Mứt Tết - Nét đẹp truyền thống và những lưu ý khi thưởng thức Chuyên ra chỉ ra một số loại mứt giúp hệ tiêu hóa tốt hơn Mứt gừng ngày Tết không chỉ là món ăn ngon mà còn là "vị thuốc" quý |
Mứt từ rễ cây đinh lăng cả triệu đồng/kg vẫn không có để mua
Công đoạn chế biến mứt đinh lăng rất kỳ công và tốn nhiều thời gian. |
Đinh lăng, hay còn gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm, thuộc họ ngũ gia bì là loại cây thân nhỏ có mùi thơm đặc trưng. Các bộ phận của cây đinh lăng đều có những tác dụng khác nhau, lá được dùng như một thứ gia vị trong nhiều món ăn như món cuốn, gỏi cá... Rễ đinh lăng hay còn gọi củ đinh lăng gần giống với nhân sâm Hàn Quốc hay sâm ngọc linh ở nước ta nên loại cây này được mệnh danh là "nhân sâm của người nghèo". Rễ đinh lăng được thu hoạch vào mùa đông và thường có tuổi từ 4-5 tuổi trở lên.
Những năm gần đây, củ đinh lăng không chỉ được biết đến như một vị thuốc quý mà còn được chế biến thành mứt độc đáo, thơm ngon và bổ dưỡng, thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng. Mứt đinh lăng có chút vị thuốc bắc nhưng cũng dễ ăn và có mùi thơm của mật ong và tốt cho sức khỏe.
Công đoạn chế biến mứt đinh lăng rất kỳ công và tốn nhiều thời gian. Đặc biệt, việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu đủ tiêu chuẩn là một thách thức lớn, khiến nhiều người muốn làm mứt cũng gặp khó khăn. Theo đó, muốn làm được mứt đinh lăng, trước hết phải chọn những cây đinh lăng trên 5 năm tuổi, bởi chỉ có những cây này mới có loại củ to, rễ to, nhiều thịt và chỉ chọn những củ chính có đường kính từ 2cm mới đảm bảo các hoạt chất trong mứt là tốt nhất.
Đinh lăng được chia làm nhiều loại như đinh lăng lá nhỏ, đinh lăng lá tròn, đinh lăng rang... Trong đó, đinh lăng lá nhỏ được trồng và sử dụng nhiều nhất. Tất cả công đoạn làm mứt đều bằng phương pháp thủ công, không có chất bảo quản, không chất tạo màu, không phụ gia và hương liệu. Do đó, mứt được làm từ củ đinh lăng có chứa các hoạt chất có lợi cho cơ thể con người. Để làm được 1kg mứt phải sử dụng 7-8kg củ đinh lăng làm nguyên liệu. Hơn nữa, vì công đoạn bào thủ công nên rất mất thời gian.
Chị Thu Hiền (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Chồng mình không thích các loại mứt vì ngọt, nhưng khi thử mứt đinh lăng thì mê ngay lập tức bởi loại mứt này không giống như các loại mứt thường, nó không quá ngọt, thơm như mùi sâm, đây chính là một trong những đặc trưng của mứt đinh lăng mà không loại mứt nào có được. Sau đó chồng mình còn đặt thêm 5kg để biếu bạn bè trong dịp Tết".
Trên thị trường, mứt đinh lăng được đói gói 200gram, 500gr để bán. Túi 200gram có giá khoảng 110-150 nghìn đồng, tính ra một kg có giá hơn 550 nghìn đồng. So với các loại mứt khác, giá mứt đinh lăng giá đắt đỏ nhưng vì lạ và hấp dẫn nên lúc nào cũng trong tình trạng hết hàng.
Thứ quả vứt đi này giờ lại trở thành món ăn đặc sản có giá đắt đỏ
Nhiều người cũng chia sẻ về cách để làm mứt cau cảnh. |
Khác với cây cau truyền thống lấy quả, cây cau cảnh được nhiều người dân trồng để làm đẹp. Cau cảnh ra quả quanh năm, thường chín rụng và bỏ đi. Quả khi mới ra có màu xanh, trái già sẽ chuyển sang màu đỏ. Ít ai biết thứ quả vứt đi này giờ lại trở thành món ăn đặc sản có giá đắt đỏ.
Một số người thấy lạ khi loại quả này thường bỏ đi mà lại làm được món ăn. Nhiều người vì tò mò đã đặt mua về ăn thử. Không ít người ăn thích lại mua làm quà biếu. Nhiều người cho biết, mứt cau cảnh ăn rất ngon, ngọt, bùi, mềm, dẻo và có hương vị đặc trưng của quả cau. Loại mứt này không chỉ ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho người tiểu đường.
