Đa dạng hóa sản phẩm OCOP
Năm 2019, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố đã tham mưu, tổ chức 29 hội nghị triển khai từ thành phố đến cơ sở; Tổ chức 31 lớp đào tạo, tập huấn về Chương trình OCOP; Tổ chức hai đoàn công tác cấp thành phố đi học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hà Tĩnh và một đoàn công tác của thành phố đi học tập tại Thái Lan.
Cũng trong năm 2019, thành phố Hà Nội đã có 18/30 quận, huyện, thị xã triển khai đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Theo đó, các quận, huyện đã tiếp nhận 316 hồ sơ sản phẩm. Sau khi cấp huyện tiến hành đánh giá, phân hạng có 301 hồ sơ sản phẩm đạt yêu cầu dự thi cấp thành phố.
Sản phẩm đạt 5 sao của TP Hà Nội
Thông tin từ Ban Chỉ đạo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, bao gồm 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước.
Trong đó đã có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND TP Hà công nhận. Nhiều sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Hà Nội còn có 1.138 HTX nông nghiệp, 2.912 trang trại, 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 141 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp. Bên cạnh đó là trên 2.300 sản phẩm nông sản thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code... Đây là cơ sở tiềm năng để Hà Nội lựa chọn, đánh giá, phân hạng và dự thi các sản phẩm OCOP.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo của Trung ương, thành phố, sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã, cùng tinh thần làm việc nhiệt tình, trách nhiệm và sáng tạo của các thành viên tổ tư vấn, hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP nên công tác phát triển Chương trình OCOP thu được nhiều kết quả tích cực.
Gắn phát triển sản phẩm OCOP với văn hóa vùng miền
Ngay từ những ngày đầu năm 2020, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới thành phố Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị truyền thông Trung ương và Hà Nội tập trung tuyên truyền về chương trình OCOP, các sản phẩm đã được thành phố đánh giá, phân hạng và cấp sao. Sở cũng chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát lựa chọn các sản phẩm để chuẩn bị cho công tác đánh giá phân hạng của cấp huyện.
Triển khai chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (Chương trình OCOP), TP Hà Nội sẽ tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền (miền núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, miền trung và Tây Nguyên, đồng bằng Nam Bộ) tại các tuyến phố đi bộ của thành phố.
Gốm Bát Tràng - một trong những sản phẩm OCOP của TP Hà Nội là điểm du lịch hấp dẫn
Đồng thời, giới thiệu một số sản phẩm đặc sản của doanh nghiệp nước bạn như: Lào, Thái Lan, Nhật Bản,... nhằm tìm kiếm thị trường, kết nối giao thương. Cụ thể, sẽ tổ chức một sự kiện quy mô khoảng 150 gian hàng, diễn ra trong năm ngày tại không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ (phố đi bộ Trịnh Công Sơn).
Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng thí điểm một số điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Hiện thành phố đang khảo sát, lựa chọn các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chí quy định do Bộ Công thương ban hành. Qua đó, đã chọn năm xã, phường để thí điểm gồm: phường Vạn Phúc, quận Hà Đông; xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm; xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai; xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây; Trung tâm Khuyến công và phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công thương.
Ngoài năm điểm trên, Hà Nội còn bố trí mặt bằng, hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; tổ chức Hội nghị triển khai, kết nối giới thiệu điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp thành phố. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về văn hóa, du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Thành phố cũng giao các đơn vị liên quan lập Đề án xây dựng “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại TP Hà Nội”, qua đó đẩy mạnh hiệu quả của chương trình "Mỗi xã một sản phẩm".
Bên cạnh đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhấn mạnh: Các quận, huyện, thị xã cần tập trung cho việc khảo sát các chủ thể có sản phẩm thuộc 6 nhóm sản phẩm OCOP trên địa bàn nhằm phân nhóm, phân hạng sản phẩm, từ đó có chính sách hỗ trợ, nâng cấp và hoàn thiện cho các sản phẩm tham gia dự thi Chương trình OCOP năm 2020 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Hà Linh