay.
Làng nghề bún Vân Cù có lịch sử lâu đời
Nghề làm bún Vân Cù của tỉnh Thừa Thiên Huế vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
TS. Phan Thanh Hải cho biết, nghề làm bún Vân Cù là làng nghề truyền thống nổi tiếng, được hình thành cách đây gần 400 năm. Hiện nay, nghề này có hơn 100 hộ dân tham gia sản xuất, cung ứng cho người tiêu dùng và mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân. Lực lượng lao động chính ở Vân Cù chủ yếu là người trong làng.
Nghề làm bún Vân Cù phản ánh bản sắc địa phương, là tinh hoa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, các sản phẩm thủ công truyền thống nghề bún không chỉ là hàng hóa thuần túy kinh tế mà còn là mang tính sáng tạo và nghệ thuật, phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng của các cộng đồng người dân Vân Cù.
Bên cạnh đó còn là nền tảng truyền thống đạo đức trong các phép tắc, lễ nghĩa và các quan hệ ứng xử cũng như văn học dân gian làng xã. Bún làng Vân Cù đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây, mang lại giá trị tinh thần to lớn cho đời sống cư dân bên cạnh giá trị kinh tế.
Nghề làm bún gắn với làng Vân Cù từ lịch sử hình thành dân cư và phát triển kinh tế, là một bộ phận của làng Việt cổ truyền ở miền Trung, đã tạo ra nhiều sản phẩm ẩm thực phổ biến không chỉ có giá trị về hàng hóa mà còn có nhiều giá trị về văn hóa và lịch sử, con người nơi đây.