Chim trĩ |
Chim trĩ đỏ khoang cổ thuộc phân loài trĩ đỏ, sống ở khu vực miền Bắc nước ta. Đây là giống chim đẹp và hiếm với phần đuôi dài và nhỏ, bộ lông có nhiều màu sắc đẹp.
Chim trĩ đỏ là loại chim được rất nhiều người ưa chuộng, săn đón bởi màu sắc bộ lông. Đồng thời chim trĩ đỏ còn mang đến giá trị kinh tế cao cho người nuôi.
Chim trĩ đỏ khoang cổ thuộc Họ Trĩ (Phasianidae), thuộc lớp chim (AVES), bộ gà (Galliformes). Chim trĩ đỏ khoang cổ có tên khoa học là Phasianus colchicus Linnaeus. Đây là loại chim quý hiếm được liệt vào Sách đỏ Việt Nam.
Được biết thịt chim trĩ rất ngon, dai, ngọt và thơm, đặc biệt có hàm lượng Protein cao. Trong y học cổ truyền thịt của loại chim này được sử dụng như một vị thuốc, với nhiều công hiệu khác nhau. Cũng chính vì vậy, sản phẩm từ loại vật nuôi này hiện nay rất được thị trường ưa chuộng.
Thời gian gần đây, việc nuôi chim trĩ ngày càng được nhân rộng ra nhiều địa phương. Giá trị kinh tế đem lại khá lớn, nhưng đòi hỏi người nuôi phải bỏ nhiều thời gian tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc
Anh Lợi bên mô hình nuôi chim trĩ của gia đình |
Sau gần 3 năm khởi nghiệp, anh Nguyễn Tấn Lợi ở thôn Xuân Bình, xã An Xuân (Tuy An - Phú Yên) đã sở hữu hơn 200 con chim trĩ.
Theo anh Lợi, trước đây anh làm nhiều nghề để mưu sinh nhưng với niềm đam mê nuôi chim trĩ, hàng ngày, lúc rảnh rỗi, anh lại nghiên cứu trên mạng internet và qua sách báo về kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi loại chim này.
Năm 2020, có chút ít vốn, anh mạnh dạn đầu tư xây chuồng trại và mua 10 cặp giống về nuôi thử nghiệm. Lúc đầu vì ít kinh nghiệm nên anh gặp thất bại, con giống chết hơn phân nửa do thay đổi môi trường sống đột ngột. Không nản chí, anh mày mò tra cứu hướng dẫn nuôi chim trĩ và khăn gói đến các trang trại nuôi thành công để học hỏi kinh nghiệm.
Không phụ người nuôi, đàn chim trĩ dần thích nghi với điều kiện sống và phát triển tốt. Sau hơn 1 năm, đàn chim bắt đầu sinh sản. Lúc này, anh quyết định mở rộng chuồng nuôi lên hơn 100m2 gồm các dãy chuồng nhốt con trống và con mái riêng, khu úm chim mới nở. Khu nuôi chim trĩ thương phẩm, anh dùng lưới thép B40 che chắn, phía trên lợp tôn nhằm tránh chim bay ra ngoài, bên trong có cây cho chim leo trèo. Tất cả ô chuồng anh đều dùng đệm lót sinh học để đảm bảo chuồng luôn sạch sẽ và hạn chế mùi hôi, bảo vệ môi trường xung quanh và giảm công dọn dẹp chuồng trại.
“Chim trĩ vốn là loài hoang dã, nên sức đề kháng tương đối cao, ít mắc bệnh. Những bệnh thường gặp nhất là bệnh về đường ruột và bệnh phổi nên phải thường xuyên theo dõi 2 loại bệnh này trên chim trĩ. Chim non nuôi 3-4 tháng có thể xuất bán thịt, khoảng 8 tháng thì cho sinh sản; mỗi năm chim sinh sản 2 đợt, mỗi đợt đẻ 50-60 trứng. Bình quân chim trĩ 8 tháng tuổi nặng tầm 1,4-1,7kg. Người nuôi cũng phải nắm kỹ thuật ghép đôi. Theo kinh nghiệm của tôi thì 1 con trống ghép với 4 con mái là vừa trong ô chuồng tầm 3m2 để tỉ lệ trứng có trống là cao nhất. Vì chim trĩ có tập tính đẻ trứng xong không ấp, do đó phải cho ấp bằng máy hoặc lấy trứng cho gà ấp”, anh Lợi cho biết.
