Một cá thể voọc chà vá chân xám được các thành viên Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) phát hiện. (Ảnh: TTXVN) |
Chà vá chân xám hay voọc chà vá (danh pháp khoa học: Pygathrix cinerea) là loài đặc hữu của Việt Nam. Các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên và Trung tâm GreenViet đã đề ra nhiều giải pháp nhằm bảo vệ loài động vật quý hiếm này.
Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu, bảo tồn chà vá chân xám tại Miền Trung và Tây Nguyên, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Tổ chức Bảo tồn Động, Thực vật hoang dã Quốc tế (FFI) - Chương trình tại Việt Nam phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh và Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên đã khảo sát thực địa và phát hiện nhiều đàn voọc chà vá chân xám tại khu vực rừng thuộc xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân).
Từ ngày 10-15/2 vừa qua, các thành viên của GreenViet cùng cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân và người dân địa phương đã khảo sát thực địa tại các tiểu khu 50, 52, 53 và 61 thuộc lâm phần quản lý của Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân với diện tích khoảng 1.700ha nhằm thu thập thông tin về hiện trạng quần thể, phân bố và đặc điểm sinh cảnh sống của loài voọc chà vá chân xám.
Voọc chà vá chân xám xuất hiện tại khu vực dân cư thuộc xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa. (Ảnh: TTXVN). |
Kết quả, đoàn đã ghi nhận được 8 đàn voọc chà vá chân xám khác nhau với tổng số 30 cá thể, số lượng ước tính có thể lên đến 48 cá thể. Ngoài ra còn có 14 điểm ghi nhận dấu hiệu của voọc chà vá chân xám. Do vậy, các thành viên nhóm khảo sát ước tính có khoảng 15-20 đàn voọc chà vá chân xám đang sinh sống tại rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân.
Trong quá trình khảo sát, các thành viên nhận thấy việc săn bắt động vật hoang dã còn diễn ra thường xuyên ở mức độ nghiêm trọng tại khu vực rừng phòng hộ. Điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của voọc. Cụ thể, có 2 điểm đặt bẫy kẹp vẫn đang hoạt động; 4 điểm có lán trại của người đi rừng (trong lán trại còn ghi nhận dấu vết máu, lông và xương của voọc). Trong rừng vẫn còn nghe có tiếng súng săn. Trên các đường mòn dẫn vào rừng có rất nhiều dấu xe và dấu chân người đi lại.
Trước đó, nhiều người dân trong thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên phát hiện 3 cá thể nghi là voọc chà vá chân xám xuất hiện tại khu vực dân cư, gồm 2 con lớn, một con nhỏ.
Tại tỉnh Phú Yên, nơi có tiềm năng cao về phân bổ loài voọc chà vá chân xám là khu vực rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân. |
Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân về việc xuất hiện động vật rừng đến cư trú tại khu vực dân cư thuộc thôn Cẩm Tú, xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, ngành chức năng và địa phương đã đến kiểm tra và xác định đây là đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm nên triển khai các biện pháp bảo vệ.
Tiếp nhận thông tin từ địa phương, ngày 9/2, Chi cục Kiểm lâm Phú Yên phối hợp với Hạt Kiểm lâm thành phố Tuy Hòa và Ủy ban Nhân dân xã Hòa Kiến kiểm tra tại khu vực khu dân cư thuộc thôn Cẩm Tú.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác nhận đây là 3 cá thể voọc chà vá chân xám, tên khoa học Pygathrix cinerea, là động vật nguy cấp, quý, hiếm, thuộc nhóm IB theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Các thành viên Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) thảo luận với cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân về phương án bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám. (Ảnh: TTXVN) |
Theo đánh giá của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), tại tỉnh Phú Yên, nơi có tiềm năng cao về phân bổ loài voọc chà vá chân xám là khu vực rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân. Tuy nhiên, việc voọc chà vá chân xám lần đầu tiên xuất hiện tại khu vực ngoại ô thành phố Tuy Hòa là điều cần nghiên cứu.
Theo ông Nguyễn Trung Háo, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân, ở một số tiểu khu thuộc lâm phần quản lý của Ban vẫn còn trường hợp người dân vào rừng đặt bẫy, săn bắt thú rừng. Rừng giáp ranh với các địa phương thuộc tỉnh Gia Lai nên rất khó quản lý người vào, ra và xử lý các trường hợp vi phạm.
Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đồng Xuân sẽ kiến nghị các địa phương giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên phối hợp trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân không săn bắt thú rừng. Qua đó, góp phần bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám hiện có tại địa phương./.