Chuyện về những người trót si mê chim đột biến và cái kết Khám phá đàn chim chào mào đột biến khủng và bí quyết tạo nên gia tài 7 tỷ đồng |
Gần đây, 'vua chim màu' Chương Tailor lại gây sóng gió với việc mua về một tổ chim vành khuyên đột biến. |
Dùng Rolls Royce rước tổ chim đột biến, thuê bảo mẫu chăm sóc
Trong giới chơi chim đột biến có không ít giai thoại về người đàn ông được mệnh dnah “vua chim màu”: Doanh nhân Dương Văn Chương (còn gọi là Chương Tailor). Là doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực thời trang, nhưng trong giới chim cảnh cái tên Chương Tailor cũng đình đám.
"Chiếc xe hơi 'đập hộp' không đổi được một chú hoàng khuyên, con SH cáu cạnh cũng khó bì với chào mào bạch tạng", nhiều người ví von như vậy khi nói đến thú chơi chim màu (chim đột biến). Trong cả nghìn, triệu con mới có một, nên giá cả rất cao. Một chú chim đột biến đã đáng giá cả gia tài. Anh Dương Văn Chương, 48 tuổi (biệt danh Chương Tailor) hiện sưu tầm được tới 70 con.
Gần đây, anh Chương Tailor lại gây sóng gió với việc mua về một tổ chim vành khuyên đột biến. Tổ chim này anh mua ở Bắc Giang và dùng siêu xe Rolls Royce rước về. Thay vì có màu xanh đặc trưng, tổ chim này có 4 con đều là hoàng khuyên (bông vàng, bụng trắng), màu sắc vô cùng nổi bật.
Tổ chim hoàng khuyên đột biến được anh Chương Tailor rước về bằng siêu xe Rolls Royce và thuê bảo mẫu chăm sóc riêng. |
Anh hào hứng: “Trước đây mình đã nuôi nhiều tổ có 1 con hoàng khuyên đột biến, nhưng 1 tổ có tới 4 con thì vô cùng hiếm, lần đầu được thấy. Các bé đẹp vô cùng, tất cả màu vàng và trắng, mắt đỏ ruby.
“Ông vua chim màu” hy vọng tổ hoàng khuyên của mình sẽ có 2 trống 2 mái. Trong cách dòng chim đột biến đang nuôi, Chương Tailor mê nhất là hoàng khuyên vì chúng có vẻ đẹp kiêu sa, ngắm hoài không chán.
“Mình muốn nuôi chúng cùng nhau, chứ không tách ra, khi chim trưởng thành chắc sẽ đẹp lắm. Để có được tổ chim này, mình gần như phải "đấu giá", vì trước đó có người trả 400 triệu rồi. Sau khi mình chốt, cũng có người trả 450 triệu, nhưng người bắt vẫn giữ lời hứa.”.
Từ khi đón 4 “siêu sao” về, anh Chương hào hứng khoe cách chăm sóc chúng. Thức ăn của hoàng khuyên là lòng đỏ trứng gà, cám trứng, chuối tây, châu chấu cốm, trứng kiến, sâu lột.
Anh lý giải: “Chim đột biến thường có sức khỏe yếu, do mắt kém, khó tìm mồi, màu lông lại rực rỡ, gây chú ý, dễ trở thành con mồi của các loài chim lớn. Chúng may mắn vì được con người phát hiện và chăm sóc. Nếu để ngoài tự nhiên, chim đột biến thường không sống được”.
Anh Chương bên 2 trong số 17 con hoàng khuyên đột biến đang sở hữu. Trong hai chú chim mắt đỏ này có một con 5 tuổi xuất xứ Việt Nam, được trả giá 500 triệu đồng, một chú 300 triệu đồng. |
Anh khẳng định với kinh nghiệm chơi chim của mình, anh sẽ chăm sóc được tổ chim hoàng khuyên này, dự kiến trong khoảng 10 - 15 ngày có thể chim sẽ biết bay và biết hót. Có những con chim đột biến đã làm bạn với anh Chương được 12 - 15 năm, khỏe mạnh, lanh lợi.
