Vịt biển 15 - lời giải cho bài toán chăn nuôi vùng ngập mặn Thanh Hóa: Độc đáo mô hình nuôi ong ở rừng ngập mặn Khởi nghiệp 2020: Thanh long sinh thái trồng trên đất ngập mặn |
Rừng ngập mặn ở Quảng Ninh có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng sinh thái, ứng phó với sự biến đổi khí hậu, bảo vệ đê điều, ổn định sinh kế bền vững của nhân dân tại các vùng cửa sông, ven biển... Xác định được tầm quan trọng này, những năm qua Quảng Ninh đã có nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững đối với những cánh rừng ngập mặn.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, hiện toàn tỉnh có trên 19.700ha rừng ngập mặn, phân bố rộng tại vùng cửa sông, ven biển của 71 xã, phường thuộc 11/13 huyện, thị xã, thành phố, như: Móng Cái, Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Tiên Yên, Quảng Yên, Hạ Long... Diện tích rừng ngập mặn này là môi trường sinh sống của nhiều loài thủy sản, đặc biệt là các loại thủy sản đặc trưng có giá trị cao như: Hà sú, ngán, vạng, sò huyết, bông thùa, sá sùng; tôm, ghẹ...
Quảng Ninh siết chặt công tác bảo vệ, đồng thời khai thác có hiệu quả diện tích rừng ngập mặn |
Trên địa bàn TP Móng Cái hiện có hàng nghìn ha rừng ngập mặn đã giao cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ. Riêng diện tích rừng phòng hộ giao cho BQL Rừng phòng hộ Móng Cái quản lý là 11.964ha, trong đó diện tích rừng ngập mặn là 5.889ha. Rừng ngập mặn tự nhiên của huyện chủ yếu là các loài cây như mắm, sú, trang, đước vòi, vẹt... có mật độ cao từ 5.000-9.000 cây/ha, đường kính tán bình quân từ 1-2m và chiều cao trung bình từ 1-2m. Diện tích rừng ngập mặn tự nhiên cơ bản đang sinh trưởng, phát triển tốt, phát huy hiệu quả, tác dụng chắn sóng, bảo vệ đê điều và tạo môi trường cho các loài thủy sản sinh sống.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng phòng hộ, hàng năm, Ban quản lý rừng phòng hộ Móng Cái đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác quản lý và bảo vệ rừng, ký hợp đồng khoán bảo vệ với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Ngay từ đầu năm, đơn vị đã triển khai giao khoán diện tích, địa điểm cụ thể cho từng người, đối với rừng phòng hộ ngập mặn được giao khoán bảo vệ hàng năm đạt trên 2.000ha và rừng đầu nguồn trên 3.000ha.
Ngoài ra, đơn vị đã giao diện tích cụ thể cho từng trạm quản lý, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát thường xuyên. Do đó, từ năm 2017 đến nay không để xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, rừng ngập mặn.
Cùng với đó, đơn vị xây dựng kế hoạch phối hợp với các xã, phường thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ rừng đến hơn 1.000 hộ dân sống ven rừng mỗi năm, đồng thời đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phòng chống cháy rừng đến người dân; quản lý, ngăn chặn vi phạm khai thác lâm sản.
Rừng ngập mặn đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nhờ khai thác thủy sản trong rừng |
Không chỉ riêng TP Móng Cái, việc phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản trong rừng ngập mặn cũng được các địa phương quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 nghề nuôi phổ biến là nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi hà sú.
Đặc biệt đối với nuôi tôm, đầm nuôi hình thành bằng cách người dân đắp đê ngăn rừng ngập mặn lại thành đầm. Đầm có cống cấp, thoát nước ở vị trí thấp nhất để có thể tháo cạn được nước trong đầm nuôi.
Bằng cách này, một số cây ngập mặn như cây đâng (đước vòi) có rễ thở nhô lên cao khỏi mặt nước sẽ không bị chết và tạo nên hệ sinh thái tôm - rừng. Hiện nay, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến trên địa bàn tỉnh là trên 2.300ha.
Theo Đề án phát triển bền vững kinh tế thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 đã được UBND tỉnh thông qua thì đến năm 2025, diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến của tỉnh là 2.860ha.
Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm quản lý chặt chẽ và phát triển bền vững hệ sinh thái bãi triều, rừng ngập mặn. Trong đó, nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương, quy định của pháp luật về quản lý bãi triều, rừng ngập mặn; kiểm soát chặt việc chuyển mục đích sử dụng rừng ngập mặn.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền tiếp tục nâng cao vai trò trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn; đầu tư trồng mới rừng trên diện tích đất bãi triều có khả năng trồng rừng ngập mặn, trong đó ưu tiên đầu tư trồng rừng tạo cảnh quan tại các địa phương phát triển kinh tế theo hướng du lịch, dịch vụ...