Phấn đấu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 từ 2,5- 3% GDP Việt Nam dự kiến đạt 6-6,5% vào năm 2021 Thúc đẩy số hóa doanh nghiệp sẽ góp phần tăng GDP Việt Nam |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng |
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, nền kinh tế Việt Nam đã qua đáy trong quý II và đang phục hồi theo hình chữ V trong quý III. Tuy lũ lụt nghiêm trọng nhưng khả năng năm 2020 có thể đạt mức tăng trưởng 2 - 3%.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10 có khởi sắc, tăng gần 19% so với tháng trước. Số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng trên 10% so với cùng kỳ.
Lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 chỉ tăng tăng 0,09% so với tháng trước và so với tháng 12 năm trước, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Bình quân 10 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,71% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu phục hồi khả quan, thặng dư thương mại cao kỷ lục, đạt 18,7 tỷ USD. Giải ngân đầu tư công tiếp tục được cải thiện, tốc độ tăng vốn thực hiện từ ngân sách Nhà nước tháng 10 và 10 tháng đầu năm đạt cao nhất trong 5 năm qua với tổng mức thực hiện 10 tháng đầu năm đạt 70% kế hoạch năm và tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngành công nghiệp và xây dựng của Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là một số đối tác lớn. Lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng phục hồi chậm. Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương và các địa phương phải kích cầu tiêu dùng mạnh hơn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết: "Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng dương duy nhất trong ASEAN với GDP năm 2020 và 2021 lần lượt đạt tăng trưởng 1,6% và 6,7%. Với mức tăng này, quy mô GDP của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 340,6 tỷ USD, vượt Singapore 337,5 tỷ USD, Malaysia 336,3 tỷ USD, đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN".
Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 3% trong năm 2020 và 7,8% vào năm 2021, hoạt động tiêu dùng gia tăng nhờ tâm lý thị trường được cải thiện và lĩnh vực sản xuất tăng tốc sẽ là động lực tăng trưởng chính trong quý IV/2020. Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,5-3% năm 2020.
Quang cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ |
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay, ngành công nghiệp và xây dựng của Việt Nam tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là một số đối tác lớn. Lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng phục hồi chậm. Thủ tướng lưu ý Bộ Công Thương và các địa phương phải kích cầu tiêu dùng mạnh hơn.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần việc Thủ tướng Nhật Bản và Ngoại trưởng Mỹ chọn Việt Nam là điểm đến quan trọng để thúc đẩy hợp tác đầu tư.
Người phát ngôn của Chính phủ dẫn yêu cầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực sáng cùng ngày: "Đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,5 - 3%, nhất là nhân rộng mô hình chuỗi giá trị đối với từng loại sản phẩm ưu tiên; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng; thúc đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa; tiếp tục khơi thông xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm. Đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công gồm vốn ODA, tuy nhiên, cần bảo đảm chất lượng, không hình thức, lãng phí".
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì triển khai các chỉ đạo đã kết luận tại cuộc họp, dứt khoát gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu và bộ máy phụ trách công việc này. Các địa phương trọng điểm, nhất là Hà Nội, TP.HCM cần làm gương, cả về sản xuất, thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công.
Tất cả các địa phương trên cả nước, các ngành thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI, do đó cần chuẩn bị tốt hơn về hạ tầng các khu công nghiệp.
"Tinh thần là càng khó khăn, chúng ta càng quyết tâm hơn nữa, ý chí hơn nữa để đưa đất nước tiến lên. Tình cảm tương thân tương ái của nhân dân với miền Trung chính là phải tăng sức sản xuất, phải làm nhiều hơn nữa để bù đắp cho tổn thất, mất mát về cơ sở vật chất, đời sống của người dân miền Trung", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn lời Thủ tướng và nhấn mạnh: "Các chỉ đạo của Thủ tướng là toàn diện, trực tiếp, cụ thể các cấp, các ngành cần có kế hoạch tăng tốc trong 2 tháng cuối năm, chuẩn bị tốt nhất cho kế hoạch năm 2021".