Những lợi ích của cây hương thảo
Hương Thảo vừa để trang trí, vừa tốt cho sức khỏe, lại giúp lọc không khí, thậm chí là hỗ trợ chữa bệnh. |
Hương thảo không còn xa lạ gì với những người nội trợ, đây là loại gia vị vô cùng dậy mùi, đặc biệt khi kết hợp với các món thịt đỏ như trâu, bò, cừu… Trong những dịp cuối năm như hiện nay, các gia đình ngoài dùng hương thảo để chế biến món ăn, mọi người nên đưa loại cây này vào trong nhà vừa để trang trí, vừa tốt cho sức khỏe, lại giúp lọc không khí, thậm chí là hỗ trợ chữa bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Thùy Ngân - Viện Nghiên cứu phát triển Y Dược cổ truyền Việt Nam cho biết, hương thảo là một trong những cây thuốc phổ biến nhất trên thế giới và được sử dụng từ rất lâu ở châu Âu. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, hương thảo dù dùng dưới dạng tinh dầu, trà hay gia vị cũng đều có tác dụng kích thích tiêu hóa, giúp tinh thần minh mẫn, chăm sóc tóc và da...
Do sở hữu mùi thơm tự nhiên và dễ chịu, hương thảo có khả năng lọc không khí rất tốt, đặc biệt là những ngày thời tiết nồm ẩm. Cũng chính bởi có mùi hương dễ chịu, nên hương thảo còn có tác dụng giúp tăng cường trí nhớ, giảm căng thẳng và kích thích sự phát triển của não bộ.
Theo bác sĩ Ngân, giống như một số loại thảo mộc khác thuộc họ bạc hà, mùi hương thảo được coi là “chất kích thích nhận thức” và có thể giúp mọi người cảm thấy tỉnh táo và tập trung hơn. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các hợp chất trong tinh dầu hương thảo có tác dụng bảo vệ thần kinh và khả năng cải thiện trí nhớ cũng như hiệu suất nhận thức bằng cách ngăn chặn sự phân hủy acetylcholine, một chất hóa học trong não góp phần tăng cường sự tập trung và duy trì trí nhớ.
Ngoài ra, hương thơm từ hương thảo có liên quan đến việc cải thiện tâm trạng, giảm buồn ngủ và giảm mức độ căng thẳng, bao gồm cả khả năng giảm giải phóng hormone căng thẳng cortisol. Đây là lý do vì sao mùi hương của hương thảo được chiết xuất để đưa vào một số loại nến xáp hay thuốc xịt nhà, dầu thơm …
Hương thảo uống trà hay nấu ăn đều cực tốt
|
Đối với ẩm thực, ngoài giúp hương vị món ăn thêm hấp dẫn, hương thảo còn giúp giảm triệu chứng khó tiêu, vì thế loại gia vị này hay kết hợp với các thực phẩm giàu đạm, nhất là thịt bò. Ngoài ra, để hỗ trợ tiêu hóa có thể dùng hương thảo để nấu hoặc ngâm cùng các loại trà thảo dược. Đây là một phương thuốc tự nhiên giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, làm giảm cảm giác chán ăn, ợ chua, trào ngược dạ dày, đầy hơi, chướng bụng…
Để pha trà thảo dược hương thảo, mọi người cần kết hợp một thìa cà phê thảo mộc cắt nhỏ (tốt nhất là tươi) với 250ml nước nóng. Ngâm thảo mộc trong 5 phút hoặc lâu hơn, tùy thuộc vào độ đậm đặc mong muốn. Chúng ta cũng có thể thêm các loại thảo mộc và chất tăng hương vị khác, bao gồm hoa oải hương, húng tây, rau mùi tây, chanh hoặc mật ong nguyên chất. Chỉ nên tiêu thụ khoảng 1 - 2 cốc mỗi ngày là an toàn cho hầu hết mọi người, tuy nhiên nếu dùng chữa bệnh cần tham khảo và có sự tư vấn của người có chuyên môn.