Những chú chim lớn có bảo mẫu riêng chăm sóc, còn 4 bé mới, anh Chương tự cho ăn, chăm bẵm như con mọn. Anh hy vọng mình có thể ghép đôi, sinh sản chim khuyên đột biến thành công để những người có cùng thú chơi có cơ hội được sở hữu chim quý.
Chi vài chục tỷ sưu tầm chim đột biến
“Ông vua chim màu” sưu tầm nhiều loại chim đột biến tự nhiên, nhiều con rất lạ như: Chim ngũ sắc đột biến, chào mào mắt đỏ ruby, chòe than đột biến có màu trắng, mắt đỏ, nữ hoàng hoàng mào (chào mào núi)... Nhưng những chú hoàng khuyên mới làm anh mê mẩn nhất.
Trong “gia tài” 76 con chim đột biến thuộc 15 loài khác nhau của Chương Tailor, có 30 con hoàng khuyên các loại và 8 hoàng khuyên mắt đỏ ruby - loại đột biến hiếm nhất.
“Đột biến ở chim vành khuyên có các cấp độ cao - thấp khác nhau, ít nhất là vành khuyên màu cốm, rồi hoàng khuyên chân đen mỏ đen, mắt đen hoặc mỏ chì, mỏ ghi… Đột biến cao nhất là hoàng khuyên mắt đỏ, lông vàng và bụng trắng. Đột biến càng nhiều thì chim càng giá trị; nếu nó còn hót hay, chăm hót nữa lại càng quý.” - anh lý giải.
Riêng tiền chim, anh Chương đã bỏ ra hơn 10 tỷ đồng, còn lồng, khay ăn… theo bộ khoảng 10 tỷ nữa. Đó là chưa kể mỗi loại chim lại có thức ăn riêng, chế độ chăm sóc công phu. Có con mua ở Trung Quốc, Singapore, riêng tiền thuê người vận chuyển đã là vài ba chục triệu.
Mỗi chú chim đến với anh, anh đều coi như tri kỷ, nên chỉ mua về chơi chứ không bán cho ai. Bầy chim có “bảo mẫu” riêng chăm sóc hằng ngày. Chủ cũng nhớ được tính cách, đặc điểm của từng "đứa", đặt tên Hoàng Tử Gió, Bạch Vương, Đại Liên...
Hoàng khuyên đột biến trong nước thường lông vàng, bụng trắng, còn hàng nước ngoài vàng toàn bộ. Loài chim này không chỉ quý, nó còn có ý nghĩa phong thủy nên được nhiều người có tiền chơi. |
“Có con lúc đầu mình mua chỉ hơn 100 triệu mà nuôi 3 năm sau, có người mê quá trả hơn 1 tỷ đòi mua lại. Mình không bán, nhưng bộ sưu tập có khi hao hụt do chết hoặc lạc mất. Bọn chim đột biến này rất yếu. Mình bị chết mất chừng 10 con, sáng ra mở cửa thấy chim chết thôi, chẳng biết lý do vì sao.
Hay như năm ngoái, mình bị sổng mất một con. Cái lồng gãy mất 1 nan mà mình không biết, vừa cho chim đi tắm thì nó bay vọt ra, đậu trên cây. Mình đưa lồng ra đón chim bậu vào rồi lại bay xuống. Chim vành khuyên chỉ bay được ở tầm thấp cỡ ngọn cây, mà nhà mình tầng 10, chắc nó bay xuống rồi thì không lên được nữa.
Mình treo giải ai bắt được cho mình chuộc 250 triệu, nhưng từ bấy đến giờ chưa có ai liên lạc. Đồng tiền chỉ là một con số ước lượng thôi, để ai bắt được thì biết nó không phải chim thường, chứ nuôi mấy năm rồi, con chim ấy với mình là vô giá.”, Chương Tailor kể.
Chơi chim đột biến nhiều rủi ro và sẵn sàng trả giá
Chơi chim màu khá nhiều rủi ro. Tuy chưa từng bị lừa hàng nhuộm, nhưng anh Chương đã vài lần mua nhầm chim trống và mái (dân chơi thường chỉ mua chim trống).
Năm 2010, anh mua một con hoàng khuyên 107 triệu ở Từ Sơn (Bắc Ninh), ba tuần sau mới biết nó là chim mái, đành đem trả lại, chịu lỗ tiền. Một lần khác, anh mua hoàng khuyên ở Hà Giang 60 triệu, mang về đến Hà Nội thì cũng biết không phải trống. Anh lại cất công đi vài trăm km lên trả và chịu lỗ 20 triệu.
