Trong đó có 33 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 13 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Trong đó phải nhắc tới như các sản phẩm: Gạo J02 - chất lượng khu cháy, sản phẩm giò, chả, bánh trưng, rượu, bưởi diễn, hương…
Điển hình đối với sản phẩm Gạo J02 đã được HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, xã Phương Tú xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Gạo chất lượng Khu Cháy”. Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm “Gạo chất lượng Khu Cháy” tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm và được TP công nhận đạt 4 sao.
Điểm bày bán sản phẩm OCOP (nguồn Internet) |
Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, đích hướng tới của sản phẩm OCOP ở Ứng Hòa là tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng tốt từ chương trình này không chỉ tiêu thụ ở địa phương mà còn thu hút người tiêu dùng cả nước, được phân phối rộng rãi ở các siêu thị, giúp kinh tế Ứng Hòa phát triển.
Để đạt được điều này, mục tiêu của Ứng Hòa là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của các địa phương trên địa bàn theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP một cách thống nhất, đồng bộ.
Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ) nhằm sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Qua đó, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn huyện Ứng Hòa. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, tăng thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân khu vực nông thôn.
Ngoài ra, OCOP còn tạo điều kiện để địa phương hoàn thiện hơn về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hướng đến quy trình sản xuất hiện đại, an toàn và thân thiện với môi trường. Trong đó, yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm được đặt lên hàng đầu, coi đây là yếu tố then chốt giúp sản phẩm OCOP của địa phương chinh phục thị trường.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng để thực hiện tốt được chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, thời gian tới các cấp ủy đảng, chính quyền cần quán triệt đến cấp, ngành, cán bộ và Nhân dân để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Định hướng, khuyến khích các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm. Tiêu chuẩn hóa các sản phẩm hiện có đảm bảo mục tiêu đề ra, trước mắt tập trung chỉ đạo đối với một số sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu có trên địa bàn huyện.