Xuất nhập khẩu năm 2023 chính thức cán mốc 683 tỷ USD Trái cây nhập khẩu có thực sự tốt hơn trái cây trong nước? Việt Nam chi 2,8 tỷ USD nhập khẩu hơn 1,3 triệu tấn bông trong năm 2023 |
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu lúa mì của Việt Nam trong tháng 12 đạt 700.389 tấn với trị giá hơn 196 triệu USD, tăng mạnh 161,7% về lượng và tăng 150% về trị giá so với tháng 11. Tính chung cả năm 2023, Việt Nam chi 1,55 tỷ USD để nhập khẩu lúa mì với hơn 4,6 triệu tấn, tăng 19,7% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với năm 2022. Giá nhập khẩu đạt 332 USD/tấn, giảm 14% so với năm trước.
Việt Nam gần như không trồng được lúa mì, bởi vậy mỗi năm nước ta chi hàng tỷ USD để nhập khẩu. Đáng chú ý, một ‘ông lớn’ trong ngành hàng này đã tăng cường xuất khẩu lúa mì đến Việt Nam trong năm qua là Canada với mức tăng trưởng 4 chữ số.
Cụ thể trong năm 2023, nước ta chi hơn 97 triệu USD nhập khẩu lúa mì từ Canada với 252.803 tấn, tăng mạnh 1.372% về lượng và tăng 1.142% về trị giá so với năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân đạt 385 USD/tấn, giảm 16% so với năm 2022. Tuy nhiên thị trường Canada chỉ chiếm tỷ trọng gần 6% cả về lượng lẫn kim ngạch.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, Việt Nam nhập khẩu trung bình 20 - 22 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi mỗi năm, tương đương 60% nhu cầu toàn ngành. Trong đó, ngô chiếm khoảng 50% và lúa mì chiếm khoảng 10% khối lượng các lô hàng trên. Khi giá ngô tăng cao, lúa mì cũng được coi là loại nguyên liệu thay thế phù hợp.
Nga, Mỹ, Australia và Pháp là các nhà sản xuất lúa mì lớn của thế giới. Bên cạnh các ông lớn này, các thị trường lớn nhất cung cấp lúa mì cho Việt Nam còn bao gồm Brazil, Úc, Canada,...
Sản lượng lúa mì gần đạt mức kỷ lục của Canada vào năm 2022 dự kiến sẽ đưa nước này trở thành nhà cung cấp lúa mì lớn trên toàn cầu trong năm 2023. Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê Canada, nước này dự kiến thu hoạch 33,8 triệu tấn lúa mì trong năm tài chính 2022/23, cao hơn 51,5% so với năm trước. Dự kiến sản lượng sẽ thuận lợi hơn do điều kiện thời tiết được cải thiện, khiến Canada trở thành nhà cung cấp lúa mì lớn ở Tây bán cầu.
Cùng với vụ thu hoạch lớn hơn, xuất khẩu lúa mì của Canada cũng tăng mạnh. Theo Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Nông nghiệp Canada, xuất khẩu lúa mì của nước này ước tính đạt 23,5 triệu tấn trong năm tài chính 2022/23, tăng từ 15,1 triệu tấn của năm trước.
Bước sang năm 2024, theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), hiện chỉ có 12 nước sản xuất đủ lúa mì để xuất khẩu. Dự trữ toàn cầu cuối vụ 2022/23 dự kiến tăng 1,1 triệu tấn lên 268,4 triệu tấn, với mức tăng ở EU, Ukraine, Kazakhstan và Ấn Độ nhiều hơn bù đắp cho sự sụt giảm ở Saudi Arabia và Iran.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn là nước sản xuất lúa mì lớn nhất thế giới với 138 triệu tấn trong vụ mùa 2022-2023. Tuy nhiên, nước này vẫn nhập khẩu hơn 10 triệu tấn/năm để đáp ứng nhu cầu của dân số 1,4 tỷ người và dự trữ một lượng lớn. Ước tính tổng lượng lúa mì nhập khẩu của Trung Quốc trong năm 2023 có thể lên đến khoảng 12 triệu tấn, vượt mức kỷ lục 9,96 triệu tấn năm 2022.