Lào Cai tổ chức Hội chợ Nông nghiệp và các sản phẩm OCOP phía Bắc Tuyên Quang: Bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam sành "Hàm Yên" Nâng tầm sản phẩm OCOP: Doanh nghiệp đồng hành tiêu thụ sản phẩm |
Chị Trịnh Thị Thảo, Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh giới thiệu sản phẩm mây tre đan tại sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc |
Từ lâu, huyện miền núi Lâm Bình (Tuyên Quang) được thiên nhiên ban tặng cho một số loại cây mây, tre, tế... Qua đôi bàn tay khéo léo của người dân địa phương, nhiều vật dụng, sản phẩm thân thiện với môi trường đã xuất hiện.
Phát huy lợi thế của địa phương, Hợp tác xã Nhật Minh đã được thành lập vào tháng 9/2018 nhằm đưa những sản phẩm mây tre đan do chính người dân huyện Lâm Bình tự tay đan lát đến với thị trường. Hợp tác xã ra đời góp phần khôi phục những giá trị văn hoá đan lát của dân tộc Tày, giúp người dân nơi đây có việc làm và tăng thêm thu nhập, hướng tới phát triển kinh tế từ chính những sản phẩm đặc trưng của quê hương.
Bà Trịnh Thị Thảo, Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình chia sẻ: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Lâm Bình, tôi luôn ấp ủ mong muốn làm được điều gì đó cho quê hương. Nhiều năm làm cán bộ nhà nước tôi đã có cơ hội mang những sản phẩm mây tre đan trưng bày tại các lễ hội. Nhận thấy du khách đến tham gia lễ hội rất thích thú với sản phẩm làm bằng thiên nhiên nên tôi bắt đầu kiếm tìm và gặp gỡ những bạn trẻ đầy nhiệt huyết để lập thành một nhóm, quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.
Sản phẩm bình giữ nhiệt thảo mộc, túi xách thảo mộc, cốc thảo mộc đã được lựa chọn là sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang |
Thời gian đầu, nhóm làm các sản phẩm quen thuộc như: Cốc, ấm, chén, khay, túi xách từ cây tre, cây tế. Mặt hàng được trưng bày, giới thiệu tại các homestay xã Khuôn Hà, Lăng Can và nhận được những phản hồi tích cực từ khách du lịch.
Đặc trưng nổi bật của các sản phẩm là được làm bằng chất liệu tre, nứa, 100% không hoá chất, sản phẩm có thời gian sử dụng bền, bỏ đi dễ phân huỷ rất thân thiện với môi trường. Đặc biệt, các sản phẩm được làm ra từ đôi tay của những người thợ lành nghề, có kinh nghiệm lâu năm nên sản phẩm nào cũng được chau chuốt cẩn thận, tỉ mỉ đảm bảo thẩm mỹ.
Tới nay, sản phẩm của Hợp tác xã Nhật Minh gồm: Mẹt, nong, nia, rổ rá, làn đan bằng guột và bằng tre, nón lá dân tộc Tày, đũa tre tự vót luộc lá cẩm, cây phang, cốc chén tre, ly uống rượu, gáo múc rượu, thìa ăn cơm, thìa ăn dặm trẻ, bàn ghế, giường… Các dụng cụ nhà bếp và đồ gia đình bằng mây, tre, tế đều được thiết kế độc đáo, bền đẹp mà giá bán rất rẻ, chỉ 2.000 đồng – 300.000 đồng/sản phẩm.
Hợp tác xã Nhật Minh mong muốn cung cấp các sản phẩm từ mây tre đan thân thiện với môi trường và hoàn toàn không xử lý hóa chất trong quá trình sơ chế nguyên liệu; truyền thống nhưng vẫn đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. Đây cũng là cách gìn giữ giá trị truyền thống lâu đời của địa phương, lưu truyền và phát triển thông qua hệ thống các sản phẩm đồ gia dụng được thi công từ vật liệu mây tre.
Chị Trịnh Thị Thảo, Giám đốc Hợp tác xã mây tre đan Nhật Minh, xã Khuôn Hà, huyện Lâm Bình và sản phẩm thủ công được làm từ mây, tre |
Chị Phạm Ngọc Ngoan, Phường Phan Thiết, TP Tuyên Quang chia sẻ: “Tôi biết đến sản phẩm mây tre đan của Hợp tác xã Minh Nhật qua các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương tại lễ hội. Ấn tượng đầu tiên của tôi về sản phẩm thủ công mỹ nghệ này nhìn rất bắt mắt và tiện dụng, đặc biệt toàn bộ sản phẩm này đều dùng nguyên liệu là thiên nhiên vừa thân thiện với môi trường vừa tiện ích.”
Phương châm của Hợp tác xã Minh Nhật là luôn gắn hoạt động với thiên nhiên, phát triển theo hướng bền vững. Nguyên liệu được tận dụng triệt để, những cây tre có vanh lớn thì làm bát, nhỏ hơn thì làm cốc, bộ ấm chén uống trà; phần thừa thì tận dụng để làm thìa, dĩa, dao cắt bánh… các sản phẩm có bản sắc, vẻ đẹp riêng, mẫu mã đa dạng, bắt mắt gắn liền với đặc trưng của vùng đất Lâm Bình, Na Hang. Đó chính là sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, giữa khoa học và thủ công.
Sản phẩm mây tre đan của huyện Lâm Bình không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con địa phương mà nó còn là sản phẩm thân thiện với môi trường - giải pháp giảm thiểu đồ dùng bằng nhựa trên thị trường.
Các sản phẩm này được bày bán ở các Homestay gắn với nghề truyền thống của dân tộc Tày cũng thu hút nhiều du khách đến thăm quan trải nghiệm. Đầu năm 2020, sản phẩm bình giữ nhiệt thảo mộc, túi xách thảo mộc, cốc thảo mộc đã được lựa chọn là sản phẩm tiêu biểu của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Dự kiến tháng 10/2020 sẽ được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang.
Bà Thảo cũng cho biết, hiện nay đã mở một cửa hàng tại TP Tuyên Quang để đưa các sản phẩm này gần thị trường hơn nữa, nhiều đại lý đã đặt hàng theo mẫu, chủ động đặt hàng online. Thị trường ngày càng mở rộng tại Hà Nội, Lai Châu, Sơn La, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh…. Các sản phẩm của Hợp tác xã đều có mã vạch, gắn tem truy xuất nguồn gốc. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã cung cấp cho thị trường từ 3000 đến 4000 sản phẩm các loại, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và trên 30 lao động thời vụ tại địa phương.
Hợp tác xã Nhật Minh không chỉ tạo việc làm ổn định và tại chỗ cho người dân địa phương mà còn khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên tại chỗ, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.