Theo UBND tỉnh Kiên Giang, việc điều chỉnh phạm vi diện tích các phân khu trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc là yêu cầu cấp bách từ thực tiễn ở Phú Quốc, đảm bảo duy trì các quá trình sinh lý và sinh thái của các hệ sinh thái, bảo tồn các quần xã sinh vật đặc trưng liên quan đến các hệ sinh thái đặc thù cũng như các khía cạnh về sinh học, sinh thái và kinh tế - xã hội.
Kiên Giang điều chỉnh phạm vi, diện tích các phân khu trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc
Theo đó, đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được điều chỉnh là hơn bảy nghìn ha. Diện tích này bao gồm: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thảm cỏ biển (ở phía Đông Bắc đảo Phú Quốc) và phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rạn san hô (ở phía Nam đảo Phú Quốc).
Phân khu phục hồi sinh thái 11,5 nghìn ha gồm: phân khu phục hồi sinh thái thảm cỏ biển, với 2 khu vực chính nằm ở phía Đông Bắc đảo Phú Quốc; phân khu phục hồi sinh thái rạn san hô nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc, gồm khu vực qua các mốc tọa độ nằm phía Tây - Tây Nam Hòn Rõi, phía Bắc Hòn Thơm; các khu vực nằm xen kẽ với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt tại Hòn Vang, Hòn Xưởng, Hòn Móng Tay, Hòn Gầm Ghì, Hòn Vông và phía Bắc Hòn Mây Rút trong từ bờ đảo ra phía ngoài 84 - 120m.
Phân khu dịch vụ - hành chính với diện tích gần 10 nghìn ha gồm: phân khu dịch vụ - hành chính thảm cỏ biển, khu vực từ bờ đảo ra phía biển, khu dịch vụ - hành chính rạn san hô. Mỗi luồng tàu chiều rộng 50 m được bố trí ở khu vực có rạn san hô phân bố thưa thớt và ít sóng gió, nhằm tạo điều kiện xây dựng cầu cảng nhỏ phục vụ việc phát triển các hoạt động du lịch sinh thái trên đảo, giảm thiểu các tác động đến những khu vực rạn xung quanh.
Khu Bảo tồn biển Phú Quốc còn thiết lập vùng đệm trên 12 nghìn ha ha nhằm hạn chế các tác động trực tiếp của các hoạt động kinh tế - xã hội từ bên ngoài vào vùng bảo tồn san hô và thảm cỏ biển.
Tỉnh Kiên Giang đẩy nhanh quá trình phục hồi hệ sinh thái cũng như tái tạo nguồn lợi
Để bảo vệ và phát triển Khu bảo tổn biển đúng định hướng, tỉnh Kiên Giang kêu gọi và khuyến khích các mô hình liên doanh, liên kết giữa Vườn Quốc gia Phú Quốc và các bên liên quan trong Khu Bảo tồn biển Phú Quốc bao gồm: mô hình liên doanh, liên kết với doanh nghiệp du lịch được giao dự án trên các đảo; mô hình liên doanh, liên kết với doanh nghiệp tham gia phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp hoạt động du lịch trên vùng nước; mô hình cộng đồng tham gia quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên…
Kiên Giang cũng xác định đẩy mạnh việc ứng dụng các công nghệ mới, nhằm phục hồi sinh cư (san hô) và các nhóm nguồn lợi quan trọng trong các hệ sinh thái (bàn mai, bào ngư, hải sâm cát, ốc đụn, cá ngựa…), góp phần gia tăng quần đàn sinh sản, tăng sinh khối và khả năng bổ sung tự nhiên, tăng sản lượng khai thác bằng phương thức nuôi tự nhiên thân thiện với môi trường. Ưu tiên phục hồi hệ sinh thái ở khu vực Khu Bảo tồn biển Phú Quốc và lân cận.
Khu bảo tồn biển Phú Quốc được biết đến với sự có mặt của nhiều loài động vật biển được các tổ chức quốc tế đưa vào sách đỏ như Dugong ( bò biển), rùa biển và cá heo. Do sự bảo tồn và chất lượng môi trường tốt, số lượng các loài này những năm trở lại đây có xu hướng tăng.
Phú Quốc còn có rất nhiều loài cá rạn san hô có giá trị thương mại cao như cá mù, cá hồng, cá kẽm, cá bè, cá mó, cá bò da... được khai thác phục vụ nhu cầu lớn của thị trường. Bên cạnh đó một số loài động vật thân mềm quý hiếm cũng được nuôi cấy và phát triển ở đây như hầu ngọc, bào ngư, điệp...
Yên Thư