Nông dân bắc ghế, tỉ mỉ “xuống tóc” cho loài hoa Tết Cách trồng và chăm sóc đào sau Tết 10 cây sống cả 10 Bỏ túi ngay những mẹo chọn đào Tết đẹp |
Các nhà vườn chăm sóc đào sau Tết |
Hiện không khí làm việc tại các nhà vườn ở làng đào Nhật Tân nhộn nhịp không kém so với lúc trước Tết. Những gốc đào mang đi trong năm để tô điểm mùa xuân cho mọi nhà đang được thu về để trồng và chăm sóc. Chỗ này trộn đất, chỗ kia tách cây từ chậu, chỗ thì cắt tỉa cành… tất cả phải làm khẩn trương, để chuẩn bị cho một mùa đào mới.
Thời điểm này cũng là cơ hội "vàng" để những người lao động tự do kiếm tiền từ việc "hồi sinh" cho cây vụ sau Tết. Trong vòng nửa tháng, nếu cần mẫn mang vác, chuyên chở, người lao động có thể kiếm được từ 8 - 15 triệu đồng cho mỗi vụ đào Tết.
Ngay khi đưa về vườn, cây đào nhanh chóng được vận chuyển tới chỗ trồng để kịp thời "hồi sinh". Theo các chủ vườn, những gốc đào đã chưng trong dịp Tết cũng giống như "đứa trẻ đang ốm" nên việc sớm đưa đi trồng lại sẽ có tỷ lệ phục hồi cao hơn.
Không phải tất cả gốc đào thu về đều có thể phục hồi. Vì vậy, với những người trồng đào, việc đón từng chuyến xe trở về không khác gì mong ngóng gặp lại những đứa con của mình. Những gốc đào khi bắt đầu vào vụ mùa mới, mang theo những niềm hy vọng của người dân về một năm mưa thuận gió hòa và đào sẽ lại nở đúng dịp Tết Nguyên đán năm sau.
Cắt tỉa cành lá cho cây đào là bước rất quan trọng |
Chủ vườn đào Hiệp Vụ cho biết: “Những năm gần đây, số lượng khách hàng thuê nhiều hơn là mua đứt. Lý do một phần vì những gốc đào này rất quý, gốc có tuổi đời lên đến hàng chục năm, có giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Thời điểm hiện tại, 50% số đào cho thuê đã được trả lại vườn".
Để kịp quá trình chăm sóc đào, hầu như nhà nào cũng thuê từ 3 đến 5 nhân công. Gia đình ông Vụ phải thuê 15 lao động để vận chuyển cây, cắt tỉa cành lá, làm đất, tưới cho đào. Trung bình mỗi lao động được trả 6 - 10 triệu đồng/tháng.
"Công đoạn đầu tiên là phải ngắt hoa, tỉa cành, tỉa hoa búp còn sót lại trên cây để đào phục hồi sau thời gian “căng sức” nuôi hoa cho khách chưng Tết. Sau đó, nhà vườn phải thay đất, tỉa rễ, bỏ phân, tưới nước, giữ ẩm… để cây có sức phục hồi. Đến khoảng tháng 8 Âm lịch là công đoạn uốn cành để tạo dáng, thế. Gần Tết thì lặt bỏ lá, bón phân… để cây nở hoa đúng ngày", ông Vụ cho biết thêm.
Ngoài việc thuê nhân công, các chủ vườn đào còn phải mua đất với giá 400 - 500 nghìn đồng/chuyến xe đổ vào vườn để "tái sinh" đào cảnh sau vụ Tết.
Những ngày này, người trồng đào, quất cảnh tại xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) lại hối hả bắt tay vào vụ mới. Thay vì khung cảnh nhộn nhịp người người đến mua bán, chở những gốc đào, cây quất về chơi ngày tết là không khí tất bật của những nông dân xuống giống, tỉa cảnh và chăm sóc cây cảnh chuẩn bị cho vụ tết tiếp theo.
Sau Tết, nhiều chủ vườn đã chủ động đến các gia đình thu mua gốc đào, cây quất để về cải tạo và chăm sóc. Thời điểm này đến một số nhà vườn trên địa bàn xã Thanh Hưng đã thấy không ít cây đào, quất có phần rũ hoa, héo lá và rụng quả được tập kết về chờ xuống đất. Anh Quàng Văn Thiên, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) cho biết: “Sau khi thu mua những cây quất, đào mà nhiều gia đình đã chơi tết xong về vườn hoặc lấy cây người dân, cơ quan, đơn vị thuê về chơi Tết, chúng tôi ngay lập tức bắt tay vào “hồi sức” cho cây rồi mới cho xuống đất. Khi cây đã khỏe sẽ đến công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, hãm cành… Công việc khá bận rộn song anh em đều vui vẻ chăm cây hướng đến vụ cây tết năm sau”.
