Làng nghề đúc đồng lịch sử hàng trăm năm với những công trình "để đời" Hệ thống Trầm Kệ mở thêm Showroom Trầm Hương mới Lưu giữ nét tinh hoa nghề thêu ren Văn Lâm |
Làng rèn Lý Nhân hay còn gọi là làng rèn Bàn Mạch (thuộc xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Ngay cả người dân sinh sống tại đây không ai rõ nghề rèn có từ bao giờ, chỉ biết từ thời xa xưa ông cha đã theo nghề, cha truyền con nối hàng thế kỉ, bền bỉ phát triển cho đến ngày nay.
Để tạo dựng được thương hiệu nức tiếng khắp các miền gần xa, những sản phẩm đến từ làng rèn Lý Nhân vô cùng đa dạng phong phú và chất lượng, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu trong đời sống của người dân, chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp như liềm, cuốc, xẻng, dao, kéo,...
![]() |
Thợ rèn của Làng rèn Lý Nhân hay còn gọi là làng rèn Bàn Mạch trong lao động hàng ngày |
Đỏ lửa gìn giữ làng nghề
Năm 2006, làng rèn Lý Nhân được công nhận là làng nghề truyền thống. Tính đến thời điểm hiện tại có hơn 80% hộ gia đình vẫn đang gắn bó với nghề, các sản phẩm được đem đi bán ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Nghề rèn là nghề cần sức lực và sự tỉ mỉ cao. Để làm được những sản phẩm tưởng chừng đơn giản ấy, những người thợ rèn Lý Nhân đã phải trải qua rất nhiều công đoạn gia công, từ ra phôi đến gia công trong lò. Trong quá trình làm mỗi người làm một công đoạn, đôi khi đan xen nhau, có lúc công đoạn sau lại thực hiện trước, không hoàn toàn làm đúng theo trình tự. Điều này đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và cái tâm với nghề mới cho ra được những sản phẩm chất lượng tốt nhất.
Gắn bó với nghề rèn gần 20 năm nay, anh Trần Phi Hùng (sinh năm 1981) cho biết: “Nghề này nhìn tưởng dễ vì chỉ cần đập cho ra hình cái dao, cái kéo là được. Nhưng để rèn được những sản phẩm đó sao cho bền, bén thì cần có đủ độ “chín” nghề. Dù có ông cha làm thầy, bắt tay chỉ việc nhưng với một người thợ chưa biết gì về nghề, cá nhân phải học nhanh nhất từ 3-6 tháng cho một công đoạn sản phẩm”.
Điều đặc biệt ở Làng rèn Lý Nhân là sự kết nối, hỗ trợ nhau giữa các hộ gia đình, mỗi ngày khu làng nghề có thể làm ra hàng vạn sản phẩm.
![]() |
Người thợ chăm chút từng công đoạn cho sản phẩm |
Làng nghề “chuyển mình” trong xu thế hiện đại hóa công nghệ
Xã hội phát triển, để thích ứng cùng với thời đại, những người thợ rèn bắt đầu áp dụng các máy móc, thiết bị vào trong quá trình làm nghề. Các hộ dân đã tự trang bị cho mình các loại máy móc để giải phóng sức lao động như máy mài, máy cán thép, búa máy, máy dập, máy cắt gọt kim loại, máy phay…Đây là phương pháp sản xuất theo hướng hiện đại tập trung quy mô lớn, chuyên môn hóa ngành nghề.
Chia sẻ với phóng viên, anh Hùng cho hay, trước đây các sản phẩm như dao, kéo,...được làm hoàn toàn thủ công đoạn làm khó và mất thời gian, sản lượng trong ngày không nhiều.công, mất rất nhiều thời gian và công sức, cần nhiều nhân công để hoàn thiện. Từ khi có các loại máy móc như máy cán thép, máy đột dập, máy búa, cắt...mỗi người chỉ chuyên làm một công đoạn, lượng sản phẩm làm ra ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả các công đoạn đều được thay thế bởi máy móc, có những công đoạn vẫn đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo tay của người thợ lành nghề để làm ra một sản phẩm tốt, chất lượng.
Mức thu nhập của lao động tại các xưởng dao động trong khoảng từ 8-15 triệu đồng/tháng tùy theo công việc, trình độ tay nghề. Trung bình các xưởng vừa và nhỏ sẽ có 5-6 nhân công, xưởng lớn có nhiều máy móc gồm 15-20 nhân công. Nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ gia đình, đồng thời thu hút được một lượng lớn lao động từ các nơi lân cận tới đây làm việc, tạo công ăn việc làm cho những người lớn tuổi. Với khoản thu nhập và giải quyết việc làm cho người lao động tại Làng rèn Lý Nhân như vậy, ngọn lửa nghề còn cháy và lưu truyền mãi cho thế hệ mai sau…