Bể thủy sinh là thế giới sáng tạo của mỗi người chơi với những thiết kế riêng. |
Bể thủy sinh là một thế giới nhỏ mô phỏng lại cuộc sống môi trường nước ở ngoài thiên nhiên. Phụ kiện bể thủy sinh bao gồm: hệ thống lọc nước, đèn chiếu sáng, đất nền, các loại cây sống trong nước...
Một thế giới riêng nơi kết nối bạn bè
Hoàng Xuân Đức (28 tuổi), sống tại P.Quan Triều, tỉnh Thái Nguyên, cũng chi gần 10 triệu đồng để làm các bể thủy sinh tại gia. Theo Xuân Đức hiện nay có khá nhiều phong cách làm bể thủy sinh nhưng nhiều người thích nhất là thiết kế theo phong cách naturen và nhất trụ.
“Đây là một phong cách xuất phát từ Nhật Bản. Trong bể thủy sinh, mình sẽ tái hiện lại một phần của thiên nhiên với sự kết hợp giữa đá và gỗ lũa. Khi đi theo hướng này, mình có thể thoải mái thể hiện ý tưởng của bản thân. Còn về bố cục nhất trụ là người chơi sẽ tìm khúc gỗ lũa rồi tạo hình sao cho giống cây cổ thụ, để tái hiện lại một cánh rừng thu nhỏ trong hồ cá”, Đức nói.
Bể thủy sinh tuyệt đẹp của anh Hoàng Xuân Đức. |
Đức chia sẻ từ khi biết đến thú chơi bể thủy sinh mình như được thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng. Ngoài ra, bể thủy sinh còn tạo phong thuỷ, giúp nhà luôn mát mẻ và có sự lôi cuốn mỗi khi trở về.
“Làm hay chăm sóc bể thủy sinh cũng giúp mình biết thêm nhiều kiến thức về động, thực vật dưới nước, rèn luyện tính tỉ mỉ, nhẫn nại và đặc biệt giúp ta có những người bạn mới cùng chung đam mê”, Đức chia sẻ.
Hiện nay trên Facebook, các hội nhóm về bể thủy sinh có số lượng tham gia lên đến hàng chục ngàn thành viên. Nơi đây, mọi người thể hiện niềm đam mê với nhau, đồng thời chia sẻ cách làm bể thủy sinh sao cho đẹp và sinh động nhất.
Bể thủy sinh như một bức tranh thiên nhiên sống động. |
Là người hay chia sẻ những bể thủy sinh của mình lên mạng xã hội, Trịnh Xuân Tân (26 tuổi), sống ở Bến Cát, Bình Dương, cho biết: “Khi ngắm những bể thuỷ sinh do mình tạo ra, tâm hồn rất thoải mái, nhẹ nhõm và mình cũng muốn mang năng lượng tích cực này đến mọi người”, Tân bộc bạch.
Xuân Tân sở hữu hơn 5 bể thủy sinh lớn nhỏ. Mỗi sản phẩm Tân bỏ ra hơn 1 triệu đồng để mua nguyên liệu về thiết kế.
“Những bể thủy sinh của mình theo phong cách hướng về sự đơn giản, không quá cầu kỳ và mất công chăm sóc, có cỏ lá, cây xanh… tựa như 1 bức tranh thu nhỏ”, Xuân Tân nói.
Bể thủy sinh đơn giản nhưng tinh tế, sang trọng của Xuân Tân. |
“Trong bể thủy sinh, mình dùng một lớp cốt nền hoặc phân nền (loại đất giúp cây dưới nước phát triển). Ngoài ra, mình còn sử dụng cát nắng vàng, sỏi suối để cho bể thêm lung linh. Còn về loại thực, động vật mình chọn các cây dễ chăm như: dương xỉ, ráy, lá hẹ và cỏ narong, cá neon vua…”, Xuân Tân kể.
Xuân Tân còn chia sẻ: “Nếu bạn nào dùng bình CO2 để tạo ra quá trình quang hợp cho loại thực vật trong nước thì nên đặt bể thủy sinh những nơi thoáng, tránh nguy hiểm đến tính mạng”.
