Lai Châu phát triển chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa
Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới có tổng diện tích trên 9 nghìn km2, diện tích đất nông - lâm nghiệp chiếm trên 52%; dân số gần 460.000 người (tính đến hết năm 2018), trong đó khu vực nông thôn chiếm trên 82%. Tại Lai Châu, các loại cây công nghiệp, cây ăn quả được quan tâm phát triển với quy mô lớn. Cụ thể, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá tập trung, như: Vùng trồng cây cao su với trên 13.000 ha; vùng chè trên 6000 ha. Đặc biệt với nhiều cây trồng mới có tiềm năng phát triển, đem lại giá trị kinh tế cao như cây quế đã có diện tích gần 6.000 ha; cây Sơn tra gần 2.000 ha; cây Mắc ca trên 1.800 ha.
Ngoài các sản phẩm nông sản trên, TP Lai Châu hiện nay đang xuất hiện thêm các sản phẩm mới dưới dạng liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế như: Chè kim tuyên, Đông trùng hạ thảo, ổi không hạt, bưởi da xanh… Đây là những sản phẩm người dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp ở TP Lai Châu tận dụng lợi thế từ thiên nhiên, mạnh dạn sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp khác biệt, đem lại giá trị kinh tế cao.
Nhiều năm gần đây, TP Lai Châu (Lai Châu) đã thực hiện tương đối hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tạo ra được những chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo đầu ra ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Cụ thể, TP Lai Châu đã rà soát các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng để ưu tiên mở rộng diện tích sản xuất. Từ đó hình thành các vùng chuyên canh, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Các sản phẩm nông nghiệp hình thành theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ với thị trường ổn định, giúp người nông dân tăng năng suất, chất lượng cây trồng.
TP Lai Châu đã rà soát các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao
Lãnh đạo TP Lai Châu cho biết, nhằm giúp các mô hình, chuỗi liên kết hoạt động không bị manh mún, TP Lai Châu khuyến khích hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn hướng tới chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao. Các khâu, từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng, nhằm tạo sản phẩm an toàn chất lượng cao.
TP Lai Châu cũng triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương. Cụ thể, vừa qua thành phố đã hỗ trợ người dân thực hiện 20 mô hình dự án, mở 23 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con; hỗ trợ các địa phương, đặc biệt các xã, bản vùng ven và ngoại thành xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất với giá trị gần 40 tỷ đồng.
Đặc biệt, để thu hút đầu tư, TP Lai Châu đã xây dựng các vùng quy hoạch trọng điểm cho các sản phẩm nông nghiệp. Từ các vùng quy hoạch sẽ tiến hành kêu gọi các doanh nghiệp đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư; đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân liên kết với các doanh nghiệp khi thành phố đưa doanh nghiệp vào địa bàn thông qua hình thức góp đất hoặc hợp đồng thuê đất. Thành phố cũng đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hướng đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm và hoàn thiện quy trình, thủ tục hồ sơ để công nhận các sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp, chủ thể khi đầu tư vào địa bàn.
Hà Anh