Hương thảo khi được tiêu thụ với số lượng thông thường trong ẩm thực, hoặc như một chất phụ gia thực phẩm đã được phê duyệt, nhìn chung chúng an toàn. Khi tiêu thụ với số lượng lớn, đặc biệt là dưới dạng tinh dầu hoặc chiết xuất, nó có thể gây ra một số tác dụng phụ, chẳng hạn như khó chịu ở dạ dày, nôn mửa, co thắt hoặc thay đổi huyết áp, mặc dù những phản ứng này rất hiếm.
Ngoài ra, người dị ứng với các loại thảo mộc khác thuộc họ bạc hà nên tránh dùng hương thảo và cẩn thận khi thoa các sản phẩm chứa tinh dầu hương thảo.
Cách sử dụng hương thảo trị bệnh
Hương thảo kết hợp với các loại thịt đỏ, nhất là thịt bò vừa ngon lại tốt cho sức khỏe. |
Chống đầy bụng: Cho một thìa cà phê hương thảo vào một cốc nước sôi. Để ngấm trong 10 phút, đậy nắp, để giữ lại các hợp chất thơm dễ bay hơi. Uống ngay sau bữa ăn.
Chống cảm lạnh: Cho một thìa cà phê hương thảo vào 250 ml nước sôi. Thêm 3-5 giọt tinh dầu oải hương và cho chất lỏng này vào ống xông mũi. Hít lấy hơi.
Làm giảm sưng bàn chân: Đổ 30g nhánh hương thảo vào một lít nước. Đun sôi và đun nhỏ lửa trong 10 phút, đậy nắp. Tắt bếp, để nguội. Sau đó hòa nước thảo mộc này vào một chậu nước, ngâm chân trong 10 phút (tốt nhất là vào buổi sáng).
Giảm căng thẳng thần kinh, hỗ trợ tiêu hóa: Ngâm rượu từ lá cây hương thảo có tác dụng giảm căng thẳng thần kinh, hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường sức khỏe. Dùng 200g lá cây hương thảo, bạc hà 100g ngâm cùng 1 lít rượu 40 độ. Khi sử dụng lấy 2ml rượu pha với nước ấm và uống 2 lần một ngày.
Chữa nhức đầu, tăng huyết áp, lợi tiểu: Cây hương thảo có thể điều trị một số bệnh như nhức đầu, tăng huyết áp, lợi tiểu... Dùng 2-3g lá hương thảo tươi, lá vối 1 lá, thảo quyết minh 10g, hãm trong 1 cốc nước sôi, sau khi nguội thì uống như trà. Một ngày uống 2 cốc.
Chữa viêm loét miệng: Sắc nước lá hương thảo với lá cây hoắc hương liều 30g mỗi loại, làm nước súc miệng có tác dụng chữa viêm loét miệng. Súc miệng từ 1-2 lần trong ngày giúp vết loét nhanh chóng lành lại.
Điều trị kinh nguyệt không đều, giảm đau bụng kinh: Sử dụng hương thảo, ngải cứu, ích mẫu, củ gấu, cỏ nhọ nồi, mỗi loại 20g, đun nước uống ngày 1 hoặc 2 lần, uống trước chu kỳ kinh nguyệt 10-15 ngày. Có thể cho thêm đường cho dễ uống.
Lưu ý khi sử dụng hương thảo
Không sử dụng loại cây này dài ngày mà không có lời khuyên của chuyên gia y tế.
Tránh dùng hương thảo trong hơn 3 tuần liên tiếp.
Do tác động của thảo mộc này lên vỏ thượng thận, hương thảo không được khuyến cáo cho những người mắc chứng hay căng thẳng.
Nên tránh sử dụng vào buổi tối.
Các bài thuốc trên chỉ mang tính tham khảo. Người bệnh cần sử dụng theo sự tư vấn của thầy thuốc đông y.