Làng văn hóa Lũng Cẩm |
Làng văn hóa Lũng Cẩm là một ngôi làng của các dân tộc miền núi phía Bắc Việt Nam, nằm ở trung tâm thung lũng Sủng Là, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, gồm có 3 dân tộc H'mông, Lô Lô và Hán sinh sống. Trong đó 85% là người H'mông. Làng hiện có có 61 hộ gia đình và 290 cư dân.
Từ bao đời nay, làng văn hóa Lũng Cẩm như một ốc đảo yên bình nằm trọn vẹn trong thung lũng Sủng Là tươi đẹp. Kiến trúc nhà cửa, thôn bản; truyền thống canh tác và phong tục tập quán của cộng đồng người H'mông ở Làng văn hóa Lũng Cẩm tiêu biểu cho văn hóa truyền thống của người H'mông ở Cao nguyên đá Đồng Văn.
Trong ngôi làng Lũng Cẩm còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà truyền thống |
Lũng Cẩm là một ngôi làng nhỏ bé và nghèo khó của Đồng Văn, tuy nhiên trong những năm trở lại đây, với sự quan tâm của nhà nước, nền kinh tế của đồng bào sinh sống tại đây đã được cải thiện rõ rệt. Những con đường nơi đây được đổ bê tông, hệ thống tưới tiêu đã được xây dựng theo quy chuẩn để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Đồng thời, nơi đây đã thu hụt được khách du lịch đã đến tham nhiều hơn, mang lại thu nhập đáng kể cho nhân dân, góp phần phát huy các đặc sắc văn hóa của dân tộc.
Thế nhưng những điều này không làm cho nơi đây mất đi sự cổ kính và truyền thống vốn có. Hiện tại, trong ngôi làng Lũng Cẩm còn lưu giữ được nhiều ngôi nhà truyền thống đươc chát bằng đất, cột nhà và kèo mái được làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, hàng rào quanh là là những bức tường được tạo thành do công sức sắp xếp những tảng đá khéo léo của người dân bản địa. Người dân nơi đây vẫn còn duy trì nhiều công việc truyền thống như trồng lúa, trồng ngô, chăn bò, nuôi lợn, dệt vải... Điều này đã làm nên một ngôi làng văn hóa Lũng Cẩm như ngày nay.
Khi đến tham quan tại làng văn hóa Lũng Cẩm du khách sẽ có những cảm nhận đặc biệt về vẻ đẹp nhân văn, những nét đặc sắc trong văn hóa vật thể và phi vật thể, vẫn được bảo tồn lưu giữ gần như nguyên vẹn ở nơi đây. Đây là một trong những ngôi làng đẹp nhất của người H'mông trắng, với nhiều ngôi nhà cổ kính với bề dày lên tới 100 năm.
Ngôi nhà đươc chát bằng đất, cột nhà và kèo mái được làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương |
Tuy số lượng người H’mông sinh sống tại đây nhiều nhưng Làng văn hóa Lũng Cẩm vẫn còn lưu giữ được nhiều văn hóa truyền thống. Nhiều nghệ nhân còn lưu giữ rất nhiều bài hát của dân tộc. Đó là những bài dân ca, dân vũ, nhạc cụ đặc trưng của dân tộc. Các làn điệu dân ca, dân vũ được truyền qua nhiều đời mang nhiều ý nghĩa nhân văn và tâm linh trong cuộc sống của người dân nơi đây
Thời thuộc Pháp, người dân Lũng Cẩm chỉ canh tác một vụ, cây trồng chủ yếu là cây thuốc phiện và cây ngô. Vào thời đó, thuốc phiện là nguồn thu nhập chính của người dân và nơi đây được biết đến như là một trong những thung lũng thuốc phiện nổi tiếng của Cao nguyên đá Đồng Văn với nhà thu mua và kho chứa thuốc phiện của ông Mua Súa Páo.
Từ những năm 60 của thế kỷ XX, người dân ở đây không trồng cây thuốc phiện nữa thay vào đó là canh tác lúa, ngô, hoa tam giác mạch, các loại hoa, cây ăn trái, và các loại rau cung cấp cho cuộc sống hàng ngày của người dân nơi đây,…
Ngôi làng xinh đẹp đã được lấy làm bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao” |
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim và là nơi khởi nguồn sáng tác cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, điển hình, Làng Lũng Cẩm đã được chọn làm bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao”, bộ phim này đã đạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Ngôi nhà trình tường cổ kính làm bối cảnh cho “nhà của Pao” là nhà ông Mua Súa Páo. Giữa vùng núi đá tai mèo như Hà Giang xuất hiện một ngôi nhà bằng đất, cao hai tầng, thì rất kỳ lạ. Điều ấy đã góp phần tạo nên bản sắc văn hóa mới, trong tầng lớp quý tộc xưa của đồng bào dân tộc Mông vùng cực Bắc.
