Những công dụng bất ngờ của cây Bèo Tây đối với sức khỏe |
![]() |
Ruộng trồng bèo hoa dâu ở xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Dương Đình Tường). |
Từng là cây cứu đói, làm bèo giống giúp cả làng sung túc
Cây bèo hoa dâu vốn rất phổ biến hàng trăm năm nay. Từ xa xưa người nông dân Việt Nam đã khai thác giá trị của giống bèo này trong phát triển nông nghiệp. Chuyện kể rằng làng La Vân (xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) là nơi sản xuất giống bèo hoa dâu lớn nhất miền Bắc. Cây bèo hoa dâu là nguồn sinh kế của cả làng bởi vậy giấu kín bí quyết làm bèo giống như bảo bối. Tại những khu làm bèo giống được dựng những hàng rào cao, thậm chi con gái không được biết vì sợ lộ khi đi lấy chồng. Nhờ đó mà dân làng này sống rất sung túc.
Có cái khó của việc nhân giống bèo hoa dâu là giữ được qua hè. Thường mọi người thả bèo hoa dâu vào ruộng nhưng không giữ được qua hè nên vụ sau vẫn phải đi mua của dân La Vân.
Theo PGS.TS. Lê Văn Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học và phát triển nông nghiệp hữu cơ (Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam), trước những năm 1965, khi sản xuất nông nghiệp ở nước ta chưa sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, ở các tình phía Bắc đặc biệt là các tỉnh Đồng bằng sông Hồng việc nuôi thả bèo hoa dâu trong sản xuất nông nghiệp được đặc biệt chú trọng vì đây là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho cây trồng và vật nuôi.
![]() |
Cây bèo hoa dâu vốn rất phổ biến trên ao hồ, đồng ruộng. |
Ngay từ thời điểm đó, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Thạch (Viện trưởng Viện sinh học, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) đã tập trung nghiên cứu bèo hoa dâu.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch, bèo dâu có tên khoa học Azolla sp, là thủy dương xỉ nổi tự do trên mặt nước, cộng sinh với loài tảo lục (vi khuẩn lam) cố định nitơ Anabaena azollae.
Đây là loài thực vật đã xuất hiện từ rất lâu, sống trên mặt nước của các ao hồ nước ngọt ở nước ta. Bèo dâu có phần thân rễ phân nhánh và có hệ lá khá nhỏ khoảng 2mm. Cây có phần tầng rời. Nhờ đó cành có thể tách ra và trở thành cây sống độc lập với nhau. Đây cũng chính là phương thức sinh sản của bèo hoa dâu.
Rễ bèo hoa dâu có vi khuẩn lam (Anabaena azollae) sống cộng sinh, có khả năng hấp thụ nitơ (N2) từ không khí và biến chúng thành amoni. Amoni sẽ được cây trồng hấp thụ, cung cấp đạm cho cây trồng, còn vi khuẩn lam sẽ được hưởng lợi từ sự tiết đường ở rễ bèo hoa dâu.
Nguồn phân bón hữu cơ khổng lồ từ cây bèo nhỏ xíu
Là người dày công nghiên cứu về cây bèo hoa dâu, theo GS.TS Nguyễn Quang Thạch, từ lâu bèo hoa dâu là nguồn phân bón rất tốt cho lúa. Đây là nguồn phân xanh cung cấp lượng đạm rất lớn cho cây trồng.
"Phong trào nuôi trồng bèo hoa dâu cho sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc những năm 60 của thế kỷ trước được khởi nguồn từ vùng La Vân, Làng Búng ở Thái Bình. Sau đó, chúng được nhân rộng ra nhiều tỉnh. Phong trào nuôi bèo hoa dâu làm phân xanh bón lúa đã cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng vì bèo hoa dâu có một nguồn nitơ rất lớn.
Sau năm 1965, sản xuất nông nghiệp ở nước ta bắt đầu sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu nên bèo hoa dâu dần bị quên lãng", GS Nguyễn Quang Thạch chia sẻ.
![]() |
Bèo hoa dâu được sử dụng như một nguồn phân bón sinh học cho lúa và các loại cây trồng khác. |
Những năm gần đây, khi các vấn đề về môi trường sinh thái, hiệu ứng nhà kính được đặt ra, việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu làm môi trường ô nhiễm trầm trọng, sản phẩm nông nghiệp không an toàn cho người tiêu dùng, xu hướng tìm kiếm các nguồn phân bón tự nhiên để thay thế cho phân bón hóa học bắt đầu được quan tâm. Bèo hoa dâu được các nhà khoa học nông nghiệp tập trung nghiên cứu.
