Kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt hơn 2 tỷ USD
Bà Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương. |
Tại buổi làm việc với Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Lào tại Việt Nam, bà Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nêu bật kết quả nổi bật trong quan hệ thương mại Việt Nam - Lào trong năm 2024 với kim ngạch thương mại song phương ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng xấp xỉ 34% so với năm trước đó.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên kim ngạch thương mại giữa hai nước vượt mốc 2 tỷ USD, vượt xa mục tiêu do Chính phủ hai nước đề ra và minh chứng rõ nét cho kết quả nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp; trong đó, không thể không kể đến đóng góp của Bộ Công Thương Việt Nam và Đại sứ quán Lào.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, vai trò then chốt của hai trụ cột trong quan hệ kinh tế Việt Việt Nam - Lào, hợp tác mua bán than và điện giữa Việt Nam và Lào trong năm 2024 đã đạt được những kết quả hết sức tốt đẹp. Việc nhập khẩu điện và than từ Lào về Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam mà còn khai thác tiềm năng cung ứng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hội của Lào.
Đại sứ Lào tại Việt Nam bày tỏ sự nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về thành tựu ấn tượng mà hai nước đã đạt được và bày tỏ sự ấn tượng trước sự tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024. Cụ thể ước đạt khoảng 810 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 9 liên tục, thặng dư thương mại đạt xấp xỉ 25 tỷ USD. Bên cạnh đó, công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng tới 8,4%, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng chung của kinh tế đất nước.
Việt Nam nhập khẩu từ Lào cao su, than đá, gỗ và sản phẩm gỗ, phân bón, quặng và khoáng sản... |
Đáng lưu ý, hàng hóa xuất khẩu của hai nước không chỉ mang tính cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Hiện tại, Việt Nam xuất khẩu sang Lào hóa chất, xăng dầu, máy móc, thiết bị dụng cụ, phương tiện vận tải, sản phẩm từ sắt thép... Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Lào cao su, than đá, gỗ và sản phẩm gỗ, phân bón, quặng và khoáng sản...
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, tính đến tháng 12/2024, đầu tư từ Việt Nam vào Lào 417 dự án với tổng giá trị được phê duyệt hơn 4.9 tỷ USD. Đặc biệt, các dự án đầu tư 100% vốn Việt Nam chiếm 4.6 tỷ USD; trong đó, phần lớn các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp 680 triệu USD, năng lượng điện 980 triệu USD, khai thác khoáng sản 1 tỷ USD, dịch vụ khác 2 tỷ USD.
Đặc biệt, nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động, bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước Lào, nhất là lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, trồng chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa...
Đóng góp vào kết quả này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị trong Bộ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối giao thương. Theo đó, Thương vụ Việt Nam tại Lào đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đẩy mạnh xúc tiến thương mại định kỳ hàng năm nhằm tạo cơ hội kết nối giao thương giữa địa phương hai nước.
Nổi bật là Hội chợ Thương mại Việt - Lào Expo được tổ chức vào quý III hàng năm. Đây là chương trình xúc tiến thương mại quốc gia quan trọng kết nối giao thương, miễn phí gian hàng, giúp doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, ký kết nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Ngoài ra, Thương vụ Việt Nam tại Lào cũng thường xuyên làm việc với đơn vị chuyên môn của Lào ở Trung ương và địa phương để kết nối, giới thiệu và quảng bá thương hiệu quốc gia, hàng hóa Việt Nam tại Lào. Mặt khác, thường xuyên cập nhật chính sách, môi trường kinh doanh, quy định về xuất nhập khẩu, thông tin thị trường, doanh nghiệp Việt Nam tới đối tác Lào.
Thúc đẩy tăng trưởng thương mại 10-15% trong năm 2025
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. |
Năm 2025, Lào đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%. Lào sẽ tập trung thực hiện kế hoạch một cách có trọng tâm, khoa học, chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và phù hợp với tiềm năng thực tế. Trao đổi về phương hướng hợp tác hai nước, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hai bên cần tiếp tục tập trung thực hiện các chỉ đạo của hai Bộ Chính trị, các tuyên bố chung và thỏa thuận cấp cao hai nước. Tiếp tục triển khai Chiến lược hợp tác 10 năm 2021-2030 và Hiệp định hợp tác 5 năm 2021-2025. Trong đó, năm 2025 là năm cuối thực hiện hiệp định hợp tác 5 năm.
Cụ thể, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng hai bên cần quan tâm triển khai thực hiện một số nội dung chính sau: Tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ về chính trị, ngoại giao: Chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, coi đó là tài sản vô giá, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.
Tiếp tục hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh; xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển toàn diện: Đấu tranh hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch; ngăn chặn các loại tội phạm vi phạm pháp luật xảy ra trên khu vực biên giới hai nước; phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Hai bên đã phối hợp triển khai hiệu quả các dự án xây dựng cụm bản, Dự án Trung tâm cai nghiện ma túy và Kích hoạt Dự án xây dựng hệ thống quản lý dân cư và căn cước công dân tại Lào.
Tăng cường kết nối hai nền kinh tế, thúc đẩy hợp tác đầu tư-thương mại Việt Nam-Lào. Trong đó, Việt Nam tiếp tục tăng cường hỗ trợ Lào kinh nghiệm về ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam và các cơ quan chức năng hai nước để tiếp tục triển khai nhiệm vụ rất quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao về việc chủ trì triển khai nhiệm vụ của Tổ chuyên gia Việt Nam hỗ trợ Lào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô và Xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2026-2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Hai quốc gia sẽ tăng cường tính kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế; tạo hành lang pháp lý ổn định, minh bạch, môi trường thuận lợi; có cơ chế đặc thù cho các dự án trọng điểm về an ninh - quốc phòng. Đơn cử, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào các ngành, lĩnh vực phù hợp với định hướng ưu tiên của Lào, tập trung các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến để trở thành hàng hóa xuất khẩu; năng lượng tái tạo đặc biệt các dự án tại khu vực biên giới hai nước kết nối với lưới điện Việt Nam; mỏ khai khoáng chế biến sâu dành cho doanh nghiệp Việt Nam; kết nối du lịch.
Xem xét, thí điểm cơ chế, chính sách mới, đặc thù để thu hút doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư tại Lào. Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại giữa hai bên, mời các doanh nghiệp lớn, các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…tham dự để thu hút đầu tư. Thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại tăng trưởng khoảng 10-15%; tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, kênh phân phối cho hàng hóa tại mỗi nước để đảm bảo sự hiện diện ổn định và đầu ra bền vững.
Về hợp tác mua bán điện: Tiếp tục phối hợp để rà soát, nghiên cứu chi tiết giá mua bán điện cho các dự án điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn sau năm 2025; nghiên cứu kết nối hệ thống đường dây truyền tải của hai nước nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán điện từ các dự án điện tại Lào trong tương lai; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thực hiện các dự án điện gió tại khu vực biên giới để bán điện về Việt Nam.
Tiếp tục dành ưu tiên và thúc đẩy việc nâng cao chất lượng trong hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Tiếp tục đổi mới cơ chế, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn viện trợ, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dài trải, phát huy hiệu quả ngay để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho Lào.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng đề nghị hai Ủy ban hợp tác hai nước thường xuyên phối hợp tổ chức kiểm tra các dự án sử dụng vốn viện trợ nhằm đôn đốc việc thực hiện đảm bảo tiến độ và chất lượng. Điều chuyển nguồn vốn đã bố trí trong năm từ các dự án chậm tiến độ cho các dự án đạt, vượt tiến độ và có khả năng giải ngân.