EVFTA - Cơ hội xuất khẩu thủy sản trực tiếp vào thị trường Bắc Âu Đẩy mạnh hợp tác thủy sản giữa bang Kerala Ấn Độ với Việt Nam Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn đều tăng |
Tính đến hết tháng 5/2022 tổng giá trị xuất khẩu đạt 1,21 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), tính đến hết tháng 5/2022 các nhà máy chế biến cá tra Việt Nam đều đã nỗ lực chạy hết công suất chế biến, tổng giá trị xuất khẩu đạt 1,21 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường, tính đến hết tháng 5/2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đạt hơn 317 triệu USD, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước. Giá cá tra phile xuất khẩu trung bình sang Trung Quốc dao động từ 3,15 - 3,25 USD/kg, cao hơn 0,5 USD/kg so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, tại thị trường Hoa Kỳ, 5 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 310 triệu USD, tăng 131%. Đáng chú ý, giữa tháng 5/2022, Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã ra thông báo công nhận thêm 6 nhà máy chế biến cá tra Việt Nam được phép chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra sang thị trường Hoa Kỳ nâng tổng số nhà máy được công nhận lên con số 19.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), tới cuối tháng 4/2022, giá cá tra đông lạnh nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam đã lập thêm đỉnh mới đạt gần 5 USD/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 2 USD/kg. Đây là mức giá tăng mạnh chưa từng có trong 3 năm trở lại đây.
Tính đến hết tháng 5/2022, CPTPP là khối thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam (sau Trung Quốc - Hồng Kông và Hoa Kỳ).
Nhu cầu nhập khẩu cá tra từ các nước trong khối liên tục tăng trưởng trong 5 tháng liên tiếp với giá trị đạt 146,5 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cá tra đông lạnh sang Mexico, Canada, Australia và Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm nay tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Ngoài ba thị trường xuất khẩu lớn trên, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU, Thái Lan, Brazil, Anh, Colombia, Ai Cập vẫn tăng trưởng tốt. Tổng giá trị xuất khẩu sang EU đạt 88,6 triệu USD, tăng 89%; sang Thái Lan tăng 85%; Brazil tăng 51%...
Giá xuất khẩu tốt, ổn định, giá nguyên liệu trong nước giảm nhẹ dao động 31.500 - 32.000 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg. Dự báo giá cá thương phẩm trung bình trong thời gian tới vẫn giữ ổn định do nhu cầu nhiều thị trường xuất khẩu vẫn lớn.
5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái |
Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực. Tháng 5/2022, kim ngạch xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 457 triệu USD, tăng 31% so với tháng 5/2021. Lũy kế 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 1,9 tỷ USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 5 năm nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hoa Kỳ chững lại trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc bật tăng.
Theo thống kê của VASEP, tính đến giữa quý II/2022, xuất khẩu thủy sản đã đạt gần 4 tỷ USD, tăng trưởng hơn 44% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, mặt hàng tôm và cá tra có mức tăng trưởng cao. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn có sự tăng trưởng ấn tượng. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành thủy sản đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19 và tăng trưởng xuất khẩu trở lại.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký VASEP, sự tăng trưởng này là do sự mở cửa trở lại của hầu hết các thị trường xuất khẩu (trừ Trung Quốc). Nhiều doanh nghiệp đã ký kết được các hợp đồng từ cuối năm 2021 đã thúc đẩy giá xuất khẩu tăng.
Bên cạnh đó, lợi thế về thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do đã góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng và bối cảnh cung – cầu hiện nay, dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ đạt 9,5 – 10 tỷ USD.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, theo các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm vẫn còn nhiều thách thức. Cụ thể, sự khan hiếm nguồn nguyên liệu không đảm bảo cho thị trường xuất khẩu, sự gia tăng cước phí tàu biển và các chi phí đầu vào tăng. Đáng chú ý, tại các thị trường lớn đang tiếp tục tăng cường kiểm soát các yếu tố an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc….
Việt Nam hiện đang xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới. Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành thủy sản. Trong đó, lợi thế có được từ việc cắt giảm thuế quan sẽ giúp tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam.
Tận dụng tối đa lợi thế về thuế từ các FTA, Chính phủ Việt Nam đang tăng cường mở rộng các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA).
Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2022 sẽ đạt 10 tỷ USD |
Hiện, xuất khẩu thủy sản sang các nước thành viên Hiệp định RCEP chiếm trên 63% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Hiệp định RCEP giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Với mặt hàng thủy sản, các hiệp định thương mại tự do trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam nhưng RCEP cho phép con giống nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.
Để tận dụng được cơ hội thị trường, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến thương mại cho rằng: Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối; đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu.
Đối với thị trường Anh, Hiệp định UKVFTA có hiệu lực từ cuối năm 2020 với những ưu đãi về thuế quan cũng đang tạo lợi thế cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam so với các đối thủ khác. Để khai thác thị trường Anh, đặc biệt là tận dụng cơ hội từ Hiệp định UKVFTA, VASEP khuyến nghị, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng như người nuôi trồng thủy sản cần tự giác thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát tốt vấn đề về kiểm dịch thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến để có sản phẩm hàng hóa thủy sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chú ý đến vấn đề phát triển bền vững, đặc biệt là các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động, về bảo vệ môi trường.