Sản phẩm OCOP Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế“Nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N” đạt chuẩn OCOP 5 sao Quốc giaĐồng Tháp: Thu hồi giấy chứng nhận đối với 47 sản phẩm OCOP |
Cơ hội và thách thức trong việc phát triển chương trình OCOP
![]() |
Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều khó khăn. |
Qua 6 năm triển khai thực hiện chương trình OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Vĩnh Phúc dần phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 178 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh trở lên, trong đó có 41 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 137 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh của 80 chủ thể (hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ kinh doanh).
Thực tế cho thấy, chương trình OCOP đã tạo hiệu ứng tích cực, trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các địa phương. Số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP không ngừng tăng cho thấy tư duy sản xuất của người dân thay đổi theo hướng tích cực, liên kết chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và nhu cầu của thị trường.
Thông qua chương trình, nhiều sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương có điều kiện phát triển theo đúng quy chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Nhiều mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn được triển khai theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Từ đó, góp phần phát triển và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn.
Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cụ thể, số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP tham gia chương trình OCOP của một số địa phương còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các sản phẩm OCOP đã được công nhận chưa có sức hấp dẫn cao với nhiều khách hàng; chất lượng, mẫu mã một số sản phẩm chưa được bắt mắt, thu hút người tiêu dùng; sản lượng tiêu thụ các sản phẩm còn khá khiêm tốn, chưa tạo động lực khuyến khích chủ thể áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật đồng bộ, tái đầu tư quy mô lớn.
Bên cạnh đó, chương trình OCOP còn chưa được nhiều chủ thể biết đến. Quy mô, năng lực quản trị, năng lực tài chính của nhiều chủ thể OCOP còn hạn hẹp, dẫn đến thiếu chủ động trong việc nâng sao OCOP, mở rộng thị trường tiêu thụ; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa đồng bộ; chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đồng đều... Mặt khác, cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP còn hạn chế, nhiều chủ thể thiếu kinh phí hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, dẫn đến chưa khuyến khích, phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh sản phẩm tại các địa phương.
Công tác kiểm tra, giám sát các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận trên địa bàn tỉnh còn chưa được quan tâm, chú trọng; nhiều sản phẩm đã hết hạn song không tham gia đánh giá, phân hạng lại. Một số sản phẩm còn sử dụng tem nhãn OCOP và thứ hạng sao trên bao bì chưa đúng theo quy định; việc đăng ký, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP ở một số địa phương còn chạy theo thành tích; một số sản phẩm có chất lượng chưa cao...
Điển hình là mới đây, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra khỏi danh sách sản phẩm OCOP cấp tỉnh đối với 9 sản phẩm của 7 chủ thể bao gồm: Mota honey - Mật ong lên men, Mỹ nhân hoàng cung của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo, huyện Bình Xuyên; Trà đinh lăng - cà gai leo của hộ kinh doanh Trương Anh Tuấn, huyện Tam Đảo; Nho đen không hạt của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Chân Chính, dưa lưới Vườn Xanh của Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Vườn Xanh, dưa lưới Thanh Xuân của Công ty TNHH Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Thanh Xuân, huyện Yên Lạc; Rượu nếp 94 và Rượu nếp cái hoa vàng 94 của hộ kinh doanh Lê Minh Huấn, Cao rắn gia truyền Tiến Sỹ của hộ kinh doanh Nguyễn Tiến Sỹ, huyện Vĩnh Tường. Nguyên nhân được xác định là do các sản phẩm này đã được đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn OCOP năm 2021, đến nay đã hết hạn chứng nhận và không tham gia đánh giá, phân hạng lại theo quy định.
Đưa sản phẩm OCOP đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững
![]() |
Để chương trình OCOP đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, gia tăng giá trị lớn, có sức cạnh tranh cao, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ thể; tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể OCOP nhằm nâng cao năng lực về quản trị sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường; nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với quy chuẩn, tiêu chuẩn, an toàn thực phẩm; xây dựng thương hiệu, sở hữu trí tuệ; bảo vệ môi trường...
Trong đó, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm OCOP lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm về quản lý nhãn hiệu OCOP theo quy định. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, tránh chạy theo thành tích và ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm OCOP đã được đánh giá và công nhận.
Đồng thời, chủ động phối hợp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, gắn với bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống; xây dựng, triển khai tốt quy hoạch nông nghiệp, tạo vùng sản xuất tập trung đối với nhóm sản phẩm theo thế mạnh của từng địa phương; bảo tồn, phát triển các vùng sản xuất có sản vật độc đáo, chất lượng nhằm tạo ra sản phẩm OCOP đặc trưng của vùng miền; tập trung định hướng nông dân đổi mới phương thức sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, đồng thời lồng ghép các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, huy động mọi nguồn lực theo quy định hỗ trợ chủ thể tham gia Chương trình OCOP…
Cùng với sự vào cuộc tích cực từ các cấp, ngành, nhiều chủ thể đã chủ động xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP bằng cách tiếp tục cải tiến mẫu mã, đầu tư công nghệ hướng tới nâng cao chất lượng sản phẩm, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển sản phẩm OCOP mới và nâng sao các sản phẩm đã có.
Anh Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Hợp tác xã Nấm Tam Đảo cho biết: “Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế, thời gian qua, hợp tác xã đã tích cực đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, không ngừng nghiên cứu, đa dạng hóa các dòng sản phẩm, ứng dụng công nghệ hiện đại vào nuôi trồng, chế biến nấm đông trùng hạ thảo nhằm tăng giá trị, gây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường. Hiện, các sản phẩm của hợp tác xã được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; thương hiệu “Nấm Tam Đảo - Đông trùng hạ thảo Tam Đảo” được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận độc quyền chỉ dẫn đối với khu vực nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại huyện Tam Đảo.
Ngoài kênh bán hàng truyền thống, hợp tác xã còn chuyển sang bán hàng online thông qua các trang thương mại điện tử, website, mạng xã hội. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của hợp tác xã phát triển rộng khắp cả nước, trong đó có 4 cơ sở kinh doanh tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo. Đến nay, hợp tác xã có 10 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; 2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Trung bình mỗi năm, hợp tác xã sản xuất khoảng 10.000 sản phẩm cung ứng ra thị trường. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, hợp tác xã đang nghiên cứu, phát triển nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo từ nhộng tằm; phát triển vùng nguyên liệu khoảng 50 ha trồng dâu nuôi tằm để sản xuất, mở rộng thêm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vải lụa tơ tằm tự nhiên, phát triển thành điểm du lịch tham quan, trải nghiệm cho du khách”.