Chỉ với số lượng nuôi ít ỏi ban đầu, sau gần 3 năm, đàn chim trĩ cổ đỏ, cổ xanh của gia đình anh Lợi đã tăng lên hơn 200 con, trong đó có hơn 50 cặp chim bố mẹ và hơn 100 con chim trĩ thương phẩm, chim trĩ con. Với giá bán một cặp chim trĩ làm giống 2 triệu đồng, chim trĩ 1 ngày tuổi 35.000 đồng/con, chim thương phẩm 250.000 đồng/kg, mỗi năm từ việc bán chim trĩ, anh Lợi thu lãi hơn 150 triệu đồng. Ngoài nuôi chim trĩ, anh Lợi còn đầu tư chuồng trại nuôi hơn 20 con chồn hương, 300 con gà và 3 bò lai sinh sản…, mang lại nguồn thu nhập ổn định gần 400 triệu đồng/năm.
Chị Hoàng Thị Nhì giới thiệu về chim trĩ 7 màu |
Sau gần 7 năm theo đuổi nghề nuôi chim cảnh, chị Hoàng Thị Nhì (SN 1992), thôn Hạ, xã Long Sơn, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đã gây dựng thành công mô hình nuôi chim trĩ 7 màu cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm.
Năm 2015, chị Nhì tình cờ tìm hiểu trên mạng xã hội về nghề nuôi chim cảnh nên mạnh dạn mua hai cặp chim trĩ 7 màu với giá 16 triệu đồng/cặp về nuôi thử. Sau hơn 8 tháng, thấy chim phát triển và bắt đầu đẻ trứng, chị đầu tư thêm 150 triệu đồng mua tiếp 9 con chim giống.
Để chim đẻ trứng, chị ghép 1 chim trống với 3 chim mái, mỗi chim mái cho từ 20-25 quả trứng trong vòng 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 6). Do chim không biết ấp, thời gian đầu chị Nhì thả trứng cho gà ấp nên tỷ lệ nở không cao. Qua tìm hiểu, chị đầu tư mua máy ấp trứng công nghiệp cỡ nhỏ, bảo đảm nguồn nhiệt ổn định, giúp tỷ lệ trứng nở đạt 70%. “Nuôi loại chim này khó nhất là thời điểm nở trứng đến khi chim non dưới 1 tháng tuổi bởi chim dễ mắc các bệnh hen và tiêu chảy. Do đó người nuôi cần chú ý chăm sóc, tiêm vắc xin đầy đủ với liều lượng gấp đôi so với phòng bệnh cho gà cùng lứa tuổi”, chị Nhì chia sẻ.
Sau 7 năm bén duyên với nghề nuôi chim cảnh, hiện chị Nhì có một trang trại nuôi chim rộng 400 m2 với 200 con chim trĩ, trong đó có 50 cặp bố mẹ. Ngoài ra, chị Nhì đang bảo tồn và nhân giống thêm 6-7 loại chim cảnh khác như chim công, gà lôi. Để hoạt động, chị nộp hồ sơ và được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp mã cơ sở nuôi động vật quý hiếm theo quy định của pháp luật.
Theo chị Nhì, để chim phát triển tốt, hệ thống chuồng trại cần thoáng mát, dưới nền lót rơm khô, vỏ trấu và có không gian đủ rộng để chim bay nhảy, có ánh nắng tự nhiên giúp chim tăng sức đề kháng cùng bộ lông óng đẹp. Nguồn thức ăn chủ yếu là cám, thóc, ngô nghiền cho máy ép thành viên nhỏ, bổ sung thêm vitamin, rau xanh giúp chim khoẻ mạnh và sinh sản tốt.
Hiện với giá bán chim trĩ 1 tháng tuổi từ 2-6 triệu đồng/1 đôi, chim trưởng thành 6-12 triệu đồng/1 đôi, mỗi năm chị Nhì thu nhập khoảng 300 triệu đồng. “Ngoài nuôi vì đam mê, tôi tiếp tục bảo tồn, nhân giống, tăng số lượng dòng chim trĩ bố mẹ 7 màu và chim công. Hiện tôi đã có kế hoạch mở rộng không gian khu chăn nuôi lên hơn 1 nghìn m2, hướng tới xây dựng điểm check-in phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài chim này”, chị Nhì bày tỏ.