Tuy nhiên, để mua được mứt cau cảnh không phải đơn giản. Bởi mặt hàng này không thường xuyên có, người bán cũng rất ít. Do làm thủ công, nhỏ lẻ nên số lượng mứt cau cảnh bán ra không có nhiều. Vì thế, khách hàng có thể phải đặt trước và đợi nhận hàng.
Nhiều người cũng chia sẻ về cách để làm mứt cau cảnh. Nhiều người tỏ ra thích thú khi trải nghiệm làm món mứt đặc biệt này. Theo đó, quả cau sau khi được chọn ưng ý, mọi người lấy phần hạt của quả cau ra bằng cách lấy chày đập. Sau đó, đem hạt này ngâm với nước có pha với muối, chanh rồi rửa lại vài lần. Tiếp đến đem luộc với nước có muối và chanh để hạt cau trắng, không còn chát. Nên luộc 3 lần, mỗi lần 5-10 phút. Khi hạt cau đã được luộc đem ướp với đường, đun lên nhỏ lửa đến khi sền sệt rồi mang ra phơi nắng là được.
Trên các chợ mạng nhiều người rao bán món mứt được làm từ quả cau cảnh. Những năm trước, mứt cau kiểng thường được người dân làm để ăn trong dịp lễ Tết. Sau chúng trở thành món được giao bán nhiều. Giờ là đặc sản của vùng miền Tây. Loại mứt này không chỉ ngon mà còn tốt cho sức khỏe, đặc biệt tốt cho người tiểu đường. Trên thị trường, giá của loại mứt cau cảnh được bán với giá từ 150.000-200.000 đồng/kg.
Mứt chuối tá quạ giá đắt đỏ vẫn “cháy” hàng
Quả chuối tá quạ làm mứt phải là những quả chuối chín già thì màu mới đẹp, khi ăn sẽ thơm và có vị béo. |
Chuối tá quạ hay còn gọi là chuối mễ, quả chuối to, dài và cong giống mỏ của con quạ. Loại quả này là đặc sản của huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh). Sở dĩ loại chuối tá quạ có ít vì giống chuối này khá khó trồng và mất nhiều công chăm sóc, quả thu được cũng không nhiều. Cây chuối khi trồng từ 8 tới 9 tháng mới ra hoa và một buồng chuối tá quạ thông thường chỉ có 1 tới 2 nải, mỗi nải nhiều lắm cũng chỉ được khoảng 10 trái.
Khi cây ra quả, thu hoạch xong thì cây sẽ được chặt bỏ, còn cây con sẽ phải được di chuyển sang chỗ khác trồng. Do trồng rất cực, người dân ở Trà Vinh không ai trồng chuyên canh cây này cả, họ sẽ trồng xen canh với dừa sáp để làm kinh tế. Loại chuối này rất đặt biệt, người dân thường bán theo quả. Chiều dài của quả chuối khoảng 35-40cm, trọng lượng trung bình khoảng 300 – 400 gram/quả, quả to hơn khoảng 500 – 600gram. Tuy nhiên, cũng có một số quả khổng lồ, đạt trọng lượng đến hơn 1kg/quả.
Điểm đặc biệt nữa đó là cách ăn chuối này cũng khiến nhiều người ngạc nhiên. Khi chuối chín, nếu ăn trực tiếp, chuối sẽ rất nhạt và bở, không ngon. Người ta thường sẽ đem hấp, luộc hoặc nướng lên, lúc đó ăn chuối lại rất ngọt, dẻo, ngon và cảm nhận có mật ở trong. Với mỗi quả chuối này, dân buôn thường bán giá sỉ dao động từ 9.000 – 15.000 đồng/quả. Trên thị trường bán lẻ, một quả chuối tá quạ còn được bán giá lên đến 25.000 đồng/quả.
Quả chuối tá quạ làm mứt phải là những quả chuối chín già thì màu mới đẹp, khi ăn sẽ thơm và có vị béo. Những quả non sẽ làm mứt bị cứng, không thơm ngon. Đặc biệt, chuối làm mứt là chuối tươi, không được sử dụng những quả chuối đã bảo quản trong tủ lạnh.
Khoảng gần một tháng trở lại đây, nhiều người không khỏi bất ngờ vì xuất hiện loại mứt làm từ chuối tá quạ, giá bán lên đến 200.000 đồng/kg. Chuối tá quạ làm mứt rất ngon và đẹp mắt, mứt chuối có màu vàng ruộm, thơm lừng, độ ngọt vừa phải vì làm bằng đường phèn nên nhiều người yêu thích. Màu của mứt đều là màu tự nhiên, ăn rất thơm.