Mướp Đắng còn có tên gọi khác: Khổ qua, cẩm lệ chi, lương qua, mướp mủ, chua hoa (Mường)có tên khoa học là Momordica charantia, là một trong những loại rau củ ăn được truyền thống ở nhiều nước châu Á.
Theo Đông y
Mướp Đắng vị đắng, lạnh, vào tỳ vị tâm can. Tác dụng thanh giải thử nhiệt, minh mục giải độc. Dùng cho các trường hợp nhiệt bệnh sốt nóng mất nước, hội chứng lỵ, viêm cấp tính đường tiết niệu, sỏi đường tiết niệu, mụn nhọt, viêm kết mạc mắt cấp tính (đau mắt đỏ), bệnh tiểu đường. Dùng 1- 4 quả; nấu, xào, ép nước, pha hãm. Dưới đây là một số tác dụng của Mướp Đắng đối với sức khỏe:
Chống oxy hóa
Mướp đắng có chứa một số hợp chất chống oxy hóa đã được chứng minh là một nguồn chất chống oxy hóa tự nhiên tốt trong điều kiện thực nghiệm, có hiệu quả chống lại các gốc tự do.
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cả lá và quả của mướp đắng đều là những hợp chất phenolic có lợi với khả năng giảm thiểu các chất oxy hóa có hại.
Chúng bảo vệ chúng ta khỏi nhiều bệnh do quá trình oxy hóa gây ra, bao gồm ung thư, bệnh tim và các tình trạng mãn tính.
Tốt cho tim mạch
Lượng cholesterol cao trong cơ thể tạo thành các mảng bám tích tụ trong động mạch, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để bơm máu, làm tăng nguy cơ các bệnh về tim. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy mướp đắng có thể làm giảm lượng cholesterol để hỗ trợ sức khỏe tim mạch.
Kali, magie và canxi trong mướp đắng làm giảm mức cholesterol xấu - LDL trong máu của chúng ta và duy trì mức cholesterol tốt hoặc HDL. Cholesterol là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều bệnh về tim. Vì vậy, mướp đắng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch.
Hỗ trợ giảm cân
Mướp đắng ít calo và nhiều chất xơ nên giúp giảm trọng lượng cơ thể. Chất xơ đi qua đường tiêu hóa rất chậm, giúp giảm cảm giác đói và no lâu hơn.
Một nghiên cứu cho thấy mỗi ngày uống viên nang chứa 4.8g chiết xuất mướp đắng sẽ giúp giảm lượng mỡ bụng đáng kể.
Một số bài thuốc với Mướp Đắng
Chữa thấp khớp: Lá mướp đắng 8g, dây đau xương sao 8g, cây xấu hổ 8g, rễ nhàu 8g, cỏ xước 8g, cây vòi voi sao 8g, cối xay 8g, rễ ngũ trảo 5g, dây thần thông 5g, quế chi 4g, gừng tươi 3g. Sắc uống ngày 1 thang.
Nước tắm cho trẻ em chữa rôm sảy: Sử dụng quả mướp đắng 2 - 3 trái tươi băm nhỏ nấu với nước để tắm cho trẻ bị rôm sảy, ngày một lần, bã xát nhẹ trên da. Dây mướp đắng nấu sôi để nguội tắm cho trẻ.
Thanh nhiệt, giải độc, làm sáng mắt: Dùng quả mướp đắng lượng vừa đủ, phơi hay sấy khô, mỗi lần dùng 15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 - 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Một trái mướp đắng tươi xẻ ra bỏ ruột, cho lá chè vào khép lại, treo vào chỗ thông gió không nắng mà phơi khô âm can; khi bị cảm nắng, nóng nấu nước uống hoặc pha như pha chè uống, mỗi lần 10 - 15g.
Ho khan, ho có đàm: Lấy hạt mướp đắng và hạt chanh, mỗi thứ 40 hạt; sao khô, tán bột, rây lấy bột mịn, trộn với nước mật gà 20 cái; phơi khô, rồi tán lại cho đều và mịn, sau đó luyện thuốc với xi rô nấu từ 50g đường, làm thành viên bằng hạt đậu xanh; trẻ em từ 1 - 5 tuổi mỗi lần uống 2 - 4g, 2 lần/ ngày; trẻ 6 - 10 tuổi mỗi lần uống 5 - 8g, 2 lần/ ngày.
Quả Mướp Đắng rất tốt cho sức khỏe, Tuy nhiên để đảm bảo an toàn người dùng nên tham vấn ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc có chuyên môn khi áp dụng bất kỳ bài thuốc nào từ Quả Mướp Đắng với mục đích chữa bệnh.