Nhà ông Mua Súa Páo đã được lấy làm bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao” |
Ông Mua Súa Páo là một người nổi tiếng và có vai vế ở Tây Bắc. Ông từng giữ chức Trung đội trưởng đội quân của Vua Mèo thời trước Cách mạng tháng Tám 1945. Người ta bảo, ông Páo võ nghệ hơn người, lại có sức khỏe phi thường, có thể một mình tay không đánh thắng hổ.Chính những khả năng ấy đã khiến Vua Mèo yêu quý và tin tưởng cho mời ông ra để giữ chức vụ cao nhất trong đội quân tháp tùng.
Có tiền, ông Páo thuê thợ giỏi nhất về xây dựng ngôi nhà trong mấy năm ròng. Ngôi nhà trình tường vững chãi 2 tầng với 3 dãy nhà ghép thành hình chữ U, để lộ phần sân nhỏ lát đá tảng được đánh bóng cẩn thận.
Ngôi nhà này nay thuộc quyền sở hữu của ông Mua Sính Già – cháu nội của ông Mua Súa Páo. Toàn bộ khu nhà được thiết kế theo một tổ hợp kiến trúc khép kín theo bốn hướng, chính giữa là sân trời. Nhà có tường trình bằng đất, mái lợp máng âm dương, cửa gỗ thấp, cột, kèo, ván bưng và sàn đều làm bằng gỗ, móng nhà, hiên nhà, chân cột và sân đều làm bằng đá vôi xanh. Phía dưới gian nhà chính là hầm khi xưa ông Mua Súa Páo dùng để chứa thuốc phiện, chuồng trại chăn nuôi được đặt đối diện với gian chính qua khoảng sân trời. Ngay gian cổng được đặt cối xay thóc bằng gỗ, đối diện là gian phụ gồm nhà kho và bếp. Bao quanh toàn bộ khuôn viên nhà là tường đá.
Ngày nay, ngôi nhà truyền thống này thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước ghé tham quan, chiêm ngưỡng và chụp hình kỷ niệm.
Khung cảnh xinh đẹp của những thung lũng ở Hà Giang. |
Ngoài những ngôi nhà cổ được bảo tồn nguyên vẹn, người dân ở Lũng Cẩm vẫn còn đang gìn giữ nhiều tinh hoa văn hoá, được thể hiện ở các lễ hội truyền thống, các bài hát dân gian, điệu múa, nhạc cụ. Đặc biệt, người H'mông trắng vẫn giữ được những giá trị văn hoá nổi bật của họ như: lễ Gầu Tào, đám cưới, đám tang,... mang đậm nét đặc trưng văn hóa dân tộc miền núi.
Bên cạnh đó, các công cụ sản xuất phản ánh sinh hoạt cuộc sống hàng ngày của người dân bản xứ cũng sẽ tạo ra những trải nghiệm thú vị cho du khách. Đặc biệt du khách cũng có thể được trải nghiệm gần gũi hơn với văn hóa nơi đây bằng việc thuê những căn nhà dân địa phương của một số gia đình đã mở kinh doanh dịch vụ nhà trọ nếu du khách có nhu cầu qua đêm ở làng.
Lũng Cẩm còn thu hút du khách bởi nét mộc mạc, gần gũi, thân thiện |
Ngoài ra, Lũng Cẩm còn thu hút du khách bởi nét mộc mạc, gần gũi, thân thiện từ những làn điệu dân ca, tiếng khèn tiếng trống được người dân bản xứ lưu giữ và truyền miệng từ đời này qua đời khác. Còn gì tuyệt vời hơn cái cảm giác sáng sớm thức dậy ngắm bình bình ló rạng sau những vách núi, những giọt sương ban mai còn đọng trên cành cây, khóm hoa, lá lúa,… hay ngắm hoàng hôn dần buông trong buổi chiều tà lắng nghe những điệu dân ca cùng tiếng khèn, tiếng sáo nhịp nhàng đi sâu vào lòng người.
Cuộc sống của người dân nơi đây hòa quyện, đan xen cùng với hơi thở của thiên nhiên, tạo nên không gian ấm áp, toát ra từ những ngôi nhà được bao quanh bởi cây đào, cây sa mu. Màu ngói xám hòa lẫn trong màu xám của núi đá. Sắc màu thổ cẩm với những bộ váy áo sặc sỡ của các cô gái dân tộc H'mông, Lô Lô và Hán hoà cùng những bông hoa của núi rừng. Tất cả cùng nhau tạo nên bức tranh tuyệt đẹp trên Cao nguyên đá Đồng Văn làm mê đắm lòng người. Chắc hẳn sẽ là những kỷ niệm khó quên đối với du khách khi một lần được ghé thăm nơi đây.