Chính sách tích cực phát triển OCOP
Từ khi bắt đầu tiếp nhận, triển khai chương trình OPOC, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) tỉnh Hà Nam đã nhận định: Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn, theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị thông qua việc hoàn thiện tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Bởi vậy, Hà Nam đã thúc đẩy chương trình OCOP sớm đi vào thực tiễn. Thời điểm tháng 8/2019, mới có 2 huyện, thành phố đăng ký, đề xuất thẩm định các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP gồm: Huyện Bình Lục gửi tờ trình đăng ký tham gia (đợt I) cho 1 HTX và 3 cơ sở sản xuất các sản phẩm rượu, kẹo lạc và bánh đa phở; thành phố Phủ Lý đề xuất thẩm định 4 sản phẩm, gồm: bánh tráng chùm ngây, miến chùm ngây, phở chùm ngây và bún chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam có trụ sở ở phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý.
Chứng nhận OCOP cho sản phẩm miến chùm ngây
Đến cuối tháng 12/2019, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hà Nam năm 2019 đã xác định, lựa chọn, phân hạng và bỏ phiếu thông qua 18 sản phẩm. Trong đó, có 8 sản phẩm đủ tiêu chuẩn 4 sao, đạt từ 70-85,9 điểm, gồm: Khay tròn mây giang đan của Công ty TNHH mây tre xuất khẩu Ngọc Động Hà Nam; 5 sản phẩm chế biến từ sữa bò tươi của Công ty cổ phần sữa Hà Nam và Trang trại Mục Đồng; 2 sản phẩm rượu của HTX rượu Vọc. 10 sản phẩm tiêu chuẩn 3 sao, đạt từ 53-65,5 điểm, gồm: phở, bún, miến chùm ngây của Công ty TNHH Morice; bánh đa nem làng Chều của cơ sở Chúc Tường; Bình rượu rồng phượng của Cơ sở Phú Thỏa và một số sản phẩm rượu nếp.
Có được thành quả trên, phần do chính sách hết sức tích cực từ địa phương. Cụ thể, ngày 24/10/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1939 về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh Hà Nam giai đoạn 2018-2020. Theo đó, sẽ vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành của trung ương, của tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất... tích hợp các cơ chế chính sách hỗ trợ Chương trình OCOP. Trong đó, bao gồm chính sách tín dụng hỗ trợ cho sản xuất; chính sách bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm; hỗ trợ xây dựng hồ sơ công bố chất lượng, mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc hệ thống nhận diện thương hiệu; chính sách hỗ trợ sản phẩm OCOP tham gia hội chợ trong nước và thưởng cho các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao. Đây sẽ là khung chính sách quan trọng khuyến khích các đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP.
Sản xuất bún chùm ngây
Liên kết chuỗi tiêu thụ cho sản phẩm
Đi đầu trong việc đăng ký tham gia chương trình OCOP, hiện sản phẩm miến chùm ngây, phở chùm ngây và bún chùm ngây của Công ty TNHH Morice Noodles Việt Nam (trụ sở ở phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý) đã được công nhận đủ tiêu chuẩn 3 sao.
Chia sẻ về quá trình phát triển thương hiệu, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Morice Noodle Việt Nam cho biết: Doanh nghiệp mới được thành lập, hiện tập trung vào sản phẩm mới trên thị trường như các loại bún, phở, miến, bánh tráng làm từ bột chùm ngây và kinh doanh hạt chùm ngây, củ chùm ngây - loại cây rất tốt cho sức khỏe con người. Người tiêu dùng mới biết tới ở dạng thực phẩm chức năng song đến nay doanh nghiệp này đã đưa chùm ngây vào các loại thức hàng ngày.
Sản phẩm OCOP đưa ra thị trường
Theo ông Tuấn Anh cho, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp nhỏ này là sản xuất sản phẩm chưa được nhiều người biết tới nên khó khăn khâu đầu ra làm sao đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Muốn đưa vào hệ thống siêu thị lớn nhưng tình trạng chung là các doanh nghiệp sản xuất thường bị ứ đọng vốn, bởi hệ thống siêu thị sẽ không thanh toán ngay nên các doanh nghiệp thường xuyên phải “chờ” vốn quay đầu.
Vấn đề tiêu thụ sản phẩm OCOP thực chất vẫn luôn được các cơ quan quản lý quan tâm. Theo đó, từ giữa năm 2019, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã hỗ trợ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam phối hợp với Công ty CP Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị "Kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước cho rằng: Hoạt động kết nối này nhằm xây dựng chuỗi cung ứng tiêu thụ hàng hóa và nông đặc sản. Qua đó, tạo cơ hội cho các bên là doanh nghiệp, đơn vị phân phối gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và tạo thuận lợi cũng như cơ hội thúc đẩy hợp tác, tạo nguồn cung hàng Việt Nam tiêu thụ sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam; đưa sản phẩm Việt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, tạo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững.
Hà Linh