Nuôi con cáy đặc sản đã đem lại lợi nhuận cao cho nhiều hộ dân ở Hải Dương. |
Con cáy đặc sản trên vùng bãi soi
Bãi soi của xã Thanh Xuân (Thanh Hà) rộng khoảng 60 ha với màu xanh tốt tươi quanh năm bởi nguồn phù sa bồi đắp từ con sông Rạng. Nơi ấy, nhiều hộ dân với quyết tâm dám nghĩ, dám làm đã triển khai những mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ dân đã đổi đời nhờ con cáy.
Theo ông Bùi Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, lợi thế của xã là tuyến đê sông Rạng chạy dài vòng cung theo hướng đông, con nước thủy triều lên xuống tự nhiên, bãi soi được tạo lên với xung quanh là vùng nước ngọt, thuận lợi cho con cáy sinh sôi, nảy nở.
Từ bao đời nay, người dân Thanh Xuân đã khai thác cáy. Đặc biệt, từ khi người dân chuyển từ cấy lúa sang lập vùng nuôi trồng thủy sản, nhất là trong khoảng 5 năm trở lại đây, họ không chỉ đơn thuần khai thác mà đã tạo những thửa ruộng cấy lúa, sau đó cày bừa để tạo môi trường cho cáy sinh trưởng và phát triển.
Nuôi cáy đơn giản, không cần cho ăn. Chỉ cần tạo chỗ cho cáy đào hang và sinh sôi nảy nở. |
Khi bắt tay vào cải tạo một phần diện tích bãi soi, ông Phạm Văn Bảy ở thôn Xuân Áng gần như không có gì ngoài sự quyết tâm. Ông vay mượn khắp nơi, đến nhiều địa phương để học tập kinh nghiệm.
Nhờ những ý tưởng táo bạo, vợ chồng ông đã xây dựng mô hình vườn-ao-chuồng trên tổng diện tích hơn 7 ha. Khoảng 7 năm trước, ông Bảy cải tạo 2,5 ha ruộng để khai thác rươi. Nhận thấy xung quanh những bờ ruộng có rất nhiều cáy, ông đã đến một số xã của huyện Tứ Kỳ để học hỏi kinh nghiệm khai thác loại thủy sản này.
Cái khó là tạo ra môi trường tự nhiên để cáy sống, trú ẩn và tránh bị thất thoát do chúng bò đi nơi khác. Ông Bảy đã đắp bờ cao 1,5 m bao bọc xung quanh ruộng. Trên bờ, ông trồng rau khoai lang và cỏ voi. Đây vừa là nguồn thức ăn cho cá vừa tạo nơi lý tưởng để cáy đào hang trú ngụ.
Theo ông Bảy, cáy ở Thanh Xuân là cáy nước ngọt, có ưu điểm mẩy, con to, thịt nhiều và chắc hơn hẳn so với con cáy sống ở vùng nước lợ. Cáy là loài ưa môi trường sạch. Nắm rõ đặc điểm này nên nhiều năm liền, trong khu ruộng khai thác cáy, người dân Thanh Xuân tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hay phân hóa học mà chỉ sử dụng các loại phân hữu cơ nên con cáy sinh sôi, nảy nở ngày càng nhiều.
Tạo môi trường hữu cơ để cáy sinh sôi
Thời điểm thu hoạch cáy kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Để khai thác cáy được thuận tiện, những hộ dân ở Thanh Xuân thường tận dụng chai nhựa cũ bịt kín một đầu để làm bẫy đặt dưới các bờ ruộng. Mồi nhử thường là cám gạo rang thơm để thu hút cáy. Khi thủy triều lên, cáy ra khỏi hang đi kiếm ăn sẽ chui vào bẫy. Đến khoảng 6-7 sáng, người dân đi thu cáy.
Cùng với cải tạo môi trường đất giàu chất hữu cơ, tạo nguồn thức ăn cho cáy thì những người dân nơi đây không thu hoạch theo kiểu tận diệt, chỉ thu hoạch những con cáy to, còn cáy trứng và con nhỏ được giữ lại để sinh sản và phát triển.
Đã có khoảng 5 năm khai thác cáy, chị Dương Thị Làn ở thôn Xuân Áng cho rằng việc nuôi cáy đơn giản vì không mất nhiều chi phí, tốn công sức như nuôi một số loại thủy sản khác. Nuôi cáy không có rủi ro, không lo dịch bệnh, trong khi thời gian thu hoạch cáy mỗi tháng thường kéo dài khoảng 20 ngày, trừ những ngày nước kém.
Đến mùa thu hoạch, chỉ cần đặt bẫy bằng chai nhựa cho cáy tự bò vào. |
Người dân thường sử dụng cáy để nấu canh, làm mắm. Cáy ở Thanh Xuân thu hoạch đến đâu bán hết đến đó. Con cáy ở bãi soi của Thanh Xuân đã có tiếng gần xa nên người dân không phải đem ra chợ bán mà có thương lái đến tận nhà thu mua.
Giá bán cáy thường ổn định ở mức 80.000 đồng/kg, lúc cao điểm có thể lên đến 100.000 đồng/kg. Với diện tích 2,5 ha, trung bình mỗi năm, ông Bảy thu khoảng 2 tấn cáy, tương đương hơn 160 triệu đồng. Vào thời điểm thu hoạch, chị Làn thu về 10-15 kg cáy/ngày, thu hơn 140 triệu đồng/năm.
Ông Bùi Văn Tám cho biết thêm 5 năm trở lại đây, xã thường phối hợp với các hội, đoàn thể, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân, trong đó có hướng dẫn đặc điểm sinh trưởng, phát triển của con cáy và kỹ thuật khai thác.
Đến nay, xã có khoảng 20 hộ dân cải tạo bãi soi để nuôi cáy với tổng diện tích hơn 20ha. Con cáy như một thứ lộc trời đã góp phần tạo nên cuộc sống khấm khá cho người dân nơi đây. Nhiều hộ dân thu lãi 100-200 triệu/năm từ con cáy. Xã khuyến khích người dân biết tận dụng lợi thế của bãi soi để tiếp tục những mô hình sản xuất, phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Cáy được chế biến thành nhiều món ăn trong đó nổi tiếng là mắm cáy ở Hải Dương. |
Nuôi cáy trên ruộng lúa hữu cơ
Tại HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) cũng áp dụng rất thành công mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi cáy.Lãnh đạo HTX thông tin: Từ đầu năm tới nay, con cáy đặc sản được bán tại ruộng với giá từ 110.000-120.000 đồng/kg, cao hơn 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
HTX đã triển khai mô hình trồng lúa hữu cơ kết hợp với khai thác con rươi, con cáy trong nội đồng với tổng diện tích hơn 137ha.
Toàn bộ lúa ở diện tích này đều không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc các loại hóa chất để tạo điều kiện cho con rươi, con cáy sinh sôi, phát triển.
Do đó, con cáy ở xã An Thanh được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn từ 30.000-40.000 đồng/kg so với mức giá trung bình trên thị trường.
Cáy là loài thủy sản chỉ sống trong môi trường sạch do vậy người tiêu dùng rất ưa chuộng. |
Con cáy vốn quen thuộc với người dân vùng đồng bãi. Khi môi trường thay đổi, cáy khan hiếm dần. Do chất lượng của loại thủy sản này rất phù hợp để chế biến nhiều món ăn nên rất được thị trường ưa chuộng. Nuôi con cáy đặc sản, không chỉ đem lại lợi ích về kinh tế mà nó còn thay đổi thói quen canh tác của người dân khi tiếp cận với làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ để tạo ra những nông sản chất lượng cao./.