Trước đó, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Tổng hợp Hoà Bình đã có rau mồng tơi, su hào, cải mơ, bắp cải, đậu trạch, cà chua, đạt OCOP 3 sao.
Năm 2008, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình được đầu tư dự án sản xuất rau an toàn với quy mô 11,7ha. Dự án gồm các hạng mục: Hệ thống nước tưới và sơ chế rau an toàn (nguồn nước tưới khai thác ở giếng khoan có độ sâu hơn 60m, được xử lý bằng công nghệ lắng lọc, bảo đảm đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt), 11,7ha nhà lưới, thu hút 248 hộ xã viên tham gia.
Bà con vùng rau Yên Nghĩa đang phấn đấu đạt sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020
Được sự hỗ trợ của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật quận Hà Đông, Phòng Kinh tế quận, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cho nông dân về lợi ích của việc sản xuất rau an toàn, cách sử dụng chế phẩm vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học đúng liều lượng, thời gian cách ly…
Qua đó, thay đổi nhận thức của nông dân và vùng trồng rau an toàn của hợp tác xã hạn chế sâu bệnh, năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao. Sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Hòa Bình gồm các loại rau, củ, quả: Súp lơ, bắp cải, su hào, ngót, cải các loại, dền, cà chua, bầu, bí, mướp… được người tiêu dùng trên địa bàn quận Hà Đông và thành phố Hà Nội tin cậy. Nhiều hộ xã viên sản xuất rau, củ trên diện tích 2-5 sào, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng/năm.
Hiện nay, Hợp tác xã đã kết nối bao tiêu sản phẩm rau an toàn cho nông dân, cung cấp cho 30 trường học mầm non trên địa bàn quận Hà Đông và một số công ty, cửa hàng trên địa bàn thành phố. Mỗi ngày, hợp tác xã xuất bán từ 8 tạ đến 1 tấn sản phẩm rau, củ, quả. Tuy nhiên, số lượng này mới chiếm 70% tổng sản phẩm, 30% còn lại, xã viên vẫn phải tự tìm nơi tiêu thụ. Để ổn định, hợp tác xã mong muốn Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, các cơ quan, đơn vị chức năng trên địa bàn quận kết nối, giới thiệu địa chỉ tiêu thụ, giúp xã viên, nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...
HTX Hoà Bình đang từng bước sản xuất rau theo hướng hữu cơ, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường
Ông Nguyễn Bá Tiến, Phó chủ tịch UBND phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, cho biết: “HTX Hoà Bình lúc mới đi vào hoạt động, gặp rất nhiều khó khăn, từ tổ chức chỉ đạo nông dân sản xuất, đến tìm đầu ra cho sản phẩm. Song, với nỗ lực của các cấp lãnh đạo phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, HTX đã từng bước tạo được niềm tin cho người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội.
Đặc biệt, năm 2017 quận Hà Đông đã giao cho HTX, tổ chức mô hình chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn đầu tiên tại chợ Hà Đông. Đồng thời, giúp HTX giới thiệu và đưa rau an toàn vào hệ thống trường học trên địa bàn quận. Hiện, HTX Hoà Bình đang là đối tác của 30 trường học mầm non trên địa bàn Hà Đông”.
Ngoài ra, ông Tiến còn cho biết thêm, năm 2018, HTX cũng đang trong quá trình hợp tác, liên kết sản xuất với các vùng canh tác hữu cơ lân cận, để tăng năng lực cung ứng.
Đáng ghi nhận là, HTX dịch vụ Hòa Bình, đang tiếp tục nâng cấp chất lượng, dịch vụ sản xuất theo định hướng hữu cơ. Với sự hỗ trợ của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, để sản xuất theo hướng hữu cơ một số nông sản: Nấm sò, cà chua trồng trong bao, hoa cảnh.
Đào tạo, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đến toàn thể thành viên trong HTX. Tạo ra một số sản phẩm có giá trị gia tăng, từ nguồn nông sản hữu cơ như: dấm táo hữu cơ, dấm chuối hữu cơ, trà hoa hữu cơ, nấm sấy hữu cơ… Dự kiến, sẽ có sản phẩm ra mắt thị trường trong năm 2020.
Mai Quỳnh