Những công dụng bất ngờ của cây Bèo Tây đối với sức khỏe Siêu thực vật bị lãng quên, không chỉ làm phân bón đây còn là nguồn dược liệu có giá trị |
![]() |
Thu hoạch bèo hoa dâu. (Ảnh: Dương Đình Tường). |
Dấu ấn bèo hoa dâu và kỳ tích "quê hương 5 tấn"
Làng La Vân (xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) - nơi từng giữ bí quyết sản xuất giống bèo hoa dâu, vào vụ lúa có những nông dân đi bộ cả trăm cây số để đến đây mua cho bằng được. Người ta còn đồn rằng dân La Vân khấm khá nhờ nghề sản xuất bèo giống nên kiếm đủ mọi cách để giữ độc quyền.
Gái làng khác về đây làm dâu phải thề độc không được tiết lộ bí mật ra ngoài, còn gái trong làng nay mai sẽ đi làm dâu nơi khác thì tuyệt đối không được biết đến. Ai mà phạm điều cấm kị sẽ bị thần bèo vật chết...
Cây bèo hoa dâu cũng có những đóng góp quan trọng làm nên kỳ tích về sản lượng lúa tại Thái Bình, nơi đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Bà Trần Thị Tuyến, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Vũ Thư, thành viên Đội khoa học kỹ thuật, HTX Tân Phong, xã Việt Hùng - một trong những người đầu tiên ươm và nhân rộng cây bèo hoa dâu ở đồng ruộng Vũ Thư (trước đây là Thư Trì) chia sẻ: Ngày ấy, phân bón nông nghiệp khan hiếm, trong khi chất đất trên đồng ruộng vô cùng chua, xấu, năng suất lúa và cây trồng rất thấp.
![]() |
Anh Nguyễn Đức Dụ đang dập bèo cho cánh tan ra, nhanh đẻ. (Ảnh: Dương Đình Tường). |
Những năm 1964 - 1965, Đội khoa học kỹ thuật có nhiệm vụ sản xuất giống bèo hoa dâu cho các hợp tác xã làm phân bón. Bà Tuyến và các thành viên của Đội khoa học kỹ thuật “cơm đùm cơm nắm” sang huyện ven biển của tỉnh Nam Định nhặt mấy ngày mới được 1 cân bèo hoa dâu. Mọi người nâng niu, chăm chút từng cây, nuôi vào chậu thau rồi nhân ra từng mét vuông đất. Từ 1 cân ban đầu, Đội đã phát triển được hàng trăm tấn bèo hoa dâu phục vụ xã viên HTX Tân Phong và bán cho các HTX trong và ngoài tỉnh làm phân bón cải tạo đồng ruộng.
Từ HTX Tân Phong, xã Việt Hùng, phong trào trồng bèo hoa dâu phát triển mạnh ra toàn huyện Thư Trì. Ban đầu, bèo hoa dâu chỉ được trồng vụ chiêm - xuân (ước tính, vụ chiêm xuân năm 1965 - 1966, huyện Thư Trì nhân được 12.736 mẫu bèo hoa dâu); nhưng sau đó, nông dân có kinh nghiệm, có thể trồng được cả mùa nóng và mùa rét. Có năm, gần 100% diện tích cấy lúa toàn huyện được phủ kín bèo hoa dâu. Nhiều diện tích cấy lúa cao sản được vùi bèo 2 lần. Nhiều HTX có đội chuyên làm phân bón, không chỉ đủ lượng phân bón cho địa phương mà còn dư bèo hoa dâu sản xuất phân bón bán cho các địa phương khác. Đối với đảng viên ở nông thôn, nhiệm vụ thả bèo hoa dâu còn được đưa vào tiêu chí đánh giá, bình xét cuối năm.
Phong trào thả bèo hoa dâu làm phân bón được duy trì nhiều năm trên đồng ruộng Vũ Thư, đưa năng suất lúa tăng cao so với trước. Tiêu biểu năm 1967, cả hai huyện Vũ Tiên, Thư Trì (Vũ Thư hiện nay) có năng suất cao hơn bình quân chung của tỉnh và được Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen về thành tích hai năm liền đạt 5 tấn/ha. Năm 1973, năng suất lúa chung của tỉnh bị giảm nhưng Vũ Thư vẫn là 1 trong 5 huyện đạt trên 6 tấn/ha, HTX Tân Phong đạt trên 10 tấn/ha.
Cây bèo hao dâu giá trị thế nhưng từ khi nông dân chuyển sang cấy giống ngắn ngày, gieo vãi hay mạ sân, cây ngắn, dâng nước lên thả bèo vào dễ che mất cả mạ. Thêm vào đó là việc bón phân hóa học rất tiện dụng thành ra nông dân lười thả bèo, nghề sản xuất bèo giống bị tuyệt chủng.