Xuân Tân cho biết người làm bể thủy sinh phải tỉ mỉ, cẩn trọng. |
Sáng tạo và kiên trì tạo ra nguồn thu tiền triệu từ bể thủy sinh
Trong khi đó, một số người trẻ cũng kiếm được tiền triệu khi biết đến thú chơi bể thủy sinh. Điển hình như Bùi Văn Tân (29 tuổi), ngụ số 176, P.Hà Trung, TP.Hạ Long, Quảng Ninh, cho hay 4 năm về trước, mình cũng chi tiền triệu để mua nguyên vật liệu về thiết kế những chiếc bể thủy sinh để thả cá vào.
“Thời gian đầu, mình sắp xếp bố cục chưa được đẹp, còn lỏng lẻo, không đã mắt. Sau đó, mình lên mạng tìm hiểu các diễn đàn và học theo các tiệm cá cảnh lớn trong TP.HCM để lấy thêm kinh nghiệm. Và may mắn những sản phẩm của mình làm ra được mọi người yêu thích và mua ủng hộ”, Văn Tân kể lại.
Bể thủy sinh tạo sự mới lạ với với điểm nhấn là bonsai. |
Hiện tại Văn Tân chọn phong cách lấy bonsai ráy làm điểm nhấn cho bể thủy sinh. Sau đó là những thành phần phụ như: đá, thực vật thủy sinh, máy lọc giúp nước trong và đèn quang hợp giúp cho cây luôn được xanh…
"Đầu tiên mình dùng phân nền đổ vào góc bể, sau đó đặt bonsai lên đá rồi rải đều cát xung quanh, tạo cảm giác như một cây cổ thụ mọc lên hiên ngang. Để bể có môi trường xanh đẹp tự nhiên, mình còn dùng rêu minitaiwan, ráy nana”, Văn Tân cho biết.
Sau khi dựng xong, Văn Tân phun nước dưỡng ẩm khoảng 2 lần rồi mới đổ nước vào và lắp thiết bị đèn. "Trang trí như vậy rất nhanh và hiệu quả cho cây, nước không bị đục, tránh ảnh hưởng đến cá sau khi mình thả vào", Văn Tân nói.
Văn Tân còn chia sẻ ngoài việc kinh doanh cá kiểng thì mỗi tháng mình còn kiếm thêm gần 20 triệu đồng nhờ bán bể thủy sinh. "Bể thủy sinh mình làm có giá 8,5 triệu đồng/bể 1 m. Trung bình mỗi tháng mình tiêu thụ được khoảng 7 bể, riêng dòng bể 50 cm đổ xuống, thì mình bán được 20 bể”, Văn Tân cho hay.
Văn Tân đã biến thú chơi bể thủy sinh của mình thành lĩnh vực kinh doanh thu tiền triệu. |
“Để bể thuỷ sinh được duy trì lâu dài và đảm bảo cho cây, cá phát triển khỏe mạnh thì người chơi cần thay nước định kỳ một tháng/2 lần (50 - 60 % nước), riêng mùa thu đông thì hai tháng/lần (30 - 40% nước). Nếu đèn quang hợp hoạt động nhiều sẽ làm héo lá và cháy cây ảnh hưởng đến môi trường nước, tốt nhất mình nên mở từ 6 - 8 tiếng/ngày”, Văn Tân cho hay.
Thú chơi bể thủy sinh hình thành và ngày càng phát triển. Mỗi người tìm đến bể thủy sinh với nhãn quan riêng, điêm chung là họ tìm thấy những giá trị trong đó. Thay vì dánh toàn bộ thời gian rảnh vào điện thoại, máy tính, một góc không gian xanh từ bể thủy sinh cũng là một cách để cuộc sống cân bằng. Và khi cầu tăng thì cung sẽ xuất hiện, một loại hình kinh doanh bể thủy sinh ra đời và cũng không ít người có nguồn thu nhập cao từ lĩnh vực này./.