Tổng quan về quả lê
Lê là một cây ăn quả đặc sản của vùng ôn đới nước ta, lê được trồng ở các tỉnh miền núi phía Bắc tập trung ở những nơi có độ cao 500 – 1500m so với mực nước biển. Nước ta có một số loài lê như : lê xanh, lê nâu, lê cọt (mắc coọc),...
Lê là loại quả ưa chuộng ngày hè |
Quả lê hình tròn hơi dẹt (lê nâu) song đa phần hình bóng điện với trọng lượng bình quân 350 – 500g/quả. Khi chín vỏ quả chuyển nâu hoặc xanh vàng, vỏ nhẵn. Thịt quả màu trắng giòn, ngọt mát hơi pha chua chát, đặc biệt có mùi thơm dễ chịu. Tỷ lệ quả có hạt thấp, chỉ khoảng 15 – 20% tổng số quả.
Tác dụng của quả lê
Quả lê là một loại thức ăn quý đứng đầu trong trăm loại quả (bách quả chi tông) về tác dụng tư âm nhuận táo, thanh nhiệt tiêu đờm, chủ yếu được sử dụng trong điều trị gần hết các bệnh hô hấp.
Quả lê có tác dụng điều trị gần hết các bệnh về hô hấp |
Quả lê còn có tên gọi khác là khoái quả, ngọc nhũ, mật văn... Theo Y học cổ truyền, quả lê có tính mát, hơi chua, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, tiêu đờm, giảm ho; đồng thời có tác dụng thanh tâm giáng hỏa, dưỡng huyết sinh tân, nhuận trường, tiêu độc.
Quả lê có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe, vì vậy các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên dùng mỗi ngày.
Những lợi ích có thể kể đến như: bổ sung chất xơ cho cơ thể, phòng ngừa viêm nhiễm, cải thiện tiêu hóa, chống lại tác hại của các gốc tự do, tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, giảm cholesterol, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm cân, phòng ngừa loãng xương và phòng ngừa ung thư.
Thường xuyên ăn lê giúp phòng chữa được chứng hay mệt, sưng đau họng, viêm lợi, đi tiểu vàng, táo bón, mắt sưng đỏ, phòng chữa bệnh tăng huyết áp thể can dương thượng cang hoặc hỏa thượng viêm...
Một số bài thuốc sử dụng lê
Sau đây là 6 món ăn thuốc sử dụng lê đem lại lợi ích cho sức khoẻ:
Ngũ trấp ẩm: nước ép quả lê, nước ép củ mã thầy, nước ép lô căn, nước ép mạch môn, nước ép giá đỗ xanh (hoặc ngó sen), liều lượng bằng nhau, hòa chung rồi uống hoặc hấp cách thủy, uống. Tác dụng thanh nhiệt sinh tân. Trị ôn bệnh làm tổn thương tân dịch, miệng háo khát, họng khô, lưỡi đỏ ít rêu.
Nước ép lê: lê tươi 1-2 quả, ép nước, để tủ lạnh nửa ngày, uống dần ít một. Dùng tốt cho người nhiễm siêu vi trùng sốt nóng, mất nước, khát nước.
Nước ép lê có công dụng tuyệt vời |
Hoặc: nước ép lê, uống nhiều lần từng ít một. Món này rất tốt cho người bị khản giọng mất tiếng do viêm họng nhiệt táo.
Xi rô hạnh nhân nước ép lê: hạnh nhân (nhân hạt quả mận) 10g, lê 1 quả, đường phèn lượng thích hợp. Hạnh nhân giã nát, lê gọt vỏ thái lát. Hạnh nhân và lê cho vào nồi, thêm nước nấu chín nhừ, cho đường phèn vào, khuấy đều. Thích hợp cho bệnh nhân viêm khí phế quản cấp, thể viêm khô, ho khan ít đờm.
Lê hầm mật: lê 1kg, mật ong vừa đủ. Lê rửa sạch, bỏ hạt, thái lát, ninh nhừ, cho mật ong vào, đun thành dạng cao, đựng trong lọ. Mỗi lần uống 2-3 thìa nhỏ với nước, hoặc nhai ngậm. Dùng rất tốt cho người bị sốt nóng dài ngày, mất nước, khát nước, đái tháo đường, ho ra máu.
Lê hấp đường phèn: lê 2 quả, bột bối mẫu 10g, đường phèn 30g. Lê khoét bỏ hạt, cho bối mẫu và đường phèn vào trong quả lê, hấp chín. Ăn 2 lần trong ngày (sáng, tối). Trị viêm phế quản cấp, thể viêm khô, ho khan ít đờm.
Cháo bạch lê: lê 3 quả, gạo tẻ 100g. Lê gọt vỏ, thái lát. Gạo vo sạch rồi nấu cháo, cháo chín cho lê vào nấu tiếp, khuấy cho tan đều. Món này thích hợp cho người bị sốt nóng, kích ứng vật vã, khát nước, chán ăn.
Cháo bạch lê thích hợp cho người bị sốt nóng, chán ăn |
Lưu ý khi sử dụng lê
Mặc dù quả lê có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng nếu bạn sử dụng quá nhiều và cùng một số thực phẩm khác có thể gây ra ngộ độc. Những loại thực phẩm không nên ăn cùng với quả lê gồm có:
Thịt ngỗng: Khi ăn lê cùng thịt ngỗng sẽ khiến thận làm việc quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Củ cải: Khi ăn lê cùng củ cải có thể làm sưng tuyến giáp.
Rau dền: Nếu bạn đang bị rối loạn tiêu hóa thì nên tránh ăn rau dền cùng với lê sẽ dễ bị nôn và có các vấn đề về tiêu hóa.
Những người bị bệnh đau bụng do lạnh, đi lỏng không nên ăn lê |
Trong một số trường hợp hiếm, lê có thể gây dị ứng ở miệng hoặc khó chịu khi ăn. Đồng thời, quả lê có tính hàn nên những người bị bệnh đau bụng do lạnh, đi lỏng không nên ăn.
Ăn quả đã bị dập nát sẽ mắc bệnh đường ruột vì vậy nên lựa chọn lê còn tươi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.