Thu trăm triệu từ nuôi bèo hoa dâu làm dược liệu
Một trong những người còn gắn bó với cây bèo hoa dâu và sản xuất với quy mô lớn là anh Nguyễn Đức Dụ ở xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đây là năm thứ hai anh Dụ thả bèo làm dược liệu. Anh Dụ cho biết, cứ 20 ngày lại thu 1 lứa, tính ra mỗi năm được khoảng 10 lứa vì khi trời nóng bèo rất khó phát triển.
“Năm 2022 tôi thả 2 mẫu, thu khoảng 100 triệu trong đó lãi 70 triệu nên năm nay mở rộng lên 8 mẫu. Vừa qua, tôi đã thu 2 lứa, được 7 tấn, còn lứa này mưa liền trong cả tuần khiến cho bèo bị nấm bệnh nhiều, phải thu non, được 1,5 tấn, rồi tháo nước, dùng vôi xử lý lại mặt ruộng…”.
![]() |
Thạc sĩ Đỗ Văn Hùng đang xem xét tình trạng bèo bị thối rễ. (Ảnh: Dương Đình Tường). |
Để thu hoạch bèo hoa dâu, anh Dụ dùng cái dây dài cả trăm mét kết với các chai nước để nửa nổi nửa chìm kéo bèo vào như kéo cá, để nước róc vợi rồi mang phơi. Phơi bèo không thể chạy được như thóc vì diện tích quá lớn, kể cả mang về được đi chăng nữa nhưng đang ẩm mà chất đống cũng sinh nhiệt, chuyển màu, phải đổ bỏ.
Phơi bèo cũng không được cho xe đi qua bởi làm cho nhựa chảy ra, khi nấu cao không đảm bảo. Trong bèo có khoảng 93% là nước nên phơi xong có cảm giác như bị trộm. Bởi thế cả tuyến đê sông Luộc rộng 3m dài 400m phủ kín bèo mà anh Dụ chỉ thu được cỡ 1 tạ khô. Sau thu hoạch phải dập bèo bằng một thanh tre dài với lực vừa phải, sao cho cánh bèo tách nhau ra nhưng lại không được nát. Dập càng nhiều thì bèo càng đẻ khỏe.
Thạc sĩ Đỗ Văn Hùng - giảng viên trường Trung cấp Nông nghiệp Thái Bình là người luôn trăn trở với cây bèo hoa dâu. Thạc sĩ Hùng kể, năm 2014 anh thả 2 mẫu, đầu tư cả máy sấy, thu nhập cũng khá. Nhưng sản xuất được 1 năm, không thấy công ty dược thu mua nữa nên bỏ bẵng một thời gian, năm ngoái họ lại điện thoại đặt vấn đề hợp tác.
![]() |
Anh Nguyễn Đức Dụ phơi bèo làm dược liệu. (Ảnh: Dương Đình Tường). |
Anh Hùng cho biết: “Trong quá trình bị dừng thu mua, tôi không giữ được giống nữa. Sau khi ký lại hợp đồng tôi đi khắp các cánh đồng nhưng chủ yếu về xã Quỳnh Hồng - chỗ có đền thờ thần bèo, gặp cây nào liền lấy bay gẩy lên, mất 3 tuần mới thu được một rổ. Giờ bèo tổ ong, bèo cái phát triển mạnh, lấn át hết bèo hoa dâu, vả lại giống này rất nhạy cảm với thuốc trừ cỏ.
So với các loại bèo khác như bèo tấm, bèo tổ ong, bèo lục bình, bèo cái… thì bèo hoa dâu nhân rất nhanh, cứ sau 4 ngày lại gấp đôi nhưng yếu hơn, khi gặp điều kiện bất lợi sẽ ngừng phát triển hoặc nhiễm bệnh ngay. Hiện chưa có tài liệu nào hướng dẫn việc xử lý sâu bệnh trên bèo cả. Gây hại rất nhanh cho bèo là sâu xanh, sâu tơ, tuy nhiên vì là nguyên liệu để bào chế dược liệu nên tôi chủ yếu dùng thuốc sinh học, nếu dùng thuốc hóa học phải trước thời điểm thu hoạch 15 ngày. Bệnh nguy hiểm nhất là khô vằn và đen rễ, thối nhũn, rất khó chữa.
Cây bèo hoa dâu một thời vàng son với những giá đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên do tập quán canh tác thay đổi, siêu thực vật này dù có sức sống mạnh mẽ vẫn đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Hiện nay, khi giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao, việc khai thác nguồn nguyên liệu bèo hoa dâu là rất quan trọng nhằm giảm chi phí đầu vào trong nông nghiệp và hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ./.