Để chủ động trong việc chăm sóc cây cảnh cho vụ tết năm sau, nhiều nhà vườn xã Thanh Hưng đã chủ động vệ sinh vườn cây, chuẩn bị cho vụ mới. Thậm chí, từ trước tết, các nhà vườn đã tập kết đất màu, tơi xốp, rơm để ủ, giữ ẩm cho cây. Như nhiều nhà vườn khác, trước tết, gia đình anh Nguyễn Mạnh Cường, thôn Việt Thanh (xã Thanh Hưng) vừa tập trung cây cảnh phục vụ nhân dân chơi tết, vừa chuẩn bị các vật tư sang xuân xuống giống, trồng cây mới.
Anh Nguyễn Mạnh Cường cắt tỉa cành cho những gốc đào cổ thụ |
Đến thời điểm này, anh Cường tập trung cải tạo và chăm sóc những gốc đào, quất cảnh. Chuẩn bị nguồn cây phục vụ cho mùa tết sắp tới, gia đình anh Cường trồng khoảng 1.500 cây đào; trong đó 150 gốc đào cổ thụ, 600 gốc đào 2 năm tuổi, còn lại là nhân giống mới cùng với 1.000 gốc quất các loại.
Vừa cắt tỉa những cành đào cổ thụ, anh Cường vừa chia sẻ: “Bắt đầu từ mùng 6 tết, chúng tôi đã bắt tay vào công việc xuống giống mới cũng như thu mua cây của người dân đã chơi tết xong để về chăm sóc. Những cây cho các cơ quan, đơn vị thuê chơi tết thì phải ngoài rằm tháng Giêng, chúng tôi mới lấy về trồng lại.
Để có một cây quất, cây đào đẹp, nhà vườn phải bỏ ra nhiều công chăm sóc như: Xử lý rễ, cắt tỉa, xuống đất… Những khâu, công đoạn đầu tiên đó có vai trò quan trọng quyết định sự thành công của một vụ mới. Mặt khác, nhà vườn còn nhận chăm sóc cây cho các gia đình có nhu cầu; vậy nên phải khoảng 10 ngày nữa, công việc mới dần đi vào quy củ để hướng đến một vụ tết mới".
Dù tuổi đã cao song ông Nguyễn Văn Lũy ở thôn Việt Thanh (xã Thanh Hưng) vẫn tập trung chăm sóc cho vườn đào cảnh của gia đình. Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, gia đình ông Lũy đã bán và cho thuê khoảng 200 cây đào cổ thụ. Là một nông dân có kinh nghiệm lâu năm trong trồng và chăm sóc đào, quất tết, ông Lũy tâm sự: “Hiện nay, các nhà vườn đều có thể tự nhân giống cây mà không phải mua giống.
Việc chủ động trong nguồn giống không chỉ giúp các nhà vườn không bị động về cây trồng cũng như thời vụ mà còn mang lại cây chuẩn hơn. Để có một gốc cây cảnh chơi Tết đẹp đòi hỏi kinh nghiệm và sự kỳ công của người trồng cây. Vậy nên, công việc của nhà vườn không chỉ bận rộn trong những ngày đầu năm này mà còn kéo dài cả năm thì mới mang lại những gốc đào, cây quất với dáng đẹp, sai hoa, nặng quả; phục vụ nhu cầu người dân chơi những ngày tết. Vì lẽ đó, thay vì chặt bỏ, mỗi gia đình hãy bán lại hoặc cho nhà vườn những cây đã chơi tết xong để chúng tôi cải tạo, chăm sóc, vừa tránh lãng phí, vừa có nguồn cây đáp ứng nhu cầu tết năm tới”.
Hiện nay, toàn xã Thanh Hưng có khoảng 100 hộ gia đình trồng đào, quất bán Tết. Những ngày này, tại các vườn trồng cây cảnh, hầu hết hộ dân đều sẵn sàng trồng cây vụ mới. Việc chủ động cây giống và xuống giống đồng loạt cùng với thời tiết thuận lợi vừa đảm bảo thời vụ, vừa tốt cho việc chăm sóc cây. Hy vọng, cùng với sự chủ động, tích cực của mỗi nhà vườn, thời tiết sẽ mưa thuận, gió hòa để mang lại một vụ đào, quất cảnh thắng lợi.
Bí quyết giữ hoa đào tươi lâu, hết Tết hoa vẫn rực rỡ trên cành |
Bỏ túi ngay những mẹo chọn đào Tết đẹp |
Chiêm ngưỡng cây đào "khủng nhất" Quảng Ninh |