Đặc sản "thử thách lòng kiên nhẫn của thực khách" ở Hải Phòng Đặc sản “vạn người mê” của Sapa vào top bánh ngon nhất châu Á Sự hấp dẫn của bánh đập, món ăn đặc sản Quảng Nam |
Bò giàng “vào Nam, ra Bắc”
Người dân đỏ lửa ngày đêm sản xuất bò giàng, lạp xưởng phục vụ thị trường Tết. |
Hiện nay, nhiều huyện vùng cao ở Nghệ An như Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong,… đều sản xuất bò giàng để cung ứng cho thị trường. Họ xem việc chế biến bò giàng như một nghề ổn định, không chỉ giữ gìn nét văn hóa truyền thống mà còn mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình, đặc biệt vào mỗi dịp Tết. Đặc sản bò giàng lên xe khách, đi vào Nam, ra Bắc ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là trong mùa du lịch, các dịp lễ, Tết…
Theo những người lớn tuổi ở huyện miền núi Quế Phong (Nghệ An), “Bò giàng”, trong tiếng của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là thịt bò gác trên bếp củi. Ngày xưa, trong làng nhà ai có việc trọng đại, thì họ phải mổ bò hoặc lợn để cúng tế và thiết đãi dân làng. Tuy nhiên, số lượng thịt quá nhiều, dù có đông người tham gia buổi tiệc nhưng cũng không thể ăn hết. Để bảo quản số thịt còn lại, người xưa đã nghĩ ra cách cắt những miếng thịt bò rồi giàng lên gác bếp.
Khi thịt bò được giàng lên gác bếp, gặp độ nóng của lửa, làn khói của củi thì những loại vi khuẩn không thể thâm nhập vào được mà còn giữ được vị thơm ngon của từng miếng thịt bò. Gặp thời tiết mưa gió, hoặc đến mùa giáp hạt không có gì để ăn, người dân thường vào bếp lấy từng xâu thịt trên gác bếp làm thức ăn qua ngày. Từ đó món thịt bò giàng độc đáo bắt đầu xuất hiện và phổ biến đến nay.
Khi người miền xuôi khi lên vùng cao tình cờ được thưởng thức những món truyền thống này, thấy hương vị ngon nên mua về để mọi người cùng thưởng thức. Những món đặc sản của dân bản đã chinh phục được vị giác của thực khách thành phố, họ truyền tai nhau rồi đặt hàng để thưởng thức hay làm quà hoặc thực phẩm dịp tết Nguyên đán. Cứ thế, đặc sản thịt gác bếp của người dân vùng cao dần vượt ra khỏi phạm vi các huyện vùng cao để xuôi về đồng bằng, thành phố, trở thành món ăn được nhiều người ưa thích.
Ngày nay, với sự độc đáo, hấp dẫn, bò giàng đã vượt ra phạm vi các huyện vùng cao để xuôi về đồng bằng và thành phố, trở thành món ăn đặc sản mang đậm hương vị núi rừng. Thời điểm này, các xưởng sản xuất đặc sản ở miền Tây của tỉnh Nghệ đang chạy hết công suất để có phục vụ thị trường Tết. Những món đặc sản của dân bản như thịt trâu, bò gác bếp, lạp sườn… nay trở thành món ngon mà dân thành phố rất ưa chuộng.
Đậm đà hương vị vùng cao Nghệ An vào Tết
Thịt trâu, bò, lợn được gác trên bếp xưa là món truyền thống để đãi khách của dân bản nay thành đặc sản khiến dân thành phố mê mẩn, Tết đến là chốt đơn liên tục. |
Theo người dân huyện Quỳ Châu (Nghệ An), để làm món bò giàng thơm ngon ngoài lựa chọn thịt bò “chạy rừng bản địa”, thịt có thớ săn chắc, đặc biệt là phải tươi. Sau đó thịt được cắt thành từng miếng nhỏ, dài bằng khoảng 20cm, rộng 5 cm; khi cắt xong, thịt được cho vào chiếc nồi to rồi ướp gia vị các loại như gừng, tỏi, ớt cay rừng và muối.
Khoảng 30 phút ướp gia vị xong, từng miếng thịt được xâu vào thanh tre rừng rồi gác lên bếp lửa. Bếp này phải luôn đỏ lửa để giữ được vị đỏ thơm của thịt và gia vị. Khoảng hơn 30 ngày, khi miếng thịt bò đã chín, từng miếng ám khỏi, có màu nâu phía ngoài, nhưng khi xé từng thớ thịt nó có mày đỏ nhạt thì bò giàng đã chín...
Mỗi khi ăn bò giàng, người người miền núi thường nướng từng miếng thịt trên bếp than hồng; nhưng người miền xuôi có thể sử dụng cồn hoặc lò vi sóng để nướng. Khi nướng xong, đập miếng thịt cho tơi và xé từng miếng theo thớ thịt rồi chấm với muối cay rừng thì ngon không thể nào kể xiết. Món thịt bò giàng mỗi khi ăn, ngoài vị ngon thơm của thịt, vị thơm nồng của các gia vị như gừng, tỏi, ớt cay và muối, còn có vị hăng hăng của khói bếp.
Chị Nguyễn Thị Thu Hiền (trú thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) cho biết, bò giàng, thịt trâu gác bếp đã được khách đặt đơn từ hơn nửa tháng trước. Vì thế để kịp trả đơn hàng cho khách, thời gian gần đây, chị Hiền phải thuê thêm 3 nhân công để sản xuất lạp sườn và các loại thịt gác bếp như bò giàng, thịt trâu, thịt lợn gác bếp.
So với các năm trước, lượng khách đặt hàng thịt gác bếp tăng nhưng giá cả "nhích" lên không đáng kể. Hiện giá thịt trâu, bò gác bếp được chị Hiền bán với giá 1.000.000 đến 1.100.000 đồng/kg, thịt lợn gác bếp có giá 450.000 đến 500.000 đồng/kg, lạp sườn 300.000 đến 350.000 đồng/kg.
Chị Hiền chia sẻ: "Từ 20 tháng 12 âm lịch, tôi sẽ bắt đầu trả các đơn hàng cho khách ở những tỉnh xa. Vì thế toàn bộ nhân công đang tập trung làm các mẻ thịt gác bếp, lạp xưởng cho khách. Dịp Tết, chúng tôi thường làm đến tận ngày nghỉ cuối cùng để gửi cho khách hàng trong tỉnh".
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, thịt gác bếp, lạp xưởng được người dân miền núi sản xuất quanh năm, song cao điểm vẫn vào mùa lạnh, từ tháng 10 đến hết Tết Nguyên đán. Sở đã chỉ đạo các huyện giúp chủ cơ sở đẩy mạnh tiêu thụ hàng tới nhiều tỉnh thành trong nước, liên kết với chuỗi siêu thị, nhà phân phối.