![]() |
Thanh tra Chính phủ mới công bố Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.HCM.
Dự án cao ốc văn phòng và Trung tâm tài chính ngân hàng tại số 117-119-121 đường Nguyễn Huệ và số 16 Tôn Thất Thiệp, phường Bến Nghé, quận 1 do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm Chủ đầu tư cũng bị Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý.
Hai sai phạm được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là giao đất không đúng quy định và BIDV chưa triển khai dự án sau thời gian dài.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh UBND Thành phố đã ban hành Văn bản số 8773/UBND-TM ngày 17/12/2007, Quyết định số 4132/QĐ-UBND ngày 27/9/2008 và Quyết định số 3050/QĐ-UBND ngày 22/6/2009 duyệt giá trị quyền sử dụng đất tại các mặt bằng hợp khối này, trước khi ban hành Quyết định số 5996/QĐ-UBND ngày 31/12/2009 về giao đất cho BIDV được sử dụng khu đất này để đầu tư xây dựng Cao ốc văn phòng và Trung tâm tài chính ngân hàng, theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, là không đúng với quy định nêu tại Điều 4 Nghị định 198/2004/NĐ-CP, Khoản 1, Điều 5 Nghị định 17/2006/NĐ-CP của Chính phủ, Khoản 1, Điều 4 Nghị định 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, sau khi được giao đất, từ năm 2009 đến nay BIDV (12 năm đã trôi qua) nhưng BIDV chưa đưa đất vào sử dụng, chưa triển khai thực hiện dự án. Dù vậy, UBND Thành phố không có biện pháp xử lý, thu hồi theo quy định nêu tại Khoản 12, Điều 38 Luật Đất đai 2003; Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai 2013.
“Đến thời điểm thanh tra, dự án chưa triển khai đầu tư xây dựng, do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND Thành phố chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xem xét, xử lý theo quy định”, Thanh tra Chính phủ chỉ đạo phải xử lý sai phạm này.
![]() |
Dự án cao ốc văn phòng và Trung tâm tài chính ngân hàng tại số 117-119-121 đường Nguyễn Huệ (khoanh đỏ) đã 12 năm trôi qua nhưng vẫn chưa được triển khai. |
Cách đây 15 năm, BIDV không giấu tham vọng phát triển chuỗi cao ốc trong cả nước. BIDV chia sẻ ngân hàng kỳ vọng mỗi tháp cao ốc sẽ cao từ 20-40 tầng với tổng mức đầu tư dự kiến từ 1.000-1.800 tỷ đồng.
Chuỗi tháp BIDV sẽ được đầu tư các tiện nghi văn phòng của tòa tháp thông minh xếp hạng A quốc tế, là nơi đặt trụ sở, văn phòng đại diện của các tập đoàn tài chính, ngân hàng trên thế giới.
Để hiện thực hoá giấc mơ chuỗi cao ốc, BIDV không thể “bỏ quên” TP.HCM. Theo kế hoạch, cao ốc tại TP.HCM sẽ được triển khai sớm, chỉ sau Hà Nội.
Năm 2009 mới được giao đất phát triển cao ốc tại TP.HCM nhưng trước đó, trong năm 2006, lãnh đạo BIDV đã tiết lộ BIDV đang triển khai tháp cao ốc ở Tp.HCM với 40 tầng ngay trên đường Nguyễn Huệ nằm trong khu vực đắc địa nhất của một thành phố năng động nhất Việt Nam.
Vị lãnh đạo này cũng tiết lộ tại thời điểm đó (năm 2006), tháp cao ốc này đang được tổ chức thi tuyển quốc tế để chọn lựa những mẫu thiết kế đẹp nhất, phù hợp với qui hoạch phát triển đô thị của TP.HCM.
Tuy nhiên, Kết luận của Thanh tra Chính phủ mới được công bố cho thấy đã 12 năm trôi qua, dự án cao ốc tại TP.HCM vẫn chưa được triển khai.
Còn theo báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán 2020 của BIDV, Dự án cao ốc văn phòng và Trung tâm tài chính ngân hàng tại số 117-119-121 đường Nguyễn Huệ và số 16 Tôn Thất Thiệp, phường Bến Nghé, quận 1, T P.HCM hoàn toàn vắng bóng.
Tại TP.HCM, BIDV có thực hiện xây dựng nhưng có lẽ nguồn vốn đó không dành cho dự án này. Tại thời điểm cuối năm 2020, chi phí xây dựng cơ bản dở dang ở các công trình khu vực miền Nam là 288 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 503 tỷ đồng hồi đầu năm.