"Gần Tết năm ngoái, tôi được người bạn ở Nho Quan (Ninh Bình) báo vừa bắt được một chú chim khuyên. Lặn lội đi về tới đó là hơn 2h sáng. Người chủ đã nấu sẵn nồi cháo gà, mấy người mê chim ngồi nhâm nhi tán chuyện. Sáng ra đợi nó hót thì biết mái, đành phải tay không trở về", anh kể.
"Con chim nhuộm nhìn kỹ vùng khóe mắt sẽ nhận ra, bởi không thể nhuộm tới đó. Chất lông bị khô xơ, bạc màu. Hoặc để chắc ăn thì nhổ một sợi lông ra, sau vài tuần lông mới mọc sẽ biết. Chim trống hót to, đanh, trầm bổng, chim mái giọng sẽ chùng, yếu", anh Chương bật mí.
Chào mào bạch tạng (trái) và chim sâu xanh miền Bắc đột biến thành vàng (phải) đều có giá vài trăm triệu đồng. |
Hiện số lượng chim anh đang nuôi ở Sài Gòn và Hà Nội khá lớn, đủ để đi đến đâu cũng được ngắm chúng. Đông như vậy, anh phải thuê hai "bảo mẫu" chăm sóc mới xuể.
Sáng sớm những chú chim được vệ sinh lồng, cho ăn uống, tắm táp, phơi nắng. Ở hai miền anh đều bố trí phòng riêng rộng rãi, cửa bọc lưới sắt, thiết kế tránh chuột, mèo và có điều hòa đảm bảo nhiệt độ thích hợp từ 27 đến 29 độ.
Thường thì đầu tháng 5 hàng năm, anh Chương đặt mua 12 kg châu chấu cốm (con mới nở) cho đàn chim ăn quanh năm. Nhiều loại thức ăn cũng phải nhập từ nước ngoài, hoặc đặt riêng cho từng loại chim.
"Chim sâu xanh miền Bắc là loài chim quen thuộc vốn chẳng ai chơi. Nhưng khi đột biến thành màu trắng vàng, mắt đỏ thì lại quý. Tôi may mắn từng vài lần sở hữu, rất tiếc hai lần trước đều không nuôi được", anh trầm ngâm kể.
Sau những thất bại, anh phát hiện ra loài chim này cần có một chế độ ăn khác biệt, phải chọn đúng loại cám, ưu tiên ăn trứng kiến và sâu cực nhỏ. Đầu năm nay mua được hai con chim sâu quý này, anh đã nuôi thành công.
Riêng tiền mua chim đột biến, anh Chương đã bỏ ra hơn 10 tỷ đồng, còn lồng, khay ăn… theo bộ khoảng 10 tỷ nữa. |
Hiện tại, trong tổng 76 con, hoàng khuyên chiếm số lượng nhiều nhất với 17 con; 15 con chào mào bạch, còn lại là họa mi bạch, chích choè than bạch, chích chòe lửa bông, chim sâu vàng... Giá trị của số chim này và những chiếc lồng quý, ước tính lên đến 10 tỷ đồng.
"Tôi đơn thuần là một người chơi vì đam mê, chỉ mua vào, chứ không bán ra. Giờ đam mê quá sâu, tôi sẽ sưu tầm tiếp, chứ không dừng lại được", anh Chương bộc bạch.
Chim đột biến vô cùng hiếm hoi trong tự nhiên nên để sở hữu người chơi sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn và sự kiên trì theo đuổi. Mỗi người chơi chim đều có một quan niệm và góc nhìn riêng về giá trị của mỗi loại chim mà mình đam mê và sở hữu. Với ‘vua chim màu’ Chương Tailor đó là niềm đam mê không giới hạn. Với người đàn ông này, những thứ dành cho chim đột biến là không thể tính bằng tiền, chơi chim cũng không phải vì mục đích kinh doanh, chỉ đơn giản là anh tìm thấy giá trị của cuộc sống ở trong mỗi chú chim bé nhỏ, độc lạ ấy./.