![]() |
Hạt trẩu giống hạt dẻ vừa gây ngộ độc cho 19 người tại Lạng Sơn. |
Cụ thể vào ngày 28/3 vừa qua, tại Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, một phụ nữ 53 tuổi được nhập viện cấp cứu với biểu hiện đau bụng, nhức đầu, nôn. Người bệnh được các bác sĩ chẩn đoán ngộ độc, xử trí rửa dạ dày cấp cứu, bơm than hoạt, bù dịch, điện giải. Hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, kết quả xét nghiệm chức năng gan thận, chuyển hóa trong giới hạn bình thường.
Cùng sử dụng loại hạt giống hạt dẻ này với bệnh nhân nữ trên còn có khoảng 18 người khác (là người nhà) cùng ăn loại hạt này cũng có triệu chứng tương tự, trong đó, một số người được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Văn Quan điều trị. Do ăn số lượng nhiều hơn, nên người phụ nữ 53 tuổi kể trên gặp các diễn biến nặng hơn và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn điều trị.
![]() |
Hạt trẩu được bệnh nhân nhặt về ăn. |
Qua tìm hiểu, các bác sĩ xác định loại hạt bệnh nhân ăn phải là hạt của cây trẩu, còn gọi cây thiên niên đồng, trẩu núi hoặc cây dầu sơn. Loài cây này thường được trồng lấy bóng mát và hạt.
Hạt trẩu có chứa dầu béo, thường dùng để pha sơn hoặc dùng làm phân bón, thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu, có chứa chất độc saponosid. Người ăn phải hạt này sẽ có dấu hiệu tức ngực, đau đầu, đau bụng, nôn, tiêu chảy sau 30 phút đến 4 giờ. Trường hợp nặng có thể đại tiện ra máu, đau đớn toàn thân, khó thở, co giật, tê liệt và tử vong.
Các nghiên cứu cho thấy trong hạt Trẩu có chứa khoảng 35% dầu. Dầu này có màu vàng nhạt và nhanh khô. Trong dầu có một số hoạt chất hóa học như axit oleic 10 – 15%, axit stearic 70 – 79%, axit linoleic 8 – 12%. Lá và hạt của cây chứa chất độc saponorit nên không thể dùng làm thức ăn cho gia súc.
![]() |
Hạt trẩu thường dùng để pha sơn hoặc làm phân bón, thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu... |
Cây thường được sử dụng nhiều trong phạm vi nhân dân. Vỏ thân thường được dùng để chữa sâu răng, đau nhức chân răng. Hạt được dùng để chữa chốc lở, mụn nhọt hoặc được chế làm dầu ăn.
Dầu ép từ hạt được sử dụng để pha sơn và quét lên vải có tác dụng chống nước. Bã hạt thì được dùng để làm phân bón trong nông nghiệp. Cây Trẩu hiện chưa được nghiên cứu nhiều nên tác dụng vẫn chưa rõ ràng. Cây được sử dụng chủ yếu ở dạng ngậm hoặc súc miệng, chú ý khi sử dụng không được nuốt vì cây có độc tính cao.
Cây Trẩu thường sử dụng vỏ và hạt để chế ra các bài thuốc với nhiều công dụng điều trị khác nhau: Dùng Rễ chanh, Cây trẩu, Rễ cà dại và Vỏ cây lai, mỗi thứ một lượng vừa đủ. Tất cả dùng để sắc, rồi lấy nước này dùng súc miệng, dùng đến khi có hiệu quả thì thôi.
![]() |
Hạt trẩu được sử dụng để trị một số bệnh nhưng cần hết sức cẩn trọng. |
Chữa mụn nhọt, chốc lở: Dùng nhân hạt Trẩu. Đốt nhân này thành than, tán bột mịn rồi hòa với mỡ lợn, sau đó thoa trực tiếp vùng da cần điều trị. Có thể sử dụng nhiều lần trong ngày cho đến khi da lành hoàn toàn.
Cây Trẩu chứa độc tính nên cần thận trọng khi sử dụng. Chú ý vì trong cây có chứa chất saponorit có độc tính nên không được nuốt nước sắc từ vỏ và dầu của cây. Từ trường hợp các bệnh nhân bị ngộ độc hạt trẩu, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn quả, hạt không rõ nguồn gốc. Ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường, nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.