Cây trà bạch này của anh Lê Huy Hùng vào cao điểm có giá mua gần 1 tỷ đồng. |
Trà my - giống hoa đỏng đảnh quý phái
Hoa trà my có tên khoa học camellia japonica là thực vật thuộc chi trà mọc nhiều ở châu Á. Trà my là cây thân gỗ mọc thành bụi có kích thước trung bình. Nguồn gốc của cây chủ yếu là các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại Việt Nam, trà my được trồng như một loại cây trang trí làm đẹp khuôn viên gia đình.
Trà my có rất nhiều loại và được gọi tên theo màu sắc: trà hoa trắng (trà bạch), trà hồng, trà đỏ (thâm bát diện), trà lựu, trà điểm tuyết, trà cung đình… Theo đặc điểm của bông hoa, tiếp tục được chia thành loại trà có nhụy và không nhụy.
Thời điểm nở hoa của loài cây này rơi vào dịp cuối năm, trà hoa trắng nở đúng dịp tết dương lịch, các loại khác nở trong các tháng cuối năm cho đến Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng, tùy thuộc thời tiết.
Hai cây trà cổ có tuổi đời vài chục năm được dân yêu trà đánh giá là những cây cực quý. |
Hoa trà my khá to, cánh dày và đẹp kiêu sa. Khi bông hoa nở bung hết tất cả các cánh, một bông hoa trà my đạt kích thước bằng miệng một chiếc bát ăn cơm. Cây càng già, lâu năm, bông hoa càng to, dày và đẹp.
Trong dân gian, câu ngạn ngữ “nhà giàu chơi lan, nhà quan chơi trà” đã mặc định “danh phận” cho loài hoa được coi là “khó tính” trong tự nhiên, cây dễ bị chết nếu có những tác động của ngoại cảnh như bị úng nước (thừa nước); chăm sóc phân bón quá nhiều cũng dễ khiến cây bị thối rễ, suy kiệt…
Cây trà my phát triển chậm. Trong thời gian vài chục năm, kích thước thân cây phát triển được chu vi khoảng 30cm (ước lượng to cỡ cổ chân người lớn). Những cây trà có tuổi đời lâu năm, thân cây to, bệ rễ đẹp… là tâm điểm săn tìm của những người chơi cây.
Trà hoa trắng (trà bạch) là loại cây được giới chơi cây xếp hạng đầu bảng bởi vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết. Hoa trà tồn tại trong thời gian dưới 10 ngày kể từ thời gian nở. Một năm, loài cây này chỉ ra hoa một lần duy nhất.
Cây trà hoa trắng được định giá hàng trăm triệu đồng. |
Trà my từng tạo sơn sốt ngang lan đột biến
Thời gian cách đây khoảng 1 năm, giới chơi cây đổ xô đi sưu tầm loài cây trà my đã khiến loại hoa này trở thành cơn sốt chưa từng có.
Một trong những cây trà my từng gây sửng sốt giới cây cảnh là cặp trà my của anh Phạm Ngọc Hải (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Đó là hai cây trà hoa trắng (trà bạch) và trà thâm bát diện (hay còn gọi là trà thâm”.
Thời điểm đánh hai cây trà, Hải chia sẻ trên mạng xã hội đã tạo nên một sự kiện “bom tấn” trong giới yêu cây hoa trà, và được hàng ngàn người mê cây theo dõi, bình luận.
Trà hoa trắng (trà bạch) là loại cây được giới chơi cây xếp hạng đầu bảng bởi vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết. |
Cùng sở thích đam mê, anh Lê Huy Hùng (SN 1984) là chủ một doanh nghiệp ở Bắc Giang đã chịu chi gần 1 tỷ đồng để sở hữu một cây trà bạch có tuổi đời trên 60 năm, kích thước thân cây to bằng bắp chân (chu vi khoảng 40cm), kích thước tán cây rộng hơn 1 mét. Giới những người đam mê hoa trà gọi đây là “quả bom tấn” được “kích nổ” dịp cuối năm, bởi số tiền sở hữu cây với một gia đình bình thường, đó là một tài sản không hề nhỏ.
Anh Trần Trung Long (Nam Định) được giới yêu cây trà my đặt cho biệt danh “Long trà cổ) bởi sở hữu hàng chục cây trà già, đẹp, trồng chậu lâu năm. Giới chơi cây đánh giá cao những cây có tuổi đời, gọi là cây “cốt chậu”.
“Một cây hoa trà đẹp có tuổi đời 50 – 60 năm mới đạt kích thước tầm bằng cổ chân người lớn trở lên. Đến mùa rộ hoa, cây trà bạch nở hoa trắng phủ kín cây, càng ngắm càng mê đắm”.
Cây trà bạch của anh Phạm Ngọc Hải (Thường Tín, Hà Nội) |
Anh Long cho biết, anh đam mê đến mức, có những đêm thức trắng để ngắm hoa nở. Khi biết ở đâu có cây trà đẹp, dù xa hàng trăm km anh cũng không ngần ngại lên đường.
Dịp Tết Nguyên đán năm 2022, giới yêu hoa trà my xôn xao một “thương vụ” giao dịch cây trà bạch với số tiền gần một tỷ đồng. Những cây trà có “số má”, dân chơi cây cho biết chỉ đếm trên đầu ngón tay, và hầu hết đều do các đại gia sở hữu.
“Nam Định được coi là nơi khởi phát của giống cây hoa trà my, với nhiều giống cổ như trà bạch, trà thâm bát diện, trà lựu. Thập niên 60, người dân các tỉnh ĐBSH đi khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới tại các tỉnh miền núi, Tây Bắc đã mang theo cây trà giống đi trồng ở nơi ở mới, đó là lý do tại sao các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ… có rất nhiều cây trà cổ, tuổi đời 50 – 60 năm tuổi” – anh Long lý giải.
Cây trà cổ có tuổi đời lâu năm do anh Trần Trung Long (Nam Định) sở hữu có giá hàng trăm triệu đồng. |
Vì sự quý hiếm, số lượng không nhiều và vẻ đẹp chuẩn mực không thể chối cãi, giá trị của những cây trà bạch cổ lớn gấp nhiều lần so với những cây trà non khác cùng chủng loại.
Người sở hữu, nếu không là những người trực tiếp trồng lâu năm, thì đều là những người có điều kiện kinh tế mới dám bỏ ra số tiền hàng trăm triệu đồng để mua. Họ là những người yêu cây đích thực, không ồn ào, phô trương. Những tác phẩm cây “đếm trên đầu ngón tay” như thế rất ít khi xuất hiện trên những hội nhóm thương mại, được “nhốt vườn” mà chỉ những người thạo tin mới biết.
Thương vụ "bom tấn" được giới chơi trà cho biết với giá trị hơn 800 triệu đồng. |
Khi cơn sốt trà được đẩy lên cao, cuộc “xả hàng” bắt đầu: những cây trà giống vài ba năm tuổi, kích thước khoảng chục cm được đẩy giá lên tiền triệu, dù trước đó nó chỉ có giá vài chục ngàn đồng. Giờ đây cơn sốt hoa trà my đã nguội lạnh, những người đầu cơ, lướt sóng đã bỏ cuộc chơi. Hoa trà my lại trở về với vẻ đẹp kiêu sa trong những khu vườn hoài cổ của những người yêu hoa thực thụ./.