Theo Ban xây dựng Nông thôn mới, Sản phẩm OCOP của huyện Đông Anh (Hà Nội) được đánh giá theo 3 tiêu chí: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng; khả năng tiếp thị; chất lượng sản phẩm.
Với sản phẩm và sức mạnh cộng đồng phải đáp ứng các yêu cầu như có kế hoạch bảo vệ/đánh giá tác động môi trường, có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc...; về khả năng tiếp thị, ngoài các kênh bán hàng truyền thống còn có các hoạt động quảng bá sản phẩm, câu chuyện sản phẩm; về chất lượng sản phẩm, phải kiểm soát được chất lượng, có hồ sơ chứng nhận, kiểm định chất lượng sản phẩm...
Đến nay, huyện Đông Anh đã có 133 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, trong đó đã có 20 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP thuộc 3 nhóm hàng thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ. Trong số này có 2 sản phẩm đạt 4 sao, 18 sản phẩm còn lại đạt 3 sao.
Trưng bày sản phẩm OCOP huyện Đông Anh
Đông Anh cũng đã triển khai nhiều chương trình, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp như: Phát triển nghề trồng nấm rơm; ứng dụng cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ thóc giống chất lượng cao; thuốc bảo vệ thực vật sinh học...
Đặc biệt, mới đây huyện đã đưa ra Đề án "Phát triển, nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2020 - 2025 theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP" với tổng kinh phí dự kiến lên đến 230 tỷ đồng. Đề án hướng đến mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong huyện.
Ông Nguyễn Xuân Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết: Chương trình mỗi xã hội sản phẩm (OCOP) chính là động lực để địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp 4.0 với các sản phẩm đạt chuẩn có thể vươn ra thị trường thế giới.
Trong quá trình triển khai, huyện sẽ vận dụng các cơ chế hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến; đồng thời vận dụng các chính sách để chủ sản phẩm được tiếp cận nguồn vốn vay, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; tham gia các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ...
Đồng thời, để tạo động lực thúc đẩy Chương trình OCOP, huyện đã tổ chức gắn tem truy xuất QR code cho gần 600 sản phẩm tại 70 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nhằm giám sát chất lượng sản phẩm. Đây là cơ sở để phân loại cũng như hỗ trợ quảng bá sản phẩm, hình thành kênh phân phối, liên kết, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 vào chuỗi hàng hóa. Từ đó từng bước xây dựng nền nông nghiệp 4.0 hiện đại và mang bản sắc riêng của huyện Đông Anh.
Về định hướng phát triển chung của toàn thành phố, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, trên cơ sở đăng ký của các quận, huyện, thị xã, đơn vị đã đề nghị, giao chỉ tiêu tăng thêm cho một số địa phương. Theo đó, trong năm 2020, toàn TP phấn đấu sẽ có thêm 875 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ông Chí đề nghị các quận, huyện, thị xã tiếp tục chủ động rà soát, đánh giá chất lượng của các sản phẩm có lợi thế thuộc 6 nhóm lĩnh vực. Từ đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ, nâng cấp các tiêu chí cho sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Linh Anh