Bí ngô hay còn được gọi với nhiều tên khác nhau như bí thơm, bí rợ, bí đỏ là loại quả có rất nhiều tại Việt Nam. Hiện bí ngô được trồng và thu hoạch quanh năm, bán rất nhiều ở các chợ dân sinh và siêu thị với giá khá rẻ. Theo các chuyên gia, loại quả này không chỉ bổ dưỡng mà còn là vị thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh hiệu quả.
Theo số liệu từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 100 g bí ngô (phần ăn được) có 92% là nước; 0,7 g chất xơ; 6,93 g chất bột, đường; 29 Kcal; 1500 mg Lutein zeaxanhthin; 237 mg vitamin A; 9 mg vitamin C; 349 mg kali; 24 mg canxi; 0,5 mg sắt.
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, bí ngô là loại quả giàu dinh dưỡng, chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất nên rất tốt cho sức khỏe.
Qua số liệu trên có thể thấy, bí ngô ít năng lượng nhưng rất giàu các loại vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể, ví dụ như: chất xơ giúp nhuận tràng, giảm cholesterol máu; kali giúp phòng chống tăng huyết áp; lutein và zeaxanhthin là dưỡng chất giúp phòng chống thoái hóa điểm vàng và võng mạc.
Đặc biệt, trong 100 g bí ngô cung cấp gần 1/3 nhu cầu vitamin A hàng ngày và khoảng 10% nhu cầu kali cho cơ thể. Ngoài ra, bí ngô chứa nhiều chất bột đường hơn các loại rau khác, do vậy khi ăn có vị ngọt và có thể chế biến thành nhiều món như canh, cháo, súp...
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết bí ngô không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng mà còn là một cây thuốc quý nếu biết cách sử dụng. Dưới góc độ y học cổ truyền, bí ngô có vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ trung ích khí, thanh nhiệt, nhuận phế, chữa đau đầu chóng mặt, mắt kém, viêm gan, thận yếu. Không chỉ quả bí ngô, ngọn và lá bí cũng có tác dụng thanh nhiệt, mát phế, kiện tỳ, tiêu đàm, tốt cho người bị tiểu đường, tim mạch, huyết áp, khó ngủ…
Ông Sáng cũng chia sẻ khi dùng bí ngô làm thực phẩm, nhiều người loại bỏ phần ruột và hạt phía trong mà không biết đây là bộ phận rất tốt. Phần ruột có nhiều chất xơ tốt cho tiêu hóa, còn hạt bí ngô giàu chất physterol và axit béo omega-3, omega-6 có tác dụng giảm lượng cholesterol xấu, ngăn ngừa bệnh tim mạch và huyết áp.
Với những hạt bí già còn có tác dụng trị giun sán hiệu quả. Ngoài ra, loại hạt này có thể giúp chị em sau sinh chữa phù thũng tay chân hoặc thiếu sữa sau sinh bằng cách kết hợp với một số vị thuốc khác để sử dụng.
Cụ thể, dùng 20g hạt bí tươi bóc lấy nhân, giã nhuyễn và thêm đường trắng pha với nước nóng uống vào buổi tối và buổi sáng khi bụng đói. Liều dùng liên tục trong 3-5 ngày.
Với phần thịt quả bí, có thể hầm cùng hạt đậu phộng (đậu tương), hạt sen để chữa tiểu đường, mất ngủ. Hoặc có thể hầm bí ngô, đậu phộng cùng thịt gà, vịt (cả xương) để chữa đau đầu, chóng mặt.