Tại phòng thí nghiệm nghiên cứu về bèo hoa dâu tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS.TS.GNND Nguyễn Quang Thạch đã giới thiệu công việc ông đang làm.
Theo ông, cùng với việc tìm ra nguồn dinh dưỡng từ tự nhiên như kali có trong thân chuối, tro bếp, dã quỳ; nitơ có trong các loại cây họ đậu có vi khuẩn nốt sần cộng sinh, bèo hoa dâu có một nguồn nitơ rất lớn.
Bèo hoa dâu được sử dụng như một nguồn phân bón sinh học cho lúa và các loại cây trồng khác. Rất nhiều nghiên cứu cho thấy việc bón phân xanh từ loài cây này cung cấp tới 40-60 kg nitơ/ha đất trồng. Bèo hoa dâu làm phân sinh học cho cây trồng. Chúng được phân hủy nhanh trong đất và nitơ từ chúng được cây trồng hấp thụ được một cách dễ dàng.
Bổ sung thường xuyên bèo hoa dâu vào đất trồng giúp cải thiện và nâng cao chất lượng đất, làm cho đất tơi xốp, nhiều mùn, giữ ẩm lâu và giàu dinh dưỡng, hỗ trợ cho sự phát triển của cây trồng, hạn chế việc dùng phân bón hóa học.Ngoài ra đây còn là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho các loài gia súc, gia cầm, cá.
GS. Nguyễn Quang Thạch cho biết thêm: Công trình nghiên cứu bèo hoa dâu của ông theo hướng áp dụng công nghệ cao để tạo năng suất trong nuôi trồng để tạo nguồn đạm hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp.
Bèo hoa dâu còn là nguồn thức ăn và thảo dược chữa bệnh
Ngoài việc được sử dụng làm phân xanh để cung cấp đạm cho cây trồng, đây còn là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho các loài gia súc, gia cầm, cá. Trong một số nghiên cứu đã báo cáo bèo hoa dâu là một nguồn protein tự nhiên, là thành phần chính trong thức ăn cho cá rô phi.
Bèo hoa dâu chứa 25 – 35 % protein trong trọng lượng khô và giàu các amino acid thiết yếu, các chất khoáng, vitamin, các carotenoid (bao gồm chất chống oxy hóa beta-caroten), chlorophyll a và chlorophyll b. Tảo cộng sinh Anabaena azollae có chứa chlorophyll a, phycobiliprotein và các carotenoid. Sự kết hợp hiếm có của giá trị dinh dưỡng cao và tốc độ sinh sản nhanh đã khiến nó trở thành nguồn thức ăn thay thế hiệu quả và tiềm năng cho các loại vật nuôi.
![]() |
Bèo hoa dâu vừa làm phân bón, sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi và là thảo dược chữa trị một số bệnh. |
Đặc biệt, bèo hoa dâu trong Đông Y là một bài thuốc có thể chữa trị một số loại bệnh khá hiệu quả. Với tính cay và lạnh, có công dụng phát hãn, giải biểu, lợi thủy tiêu thũng.
Bèo hoa dâu là một vị thuốc được dùng nhiều trong nhân dân. Thường dùng ngoài (nước sắc) để rửa mụn nhọt nơi mẩn ngứa, dùng uống trong chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, ho, hen xuyễn, thông kinh nguyệt, lợi tiểu tiện.
Ngoài ra còn được nghiên cứu để sản xuất cao dược liệu. Cao bèo hoa dâu có tác dụng làm chất kích thích hệ miễn dịch, thải độc do phóng xạ, nâng cao sức khỏe, dự phòng trong điều trị ung thư.
Siêu thực vật bèo hoa dâu vốn rất phổ biến ở Việt Nam từng giữ vai trò rất lớn trong việc cung cấp nguồn phân bón hữu cơ cho nông nghiệp. Bèo hoa dâu cũng là nguồn thức ăn quan trọng cho vật nuôi. Giống bèo quen thuộc này cũng được sử dụng để chữa trị và phòng một số bệnh cho con người. Trong xu hướng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, những giá trị của cây bèo hoa dâu đang dần được khai phá./.